Hỏi: Tôi làm việc tại Đức đã 9 năm, vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Nay tôi không có việc làm nên muốn trở về Việt Nam. Tôi không thuộc diện hồi hương mà là đi lao động nước ngoài tự túc...

Xin hỏi:

  1. Tôi có một xe hơi đã qua sử dụng, nay muốn mang về có được không?
  2. Nếu được, cần phải làm những thủ tục gì và phải chịu bao nhiêu thuế?

Trả lời:

1. Thủ tục nhập khẩu:

Theo điểm 1.3, Mục I Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ của Tổng Cục Hải quan ngày 29/05/2001 quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu theo chế độ phi mậu dịch (“Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ”) thì: Cơ quan Hải quan cấp giấy phép để quản lý đối với việc nhập khẩu xe ôtô của đối tượng là người Việt Nam và gia đình định cư ở nước ngoài được phép trở về Việt Nam định cư.

Áp dụng quy định pháp luật nêu trên với trường hợp bạn nêu, do bạn nhập khẩu ôtô để về sử dụng, không mang mục đích thương mại nên phải thực hiện các thủ tục cấp giấy phép và nhập khẩu ôtô theo hướng dẫn tại văn bản pháp luật này. Cụ thể như sau:

Hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu (tiết a, điểm 1, Mục II Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ):

-         Văn bản đề nghị nhập khẩu xe có xác nhận của chính quyền địa phương. Văn bản cần ghi rõ các chi tiết về chiếc xe xin nhập khẩu.

-         Hộ chiếu: 01 bản photocopy có đóng dấu xác nhận của cơ quan quản lý và xuất trình bản chính để đối chiếu.

-         Vận tải đơn: 03 bản copy (hoặc 01 bản copy, 02 bản sao).

-         Giấy tờ khác liên quan đến xe nhập khẩu (như giấy tờ chứng minh quyền sở hữu xe ở nước ngoài ...).

-         Quyết định cho phép định cư tại Việt Nam hoặc văn bản có liên quan khác: 01 bản sao (có xuất trình bản chính để đối chiếu).

Cơ quan cấp, quản lý giấy phép (điểm 2, 3 Mục I Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ):

Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố cấp, quản lý giấy phép cho các đối tượng có địa chỉ trên địa bàn Tỉnh, Thành phố mình quản lý. Nếu đối tượng ở Tỉnh, Thành phố không có tổ chức Hải quan thì có thể đề nghị Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố thuận tiện cấp giấy phép.

Giấy phép do Cục trưởng Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố cấp có giá trị thực hiện tại các cửa khẩu trong cả nước. Thời hạn hiệu lực của giấy phép là 30 ngày kể từ ngày cấp.

Trường hợp có lý do xác đáng, chủ hàng có văn bản đề nghị xin gia hạn thì Cục trưởng Cục Hải quan nơi cấp giấy phép xem xét để gia hạn thêm 01 lần, thời gian gia hạn tối đa không quá 30 ngày.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc cấp giấy phép cho chủ hàng.

Thủ tục nhập khẩu (tiết c, điểm 1, Mục II Thông tư số 02/2001/TT-TCHQ):

Chủ hàng: Khai hải quan bằng tờ khai hải quan (theo mẫu do cơ quan này phát hành). Chủ hàng khai 02 tờ.

Hải quan cửa khẩu căn cứ vào giấy phép và tờ khai hải quan để làm thủ tục nhập theo quy định và sau khi làm xong thủ tục, ghi kết quả làm thủ tục nhập khẩu vào tờ khai và giấy phép. Nội dung ghi bao gồm: nhãn hiệu xe, đời xe (model), năm sản xuất, nước sản xuất, màu sơn, số khung, số máy, dung tích động cơ, tình trạng xe.

Kết thúc thủ tục: Hải quan cửa khẩu trả cho chủ hàng 01 giấy phép và 01 tờ khai có đóng dấu "Bản chủ hàng" để đăng ký lưu hành xe.

Ngoài thủ tục nêu trên, do ôtô của bạn đã qua sử dụng nên phải đáp ứng điều kiện nhập khẩu quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31-3-2006 của Liên Bộ Thương mại - Giao thông Vận tải - Tài chính - Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng theo Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 19/2009/TT-BCT của Bộ Công thương ngày 07/07/2009. Theo đó, ôtô nhập khẩu phải được đăng ký với thời gian tối thiểu là 6 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 km (mười nghìn) tính đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam và không được nhập khẩu ô tô các loại có tay lái bên phải.

Ô tô đã qua sử dụng chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân - Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu và phải đảm bảo điều kiện không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến thời điểm ôtô về đến cảng Việt Nam, cụ thể là năm 2010 chỉ được nhập ô tô loại sản xuất từ năm 2005 trở lại đây.

Khi nhập ô tô đã qua sử dụng về Việt Nam, bạn phải chịu 3 loại thuế: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt.

2. Thuế nhập khẩu:

Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế Giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCNVN ngày 03/06/2008 thì thuế suất giá trị gia tăng đối với xe ô tô đã qua sử dụng là 10%.

Bạn có thể căn cứ vào cách tính thuế giá trị gia tăng dưới đây để tính ra mức thuế phải đóng khi đưa xe về nước.

Thuế giá trị gia tăng = (Giá nhập khẩu + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt) x thuế suất.

Riêng thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt do bạn không nêu rõ thông số của xe nên chúng tôi không thể xác định mức thuế cụ thể cho bạn được. Bạn có thể tham khảo thêm Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt để xác định cụ thể mức thuế phải đóng khi mang xe về.

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC