Hỏi: Chúng tôi là một công ty kinh doanh vận tải đóng trụ sở tại CHLB Đức. Chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu về việc thành lập công ty liên doanh tại Việt Nam giữa một bên là hãng vận tải của Đức và một doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực thương mại, XNK hàng hóa.
Kính mong Tòa soạn giúp đỡ giải đáp những câu hỏi sau:
- Các qui định của pháp luật về vốn pháp định tối thiểu cần có của công ty liên doanh?
- Tỷ lệ góp vốn cao nhất mà DN nước ngoài được quyền góp vào công ty liên doanh?
- Công ty trong nước sẽ là bên góp vốn hay phải là cá nhân góp vốn?
- Trường hợp nếu bên nước ngoài muốn mua toàn bộ phần góp vốn của bên trong nước thì có được không? Các điều kiện nếu có? Tiêu chí nào để định giá tài sản của công ty để mua lại toàn bộ phần vốn góp?
- Thuế thu nhập DN của công ty tại Việt Nam (trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như: công ty liên doanh & 100% vốn nước ngoài) là bao nhiêu % ?
- Ngoài thuế thu nhập DN, thì còn có các loại thuế nào mà công ty phải đóng góp cho nhà nước VN? VAT? Tất cả các hóa đơn thu (incoming invoices) của công ty sẽ phải tính thuế?
- Bên nước ngoài có được chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước hay chỉ một phần?
- Có qui định của luật pháp về việc ai sẽ là thành viên trong hội đồng thành viên/quản trị của công ty liên doanh không?
- Có cần phải có hội động giám sát (board of superviror) cho các bên góp vốn của công ty liên doanh không?
- Các bên góp vốn có phải chịu trách nhiệm nếu quản lý kém hoặc góp vốn không đầy đủ?
- Liệu có thể thuê người nước ngoài làm về kế toán/ chế độ kế toán? Nếu không thì các yêu cầu về chế độ kế toán gồm những gì?
- Người lao động được bảo vệ như thế nào nếu họ bị đơn phương đình chỉ hợp đồng lao động?
- Ngoại tệ sẽ được chuyển vào Việt Nam để góp vốn bằng cách nào? Trong cả hai trường hợp cả vốn pháp định và vốn đầu tư?
- Sau khi công ty chấm dứt hoạt động, có thể chuyển toàn bộ số vốn đã góp trở về nước?
- Trách nhiệm của công ty trong trường hợp xấu:
- Đối với vốn pháp định
- Đối với vốn riêng (vốn đầu tư)
- Tư cách pháp nhân của công ty và các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm?
Trả lời:
Sau khi nghiên cứu Biểu cam kết về dịch vụ khi gia nhập WTO (“Biểu cam kết”) và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, chúng tôi trả lời bạn như sau:
1. Các qui định của pháp luật về vốn pháp định tối thiểu cần có của công ty liên doanh?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hiện hành, vốn pháp định là “mức vốn tối thiểu phải có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp”. Trong suốt quá trình kinh doanh, doanh nghiệp có nghĩa vụ bảo đảm mức vốn điều lệ thực tế không thấp hơn mức vốn pháp định đã được quy định. Pháp luật Việt Nam quy định điều kiện về vốn pháp định (mức vốn pháp định) đối với một số ngành nghề cụ thể như: ngân hàng và tổ chức tín dụng; chứng khoán; kinh doanh bất động sản; kinh doanh bảo hiểm; kinh doanh vàng…
Như vậy, nếu công ty của bạn chỉ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại (mua bán hàng hoá), xuất nhập khẩu hàng hoá thì công ty không phải đảm bảo điều kiện về vốn pháp định. Công ty chỉ phải đáp ứng yêu cầu về vốn pháp định nếu kinh doanh các ngành nghề có yêu cầu về vốn pháp định nêu trên.
2. Tỷ lệ góp vốn cao nhất mà doanh nghiệp nước ngoài được quyền góp vào công ty liên doanh?
Tỷ lệ góp vốn của doanh nghiệp nước ngoài trong công ty liên doanh phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh của công ty đó. Theo đó, ngành nghề kinh doanh trong lĩnh vực thương mại (mua bán hàng hoá), xuất nhập khẩu hàng hoá được xem là ngành nghề phân phối.
Theo quy định tại Mục II.4 Biểu cam kết, kể từ ngày 01/01/2009 không giới hạn về tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty liên doanh kinh doanh ngành nghề phân phối.
Áp dụng quy định nêu trên, với ngành nghề kinh doanh về phân phối, tỷ lệ góp vốn của phía nước ngoài trong công ty liên doanh sẽ không bị hạn chế.
Lưu ý:
Công ty liên doanh không được phân phối các sản phẩm sau: Thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải, xi măng và clinke; lốp (trừ lốp máy bay); giấy; sắt thép; thiết bị nghe nhìn; rượu; và phân bón (Mục II.4 Biểu cam kết).
3. Công ty trong nước sẽ là bên góp vốn hay phải là cá nhân góp vốn?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Đầu tư thì nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do vậy, nhà đầu tư Việt Nam trong công ty liên doanh bạn dự định thành lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
4. Trường hợp nếu bên nước ngoài muốn mua toàn bộ phần góp vốn của bên trong nước thì có được không? Các điều kiện nếu có? Tiêu chí nào để định giá tài sản của công ty để mua lại toàn bộ phần vốn góp?
Việc bên nước ngoài mua toàn bộ phần vốn góp của bên Việt Nam trong công ty liên doanh sẽ làm thay đổi tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sẽ căn cứ vào ngành nghề của công ty liên doanh để xem xét chấp thuận việc chuyển nhượng vốn góp này. Theo phân tích tại câu 2 nêu trên, với ngành nghề phân phối bên nước ngoài được mua toàn bộ phần vốn góp của bên Việt Nam trong công ty liên doanh.
Việc định giá tài sản của công ty có thể căn cứ vào các tiêu chí sau đây:
- Phần vốn góp thực tế của bên Việt Nam
- Tài sản cố định của công ty (bao gồm cả tài sản sở hữu trí tuệ)
- Vốn lưu động của công ty
- Tình hình kinh doanh thực tế của công ty
- Các khoản nợ của đối tác với công ty...
5. Thuế thu nhập DN của công ty tại Việt Nam (trong các trường hợp có yếu tố nước ngoài như: công ty liên doanh & 100% vốn nước ngoài) là bao nhiêu %?
Pháp luật Việt Nam không phân biệt thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài mà áp dụng một mức thuế suất chung. Theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (“Nghị định số 124/2008/NĐ-CP”) thì thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, trừ trường hợp doanh nghiệp hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác tại Việt Nam (từ 32% đến 50%) và các trường hợp thuế suất ưu đãi quy định tại Điều 15 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP, gồm có: doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao; doanh nghiệp đầu tư trong các lĩnh vực xã hội hoá…
6. Ngoài thuế thu nhập DN, thì còn có các loại thuế nào mà công ty phải đóng góp cho nhà nước VN? VAT? Tất cả các hóa đơn thu (incoming invoices) của công ty sẽ phải tính thuế?
Ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty phải nộp các loại thuế sau:
- Thuế môn bài
- Thuế giá trị gia tăng (VAT)
- Thuế thu nhập cá nhân (nếu có)
- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)
- Thuế suất nhập khẩu (nếu có)
- Tiền thuê đất (nếu có)
7. Bên nước ngoài có được chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước hay chỉ một phần?
Theo quy định tại điểm 1.1, Mục 2, Thông tư số 124/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 23/12/2004, nhà đầu tư nước ngoài chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trong trường hợp: “Chuyển hàng năm và chuyển một lần toàn bộ số lợi nhuận được chia hoặc thu được sau khi kết thúc năm tài chính và đã nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế”.
Điểm 2.1, Mục 2, Thông tư số 124/2004/TT-BTC quy định: “Số thu nhập nhà đầu tư được chuyển ra nước ngoài của năm tài chính được xác định sau khi doanh nghiệp có báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo quyết toán thuế năm tài chính của doanh nghiệp nộp cho cơ quan thuế địa phương quản lý doanh nghiệp”.
Áp dụng quy định nêu trên, bên nước ngoài có thể chuyển toàn bộ lợi nhuận về nước sau khi Công ty có báo cáo tài chính đã được kiểm toán và báo cáo quyết toán thuế năm tài chính của doanh nghiệp nộp cho cơ quan thuế địa phương và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với nhà nước Việt Nam.
8. Có qui định của luật pháp về việc ai sẽ là thành viên trong hội đồng thành viên/quản trị của công ty liên doanh không?
Theo quy định tại Điều 109 Luật Doanh nghiệp: “Hội đồng quản trị có không ít hơn ba thành viên, không quá mười một thành viên, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Số thành viên Hội đồng quản trị phải thường trú ở Việt Nam do Điều lệ công ty quy định. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản trị là 05 (năm) năm. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản trị không quá 05 (năm) năm; thành viên Hội đồng quản trị có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Thành viên Hội đồng quản trị không nhất thiết phải là cổ đông của công ty”.
Điều 110 Luật Doanh nghiệp quy định về tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên Hội đồng quản trị như sau:
Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
- Có đủ năng lực hành vi dân sự, không thuộc đối tượng bị cấm quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật này;
- Là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông hoặc người khác có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh hoặc trong ngành, nghề kinh doanh chủ yếu của công ty hoặc tiêu chuẩn, điều kiện khác quy định tại Điều lệ công ty
9. Có cần phải có hội động giám sát (board of superviror) cho các bên góp vốn của công ty liên doanh không?
Trong trường hợp bạn thành lập Công ty TNHH hai thành viên trở lên, nếu Công ty có từ mười một thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn mười một thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty (Điều 46 Luật Doanh nghiệp).
Trong trường hợp bạn thành lập Công ty cổ phần có trên mười một cổ đông là cá nhân hoặc có cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty phải thành lập Ban kiểm soát (Điều 95 Luật Doanh nghiệp).
10. Các bên góp vốn có phải chịu trách nhiệm nếu quản lý kém hoặc góp vốn không đầy đủ?
Quản lý Công ty và góp vốn là trách nhiệm của tất cả các thành viên/cổ đông trong Công ty.
Việc quản lý Công ty được quy định cụ thể tại Điều lệ và các quy định nội bộ của Công ty. Trong trường hợp quản lý kém thành viên/cổ đông góp vốn có thể bị áp dụng các chế tài nhất định phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông của Công ty.
Việc góp vốn là nghĩa vụ của các thành viên/cổ đông của Công ty. Trong trường hợp bên góp vốn không góp đầy đủ số vốn như đã cam kết thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ Công ty. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp trường hợp thành viên/cổ đông sáng lập không góp đủ số vốn như đã cam kết thì số vốn chưa góp sẽ bị xử lý theo một trong các cách sau (khoản 3 Điều 39; khoản 3 Điều 84 Luật Doanh nghiệp):
- Một hoặc một số thành viên/cổ đông sáng lập nhận góp đủ số vốn đó;
- Các thành viên/cổ đông sáng lập góp đủ số vốn đó theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp/cổ phần của họ trong công ty;
- Huy động người khác không phải là thành viên/cổ đông sáng lập nhận góp đủ số vốn đó; người nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành thành viên/cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, thành viên/cổ đông sáng lập chưa góp đủ vốn theo đăng ký đương nhiên không còn là thành viên/cổ đông của công ty.
11. Liệu có thể thuê người nước ngoài làm về kế toán/ chế độ kế toán? Nếu không thì các yêu cầu về chế độ kế toán gồm những gì?
Công ty có thể thuê người nước ngoài làm kế toán trưởng, người làm phụ trách kế toán nếu người nước ngoài đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Mục III Thông tư liên tịch số 13/2005/TTLT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Tài Chính và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục bổ nhiệm, bãi miễn và xếp lương Kế toán trưởng, Phụ trách Kế toán trong các tổ chức hoạt động kinh doanh. Cụ thể:
- Kế toán trưởng:
Đối với người nước ngoài được bổ nhiệm làm kế toán trưởng trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp Việt Nam phải có Chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán, kiểm toán do tổ chức nước ngoài cấp được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận; hoặc có Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp; hoặc có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng theo quy định của Bộ Tài chính; có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là hai năm trong đó có 1 năm làm công tác kế toán tại Việt Nam; không thuộc đối tượng những người không được làm kế toán quy định tại Điều 51 của Luật Kế toán và được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên. - Người làm kế toán:
Người được bổ nhiệm làm phụ trách kế toán phải có đủ các tiêu chuẩn về đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quy định cho người làm kế toán trưởng nhưng chưa đủ thời gian công tác thực tế về kế toán hoặc chưa có Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng.
12. Người lao động được bảo vệ như thế nào nếu họ bị đơn phương đình chỉ hợp đồng lao động?
Người sử dụng lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Chấm dứt hợp đồng lao động đúng các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động (“BLLĐ”);
- Trao đổi với Ban chấp hành công đoàn cơ sở (khoản 2 Điều 38 BLLĐ);
- Thời hạn báo trước (khoản 3 Điều 38 BLLĐ);
a. Trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật:
Theo quy định tại Điều 42 BLLĐ: Khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức từ một năm trở lên, người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc, cứ mỗi năm làm việc là nửa tháng lương, cộng với phụ cấp lương, nếu có.
b. Trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ: Trong trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (vi phạm các điều kiện nói trên) thì phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng đã ký và phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Trong trường hợp người lao động không muốn trở lại làm việc, thì ngoài khoản tiền được bồi thường nói trên, người lao động còn được trợ cấp theo quy định tại Điều 42 của BLLĐ.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động trở lại làm việc và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền bồi thường nói trên và trợ cấp quy định tại Điều 42 BLLĐ, hai bên thỏa thuận về khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
13. Ngoại tệ sẽ được chuyển vào Việt Nam để góp vốn bằng cách nào? Trong cả hai trường hợp cả vốn pháp định và vốn đầu tư?
Sau khi thành lập Công ty, bạn cần mở tài khoản Công ty tại một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Sau khi có tài khoản ngân hàng bạn có thể chuyển tiền vào Việt Nam để góp vốn.
14. Sau khi công ty chấm dứt hoạt động, có thể chuyển toàn bộ số vốn đã góp trở về nước?
Khi công ty chấm dứt hoạt động (giải thể, phá sản), vốn góp của các thành viên được sử dụng để thực hiện các nghĩa vụ của Công ty theo quy định của pháp luật Việt Nam. Sau khi Công ty hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định (thanh toán hết các khoản nợ), phần vốn góp còn lại được coi là tài sản của Công ty và Công ty có thể chuyển phần vốn này ra nước ngoài.
15. Trách nhiệm của công ty trong trường hợp xấu (Đối với vốn pháp định; Đối với vốn riêng (vốn đầu tư)):
Đối với những ngành nghề kinh doanh pháp luật yêu cầu phải có vốn pháp định, Công ty phải chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn pháp định này.
Trong trường hợp Công ty không kinh doanh những ngành nghề pháp luật yêu cầu phải có vốn pháp định, Công ty sẽ chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn đầu tư (vốn điều lệ).
16. Tư cách pháp nhân của công ty và các thành viên góp vốn phải chịu trách nhiệm?
Công ty sẽ chịu trách nhiệm đối với các Hợp đồng, Giao dịch, Tài liệu được ký kết nhân danh Công ty. Trong trường hợp này các thành viên góp vốn có trách nhiệm liên đới đối với các nghĩa vụ của Công ty.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội