Hỏi: Tôi dự định hồi hương và sẽ đem về Việt Nam tất cả các tài sản vật dụng sinh hoạt của cá nhân và gia đình, trong đó nổi bật là 01 xe ô tô + 01 xe mô tô...

Xin hỏi:

1. Điều kiện nào đối với xe ô tô và mô tô để được đem vào VN? Xe ô tô và mô tô sau khi nhập khẩu vào VN phải đứng tên tôi hay có thể đứng tên người khác? Nếu bắt buộc phải đứng tên tôi, thì sau khi đã làm hết các thủ tục và xe được lưu thông, tôi có được cho, tặng, bán, cho thuê.... không?

2.Các loại tài sản vật dụng khác như tivi, tủ lạnh, máy giặt... và nữ trang, tiền mặt có phải đứng tên tôi trong giấy mua bán bên nước sở tại không? Nếu tôi mua những tài sản này ở nước khác - không phải nước tôi mang hộ chiếu thì có được đem về VN theo dạng ưu tiên về thuế hay không?

Trả lời:

1. Điều kiện đối với xe ô tô và mô tô qua sử dụng được nhập khẩu vào Việt  Nam:

a. Đối với ô tô:

Theo Thông tư liên tịch số 03/2006/TTLT-BTM-BGTVT-BTC-BCA ngày 31/03/2006 của Liên Bộ Thương mại - Giao thông Vận tải - Tài chính - Công an hướng dẫn việc nhập khẩu ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi đã qua sử dụng thì ô tô được nhập khẩu về Việt Nam phải bảo đảm điều kiện là có tay lái bên trái, đã qua sử dụng không quá 05 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu, được đăng ký với thời gian tối thiểu là 06 tháng và đã chạy được một quãng đường tối thiểu là 10.000 (mười nghìn) km tính đến thời điểm ô tô về đến cảng Việt Nam.

b. Đối với mô tô:

Thông tư số 06/2007/TT-BTM ngày 30/05/2007 của Bộ Thương mại hiện nay là Bộ Công Thương hướng dẫn việc nhập khẩu xe gắn máy phân khối lớn từ 175m3 trở lên, tại điểm 5 Mục I quy định: “Cấm nhập khẩu mô tô các loại đã qua sử dụng”. Như vậy, nếu chiếc mô tô mà bạn nêu có phân khối từ 175m3 trở lên có thể sẽ không được nhập khẩu về Việt Nam.

Trong trường hợp, mô tô của bạn dưới 175m3 thì sẽ được nhập khẩu về Việt Nam nhưng phải bảo đảm điều kiện: chiếc xe đó được sản xuất trong thời hạn tối đa là 03 năm tính đến thời điểm nhập khẩu (theo điểm 2.2, Mục I Thông tư số 16/2008/TT- BTC ngày 13 tháng 02 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe gắn máy hai bánh không nhằm mục đích thương mại).

2. Đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô:

Điều 43 Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/06/2001 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 42/2005/QH11 ngày 14/06/2005 quy định: “Cá nhân, gia đình, tổ chức có tài sản di chuyển phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó, trừ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường”.

Như vậy, khi được nhập khẩu vào Việt Nam, bạn phải tiến hành đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô theo giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó tại nước ngoài.

Sau khi hoàn tất thủ tục đăng kí quyền sở hữu đối với ô tô và mô tô tại Việt Nam, bạn hoàn toàn có quyền cho, tặng, bán, cho thuê.... những tài sản này (theo Điều 164, 165 Bộ Luật Dân sự năm 2005 của Nước CHXHCN Việt Nam).

3. Điều kiện nhập khẩu đối với các loại tài sản khác:

Theo quy định tại Điều 43 của Luật Hải quan nêu trên thì đối với tài sản di chuyển là đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt bình thường như tivi, tủ lạnh, máy giặt... không nhất thiết phải có giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản đó khi nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên đối với tài sản là nữ trang, tiền mặt, bạn phải tuân thủ theo quy định sau:

Đối với nữ trang là vàng:

Theo Khoản 1, Điều 3 Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN ngày 12/09/2001 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc mang vàng của cá nhân khi xuất, nhập cảnh thì: số lượng vàng cho phép được “xách tay” khi vào cửa khẩu Việt Nam là 1kg (một kilogram) vàng tiêu chuẩn quốc tế và phải khai báo hải quan. Nếu mang vượt quá 1kg (một kilogam) phải làm thủ tục gửi lại kho Hải quan phần vượt quá để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.

Cá nhân nhập cảnh mang theo vàng trang sức, vàng mỹ nghệ, vàng miếng, vàng nguyên liệu với tổng khối lượng từ 300gr (ba trăm gam) trở lên phải khai báo Hải quan. Nếu mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu có tổng khối lượng vượt quá 1kg (một kilogam) trở lên phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan phần vượt quá để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và chịu mọi chi phí liên quan phát sinh (khoản 2 – Điều 4 - Quyết định số 1165/2001/QĐ-NHNN).

Đối với tài sản là tiền mặt:

Theo Khoản 2, Điều 36 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/02/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì:

-  Người xuất cảnh, nhập cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt (bao gồm tiền giấy, tiền xu và séc du lịch), đồng Việt Nam bằng tiền mặt, vàng vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước thì phải khai hải quan tại cửa khẩu;

- Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định hoặc vượt số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước;

- Người xuất cảnh có mang theo số ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam bằng tiền mặt vượt mức quy định nhưng không vượt quá số ngoại tệ đã khai hải quan khi nhập cảnh thì phải xuất trình tờ khai hải quan khi nhập cảnh mà không cần phải xin phép Ngân hàng Nhà nước.

4. Vấn đề ưu tiên thuế nhập khẩu:

Khoản 2, Điều 100, Mục 2 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/04/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định: hàng hóa là tài sản di chuyển của gia đình, cá nhân người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài được phép về Việt Nam định cư được miễn thuế. Văn bản này không quy định về nguồn gốc xuất xứ của tài sản là điều kiện để được miễn thuế, do vậy trường hợp bạn mua những tài sản này ở nước khác - không phải nước mang hộ chiếu thì vẫn có thể được miễn thuế nhập khẩu vào Việt Nam.

Chúc bạn thành công!

Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự
B23, Khu Biệt thự Trung Hòa – Nhân Chính,
Thanh Xuân, Hà Nội

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC