Thai nhi thành thai trong bụng mẹ trước khi người để lại di sản chết và sinh ra sau khi người để lại di sản chết và còn sống tại thời điểm phân chia di sản thì cũng được hưởng thừa kế.
Bạn đọc hỏi:
Thai nhi còn trong bụng mẹ có được thừa kế không? Nếu được thì cần phải điều kiện gì và có hưởng như những người lớn khác cùng hàng thừa kế không?
Trả lời:
Điều 613, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế là cá nhân, phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Ngoài ra, tại Điều 660 có nêu chi tiết về việc phân chia di sản theo pháp luật: Khi phân chia di sản, nếu có người thừa kế cùng hàng đã thành thai nhưng chưa sinh ra thì phải dành lại một phần di sản bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng để nếu người thừa kế đó còn sống khi sinh ra được hưởng; nếu chết trước khi sinh ra thì những người thừa kế khác được hưởng.
Như vậy, thai nhi thành thai trong bụng mẹ trước khi người để lại di sản chết và sinh ra sau khi người để lại di sản chết và còn sống tại thời điểm phân chia di sản thì cũng được hưởng thừa kế; kỷ phần di sản của cháu bé này cũng bằng phần mà người thừa kế khác được hưởng.
Tuy nhiên, do chưa thành niên (chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ) nên phần di sản thừa kế cháu bé được hưởng sẽ do người giám hộ đương nhiên (hoặc được cử ra) quản lý cho đến khi cháu bé thành niên (năng lực hành vi dân sự đầy đủ).
Nguồn: THUVIENPHAPLUAT