Chính phủ Việt Nam vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực tư pháp; trong đó sẽ bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giản đơn thủ tục cấp lý lịch tư pháp…
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 58/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Theo đó, Chính phủ đã thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp.
Theo đó, sẽ bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch và nhiều lĩnh vực quan trọng.
Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp căn cứ nội dung Phương án này chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan để bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hành thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Sẽ bỏ hàng loạt thủ tục
Về lĩnh vực quốc tịch, Phương án của Chính phủ cho thấy sẽ bãi bỏ thủ tục thông báo có quốc tịch nước ngoài.
Đối với thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam:
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không cần xuất trình hoặc nộp các giấy tờ: Giấy tờ tùy thân của người liên quan đến người xin nhập quốc tịch; giấy chứng nhận kết hôn của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam (nếu có); giấy tờ chứng minh nơi cư trú cha, mẹ hoặc người giám hộ của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đối với người xin thôi quốc tịch Việt Nam đang cư trú trong nước thì không yêu cầu nộp các giấy tờ như bản sao giấy khai sinh, hoặc hộ chiếu Việt Nam, hoặc giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực hộ tịch, Chính phủ có phương án sẽ bãi bỏ thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Về thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam, Chính phủ cũng có phương án sẽ bỏ quy định nộp bản sao sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Thay vào đó là bổ sung việc nộp bản sao thẻ căn cước công dân khi thực hiện thủ tục này (trường hợp người có yêu cầu cấp phiếu là công dân Việt Nam lựa chọn thẻ căn cước công dân khi nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu).
Đáng chú ý, việc khai tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp cũng được giảm thiểu đáng kể việc kê khai nhiều thông tin có thể tra cứu được trên cơ sở dữ liệu quốc gia như tại mẫu tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (dùng cho cá nhân) bỏ thông tin về “Ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; giới tính; quốc tịch; dân tộc; nơi thường trú; nơi tạm trú; họ tên cha/mẹ; họ tên vợ/chồng đối với người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là công dân Việt Nam. Bổ sung thông tin về số căn cước công dân vào thông tin “Giấy CMND/Hộ chiếu”.
Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch… đã được bãi bỏ. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM. Ảnh: HTD
Sẽ bỏ xuất trình giấy chứng nhận kết hôn
Trong thủ tục đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài: Phương án của Chính phủ là bỏ quy định về xuất trình giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ trẻ em (trường hợp cha mẹ trẻ có đăng ký kết hôn).
Phương án cũng cho phép sẽ bỏ quy định nộp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, trích lục ghi chú ly hôn (đối với công dân Việt Nam) trong thủ tục đăng ký kết hôn, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Đồng thời, Phương án này cũng sẽ bỏ quy định nộp bản sao/xuất trình các giấy tờ chứng minh nơi cư trú và giảm bớt yêu cầu cung cấp thông tin trong 19 mẫu tờ khai ban hành kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP theo hướng: Thông tin về công dân Việt Nam trong các tờ khai chỉ yêu cầu cung cấp họ tên, số căn cước công dân, nơi ở hiện nay (trường hợp khác nơi đăng ký thường trú). Đối với 12 trường hợp thông tin cá nhân còn lại, cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân cung cấp mà phải tự khai thác trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với các nhóm thủ tục về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài…
Giảm thủ tục trong yêu cầu bồi thường
Trong NQ 58, có một phương án đáng chú ý trong thủ tục giải quyết bồi thường tại cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án dân sự. Đó là: Trường hợp người bị thiệt hại chết mà người thừa kế của người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường thì người yêu cầu bồi thường chỉ nộp bản sao thẻ căn cước công dân mà không phải nộp các giấy tờ chứng minh mối quan hệ của họ đối với người bị hại như hộ khẩu, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy khai sinh.
Nguồn: L.THANH
Báo Pháp Luật