Hỏi: Chồng tôi 39 tuổi, sang Đức định cư đã gần 17 năm. Nay chồng tôi muốn xin hồi hương trở về VN sinh sống…
Vậy xin hỏi:
(1) Vì chồng tôi là con lai, nên chồng tôi có bị trở ngại gì không (về mặt pháp lý hoặc chính trị) khi trở về VN?
(2) Chồng tôi không còn giữ giấy tờ có liên quan nhận dạng là quốc tịch Việt Nam khi xưa, như giấy Chứng minh nhân dân và Passport, thì có thể dùng giấy tờ khác để chứng minh khi xưa chồng tôi là người VN hay không? Ví dụ như giấy thông hành khi xưa được cấp để xuất cảnh sang Mỹ hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp tại VN có thay thế được giấy CMND không?
(3) Khi xin hồi hương và trở về quốc tịch VN, thì chồng tôi có phải nộp đơn xin hủy bỏ quốc tịch Đức hay không?
(4) Tôi là người đứng ra bảo lãnh chồng tôi, vậy tôi có phải chứng minh tài sản hay mức lương đảm bảo cuộc sống cho chồng tôi không? Và có quy định nào là người xin hồi hương phải có việc làm trong khoảng bao nhiêu tháng sau khi đã hồi hương không?
Trả lời:
1. Đối với người xin hồi hương là con lai
Pháp luật Việt Nam không phân biệt người xin hồi hương là con lai hay người có bố, mẹ là người Việt Nam.
Theo Điều 1 Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam (viết tắt là Quyết định số 875/TTg), mọi công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam mà có đủ các điều kiện theo luật định sẽ được xem xét giải quyết cho hồi hương. Như vậy việc chồng bạn là con lai sẽ không gây trở ngại gì tới việc xin hồi hương về Việt Nam.
2. Giấy tờ chứng minh là người Việt Nam
Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 875/TTg, mục I Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Thông tư liên tịch số 06/TT-LT), điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG của Bộ Công an, Bộ Ngoại giao ngày 28/11/2005 về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 06/TT-LT của Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao ngày 29/01/1997 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 875/TTg ngày 21/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ (viết tắt là Thông tư liên tịch số 04/TTLT-BCA-BNG), thì một trong những điều kiện mà công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài xin hồi hương về Việt Nam phải đáp ứng là: Có quốc tịch Việt Nam và mang hộ chiếu Việt Nam; nếu có quốc tịch Việt Nam, đồng thời mang hộ chiếu nước ngoài thì phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Áp dụng quy định này, chồng bạn không còn giữ hộ chiếu Việt Nam nên trong trường hợp chồng bạn mang hộ chiếu nước ngoài, chồng bạn phải chứng minh mình có quốc tịch Việt Nam và phải có xác nhận đã đăng ký công dân tại một cơ quan Đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài.
Điều kiện "Có quốc tịch Việt Nam" theo quy định tại điểm 1 Thông tư liên tịch số 04/2005/TTLT-BCA-BNG gồm hai trường hợp sau:
a. Mang hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị do Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
b. Nếu không có hộ chiếu hoặc giấy tờ thay hộ chiếu Việt Nam còn giá trị, thì phải có một trong các giấy tờ sau:
+ Giấy xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp;
+ Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cấp.
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về giấy tờ có giá trị thay thế chứng minh nhân dân (giấy thông hành hoặc bằng tốt nghiệp trung cấp tại Việt Nam). Do đó để được hồi hương chồng bạn phải có xác nhận đã đăng ký công dân do cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cấp.
3. Huỷ bỏ quốc tịch nước ngoài của người xin hồi hương
Theo quy định tại Điều 4 Luật Quốc tịch 2008: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Tại Điều 19 Luật Quốc tịch 2008 quy định, người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những trường hợp sau:
- Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.
Căn cứ vào quy định nêu trên, bạn vẫn là công dân Việt Nam nên khi chồng bạn trở lại quốc tịch Việt Nam do hồi hương thì chồng bạn không phải thôi quốc tịch nước ngoài. Ngoài ra, theo các qui định pháp luật về hồi hương thì không có quy định nào bắt buộc người hồi hương phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài của họ.
4. Bảo lãnh đối với người xin hồi hương
Yêu cầu có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương là một trong những điều kiện để người nước ngoài được hồi hương về Việt Nam. Theo quy định tại điểm 2 mục I Thông tư liên tịch số 06/TT-LT, có khả năng bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam sau khi hồi hương, bao gồm:
a. Đảm bảo có nơi ở hợp pháp: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về khả năng tài chính để mua nhà ở sau khi hồi hương, hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo chỗ ở sau khi hồi hương.
- Có khả năng duy trì cuộc sống sau khi hồi hương: người xin hồi hương phải có bằng chứng và ghi rõ trong đơn xin hồi hương về nguồn sống hoặc dự định về việc tìm kiếm việc làm sau khi hồi hương hoặc được thân nhân (người bảo lãnh) ghi rõ trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo cung cấp tài chính, nuôi dưỡng sau khi hồi hương.
Theo quy định nêu trên bạn phải chứng minh trong giấy bảo lãnh về việc đảm bảo chỗ ở, đảm bảo cung cấp tài chính khi chồng bạn hồi hương. Bạn có thể chứng minh bằng tài sản hoặc thu nhập của mình để thể hiện được rõ ràng nhất khả năng tài chính trong trường hợp bảo lãnh.
Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định việc người xin hồi hương phải có việc làm trong khoảng bao nhiêu tháng sau khi đã hồi hương.