Hỏi: Tôi là Việt kiều ở Đức, mang hộ chiếu CHLB Đức, đã được miễn thị thực, nhưng tôi không có hộ chiếu Việt Nam...
Xin được hỏi:
- Sau khi đăng ký công dân xong, trước khi hồi hương tôi có được cấp hộ chiếu Việt Nam? Nếu có thì thủ tục ra sao?
- Nếu được cấp hộ chiếu Việt Nam thì tôi được xem như là có 2 quốc tịch theo luật song tịch mới được Quốc hội thông qua hồi năm ngoái hay không?
- Sau khi đăng ký công dân và hồi hương rồi, tôi còn được tự do dùng hộ chiếu Đức để quay lại Đức thăm con cháu hay không?
- Sau khi đã hồi hương về Việt Nam, tôi có bị bắt buộc phải sinh sống ở Việt Nam một khoảng thời gian tối thiểu nào đó không? Nếu có thì bao lâu?
- Công dân Việt Nam có hộ chiếu Việt Nam nhưng chưa có giấy Chứng minh Nhân dân vì chưa hồi hương thường trú mà chỉ tạm trú khi về thăm quê hương thôi thì có được quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất như công dân Việt Nam thường trú trong nước hay không? Nếu được thì thời gian tạm trú tối thiểu là bao lâu?
Trả lời:
1. Xin cấp hộ chiếu Việt Nam(Điều 14, 15, 16 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/08/2007 vể xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam):
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu chỉ áp dụng đối với công dân Việt Nam. Nếu bạn có quốc tịch Việt Nam sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp hộ chiếu nếu có yêu cầu.
Thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài:
Hồ sơ gồm: Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định; Giấy tờ chứng minh có quốc tịch Việt Nam; Bản sao giấy khai sinh nếu người đề nghị cấp hộ chiếu dưới 14 tuổi.
Trường hợp cha hoặc mẹ có nhu cầu cho con dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu thì khai chung vào tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu của mình. Hồ sơ nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Cơ quan này trả kết quả cho người đề nghị trong thời hạn không quá 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ.
2. Về vấn đề 2 Quốc tịch:
Theo quy định của Luật Quốc tịch thì Hộ chiếu Việt Nam là căn cứ chứng minh người có quốc tịch Việt Nam (Điều 11 Luật Quốc tịch). Nếu bạn được xem xét cấp hộ chiếu Việt Nam thì có thể bạn được coi là có 2 quốc tịch. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý về nguyên tắc quốc tịch theo Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 13/11/2008: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
3. Về vấn đề trở lại Đức sau khi hồi hương:
Sau khi bạn được hồi hương, nếu muốn xuất cảnh (quay trở lại Đức), bạn phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam hoặc các giấy tờ liên quan để làm thủ tục này (Điều 4 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/08/2007 về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam). Việc bạn muốn nhập cư vào Đức còn phải phụ thuộc vào luật pháp của nước Đức quy định về vấn đề này.
4. Thời hạn tối thiểu phải sống ở Việt Nam sau khi hồi hương:
Luật pháp Việt Nam không quy định về thời hạn bắt buộc công dân Việt Nam khi hồi hương phải sinh sống. Tuy nhiên, theo quy định của Thủ tướng Chính phủ thì người hồi hương khi về Việt Nam, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, phải xuất trình các giấy từ tuỳ thân với công an tỉnh, thành phố nơi cư trú để làm thủ tục đăng ký hộ khẩu thường trú, và xin cấp giấy chứng minh nhân dân (Quyết định số 875/ TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/1996 về việc giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương về Việt Nam). Ngoài ra, công dân Việt Nam khi hồi hương còn phải tuân thủ việc đăng kí cư trú theo quy định của Luật Cư trú 2006.
5. Sở hữu nhà đất tại Việt Nam:
Khoản 2 Điều 126 Luật Nhà ở Việt Nam quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài về Việt Nam cư trú với thời hạn được phép từ sáu tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng lẻ (sở hữu nhà và quyền sử dụng đất) hoặc một căn hộ.
Như vậy, thời hạn tạm trú được phép để Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà gắn liền quyền sử dụng đất tại Việt Nam là 6 tháng.