Câu hỏi:
Tôi có người bạn đã cưới chồng nước ngoài (chồng là người Việt sống tại Đức), hiện 2 vợ chồng đang định cư tại Đức. Cô ấy sống tại Đức đã 20 năm, vẫn mang hộ chiếu Việt Nam và đang muốn về VN định cư...
Xin hỏi:
Nếu cô ấy muốn về Việt Nam định cư thì cần phải làm những thủ tục gì và như thế nào?
Nếu quay về Việt Nam sống một mình có cần phải ly hôn với chồng không?
Trả lời:
1. Thủ tục về Việt Nam định cư:
Theo khoản 3 Điều 3 Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/08/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (sau đây viết tắt là “Nghị định số 136”) quy định: “Công dân Việt Nam mang giấy tờ có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được xuất cảnh, nhập cảnh về Việt Nam không cần thị thực”.
Như vậy, trong trường hợp người Việt Nam vẫn mang hộ chiếu Việt Nam còn giá trị như bạn nêu, thì được nhập cảnh vào Việt Nam mà không cần thị thực.
Theo Luật cư trú số 81/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định “Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, tạm trú” và theo quy đinh tại Mục II Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BCA-BNG ngày 12/5/2009 của Bộ Công an- Bộ Ngoại giao hướng dẫn thủ tục giải quyết cho công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài đăng ký thường trú tại Việt Nam thì bạn của bạn cần làm những thủ tục sau:
· Nộp hồ sơ đề nghị về Việt Nam thường trú tại một trong những cơ quan sau: Cơ quan đại diện Việt Nam nơi người nộp hồ sơ đang cư trú; Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công an hoặc Phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người nộp hồ sơ đề nghị được về thường trú. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị về Việt Nam thường trú (theo mẫu);
- Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính đề kiểm tra, đối chiếu);
- Bản sao một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh có quốc tịch Việt Nam: giấy khai sinh (trường hợp Giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ); Giấy chứng minh nhân dân; Hộ chiếu Việt Nam; Quyết định trở lại quốc tịch Việt Nam, Quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, Quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi; Giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp xác nhận đương sự còn giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch;
- Bản sao hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ thường trú do nước ngoài cấp (hoặc bản chụp kèm theo bản chính đề kiểm tra, đối chiếu);
- 03 ảnh mới chụp cỡ 4x6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (02 tấm dán vào đơn đề nghị và 01 tấm để rời);
- Một trong những giấy tờ chứng minh có nhà ở hợp pháp tại Việt Nam;
- Nếu xin về thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương ngoài giấy tờ nêu trên trong hồ sơ còn phải có một trong các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực Trung ương (quy định tại khoản 1, 2 và 4 của Điều 20 Luật cư trú);
· Nộp lệ phí theo quy định của Thông tư số 134/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 31/12/2004
Bạn có thể tham khảo chi tiết về thủ tục xin hồi hương tại Website của Bộ ngoại giao Việt Nam theo địa chỉ: http://www.mofa.gov.vn/ct_lanhsu/nr090616082820/ns090624201129#MPSJc3uvWDih
2. Nếu quay về Việt Nam sống một mình thì cô ấy không cần phải ly hôn với chồng vì pháp luật Việt Nam không quy định vấn đề này.
Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội