Mụn và sẹo là nỗi lo "muôn đời" của chị em phụ nữ. Một vài kinh nghiệm kỳ diệu tích hợp "cả cổ lẫn kim" sau đây sẽ giúp bạn phần nào hóa giải nỗi lo này.
Mụn trứng cá - trong tiếng Hán có cái tên thanh nhã gọi là mụn thanh xuân (thanh xuân đậu) đa phần là sản phẩm của lỗ chân lông bị nhiễm vi trùng. Ngoài ra, tuyến bã nhờn phản tiết quá dồi dào cũng là một trong những nguyên nhân gây ra mụn. Trong tuổi dậy thì, các cô cậu mới lớn bị kích thích bởi sự gia tăng các hooc-môn sinh trưởng, chất nhờn tiết ra tăng nhiều. Chưa kể những cô thiếu nữ điệu đà sớm thích trang điểm thì lỗ chân lông cũng có thể bị bột phấn làm tắc nghẽn lâu ngày gây ra viêm, mọc trứng cá. Khi chất nhờn tiết ra thái quá mà rửa mặt lại không thật sạch sẽ khiến vi trùng sinh sôi trong lớp biểu bì sinh ra mủ. Tin rằng những nỗi lo này sẽ phần nào được hóa giải nhờ những chia sẻ từ kho kinh nghiệm kỳ diệu tích hợp "cả cổ lẫn kim".
Trỏ mặt những thủ phạm khiến da mặt nổi loạn
Cát Hồng đời Tấn trong "Trửu hậu phương" nói rằng: Niên thiếu khí thịnh, mặt dễ sinh mụn trứng cá. Từ đó mà suy thì nhân tố gây bệnh bên trọng có quan hệ với tuổi tác. Lương y Trần Sĩ Đạc cho rằng mụn trứng cá hay mụn cám là do "phế huyệt mà phải phong, cộng thêm khí huyết không hòa mà gây ra. Tuy đây không phải bệnh gì nặng nề nhưng những thư sinh, kiểu nữ nếu bị beenhjj này sẽ ảnh hưởng đến phong thái".
Mụn trứng cá thường có hai loại hình: Dạng tỳ vị ẩn nhiệt: mụn màu đỏ hoặc hơi đỏ, lúc đầu mụn nổi ít, dần dần tăng nhiều, mụn nổi đầu đen, có thể nặn ra chất như bã phấn, da dẻ phần nhiều thuộc loại da nhờn. Đây là loại thường gặp nhất, thường kèm với hiện tượng khô miệng, táo bón, lưỡi đỏ, nên chữa trị bằng cách ăn uống mát để giải nhiệt. Dạng thứ hai là dạng khí huyết uất trệ: mụn có màu đỏ hoặc đỏ sạm. Nữ giới thường mắc dạng này nhiều hơn, lúc đến kỳ kinh nguyệt thì bệnh sẽ nặng thêm, sau kỳ kinh nguyệt, bệnh sẽ giảm nhẹ. Cần ăn uống sao cho bổ máu, mát phổi.
Y văn xưa cũng đưa ra lưu ý cấm nặn mụn, sờ mụn. Ngày thường nên giảm thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, ngọt. Nên tăng cường ăn trái cây, rau quả để tốt cho tiêu hóa. Khi rửa mặt nên dùng nước ấm, tránh dùng nước lạnh, để giảm bớt chất nhờn bám trên mặt làm tắc nghẽn lỗ chân lông.
Nếu chỉ là rôm sảy ...
Trong "Thần nông bản thảo kinh" và "Bản thảo cương mục" đều có nhắc tới phương thuốc chữa rôm trên mặt nhờ hỗn hợp rễ thổ qua giã nhuyễn và tương thủy. Mỗi đêm sau khi rửa mặt thì thoa thuốc này lên mặt, sáng hôm sau rửa sạch mặt bằng nước ấm.
Thổ qua còn gọi là vương qua. Lý Thời Trân miêu tả: "Vương qua nảy mầm trong tháng 3, tháng 6, 7 có hoa màu vàng nhỏ, nở thành từng chùm, ra quả nhiều, lúc chín có hai màu vàng đỏ, rễ ăn được như rau cải, có mùi vị như sơn dược và có thể làm thuốc".
Phương thuốc này chỉ yêu cầu dùng rễ của thổ qua vì nó không những thanh nhiệt giải độc mà còn có thể chữa vết nám và mụn da mặt (Bản thảo cương mục), đối với chứng rôm sảy trên mặt cũng có hiệu quả tốt nhờ có thể cải thiện sự tuần hoàn máu vùng mặt. Ngoài ra còn có thể thông tiện, giúp loại trừ tích nhiệt vùng mặt.
Vỏ hàu
Trọn bộ bí kíp tiêu diệt mụn trứng cá ...
Cát Hồng đời Tấn lại có một phương thuốc cực kỳ dễ làm theo, chỉ với giấm và trứng gà để chữa mụn trứng cá trên mặt. Đó là dùng giấm 3 năm tuổi ngâm trứng gà 3 đêm, đến khi quả trứng trở nên mềm, vớt trứng ra, lấy lòng trắng trứng gà bôi lên chỗ bị nổi mụn, đơn giản và công hiệu lạ lùng.
Trứng gà trong phương này có tác dụng thanh nhiệt và thông khí huyết (Bản thảo cương mục). Lòng trắng trứng gà vị ngọt, tính hơi hàn. Lý Thời Trân viết: "Lòng trắng trứng gà hòa với bột đậu đỏ loại được tất cả chứng nhiệt độc, đơn thũng, đau quai hàm, đồng thời chữa được mụn trứng cá trên mặt". (Bản thảo cương mục). Phương này dùng lòng trắng trứng gà mà không dùng lòng đỏ vì lòng trắng trứng gà có tác dụng thanh nhiệt, mà lòng đỏ trứng gà tính ôn có tác dụng bổ huyết. Phương này cũng yêu cầu dùng giấm 3 năm là vì người xưa cho rằng dùng giấm lâu năm tốt hơn giấm mới. Theo "Danh y biệt lục", giấm có thể tiêu ung thũng, tán thủy khí và làm tan máu tụ. Từ đó mà suy, phương thuốc này có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tán ứ, lỗ chân lông được thông suốt tự nhiên, mụn trên mặt cũng dần biến mất.
Một phương nữa của Đào Ẩn Cư là sử dụng hoàng liên và vỏ hàu. Theo miêu tả, Hoàng liên là cây thân thảo cao chừng 40cm, thân rễ phình thành củ dài, đôi khi phân nhánh có đốt ngắn. Lá mọc thẳng từ thân rễ, có phiến hình 5 góc, thường gồm 3 lá chét, lá chét giữa có cuống dài hơn, chia thùy dạng lông chim không đều, các lá chét bên hình tam giác lệch chia hai thùy sâu, có khi rời hẳn; cuống lá dài 8 - 18cm. Cụm hoa ít hoa, hoa nhỏ màu vàng lục, 5 lá dài hẹp, dạng cánh hoa, 5 cánh hoa nhỏ hơn lá đài, nhị nhiều, lá noãn 8 - 12, rời nhau cho ra những quả đại dài 6 - 8cm, trên cuống dài. Mùa hoa từ tháng 2 đến tháng 4, mùa quả từ tháng 3 đến tháng 6.
Thân rễ là những mẩu cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,2 - 0,8 cm, có nhiều đốt khúc khuỷu và phân nhiều nhánh. Mặt ngoài màu vàng nâu hay vàng xám, mang vết tích của rễ con và cuống lá. Chất cứng rắn, vết bẻ ngang không phẳng, phần gỗ màu vàng tươi, tia ruột có chỗ rách, phần vỏ và ruột màu vàng đỏ, cũng có khi rỗng. Không mùi, vị rất đắng và tồn tại lâu. Cây mọc hoang ở độ cao 1300 - 1400m, trong rừng kín thường xanh. Hoàng liên được thu hoạch vào mùa đông (tháng 11-12), lấy rễ củ làm dược liệu. Đào rễ, rửa sạch đất cát, cắt rễ và gốc thân, phơi hay sấy khô. Khi dùng rửa sạch, ủ đến mềm, rồi thái mỏng, phơi trong râm cho khô để dùng sống hoặc tẩm rượu sao qua.
Vỏ hàu (còn gọi là mẫu lệ, vỏ hà, tả mẫu lệ) là vỏ phơi khô của nhiều loại hà, dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Con hàu sống hầu hết các cửa sông các tỉnh duyên hải miền Bắc Việt Nam. Vỏ hàu có thể thu hoạch quanh năm, đem về rửa sạch bỏ thịt phơi khô là được. Mẫu lệ chế là Mẫu lệ được nung lên lửa trở thành màu xám trắng.
Đem hoàng liên và vỏ hàu mỗi thứ 30gram tán bột mịn, dùng nước pha với bột thành dạng hồ. Dùng thuốc này bôi lên chỗ nổi mụn là được.
Phương thuốc này vốn xuất từ "Trửu Hậu Phương", sau lại được ghi lại trong cuốn "Bổ Tập Trửu Hậu Phương". Trong phương, hoàng liên vị đắng, tính hàn, theo sự ghi chép trong cuốn "Chân Châu Nang" thì có thể "khư thấp nhiệt trung tiêu", "khu phong thấp", "chữa các chứng mụn nhọt". Vị thuốc này vừa thanh nhiệt lại giải độc. Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng chứng minh hoàng liên có tác dụng kháng khuẩn rộng rãi, ức chế được các kháng khuẩn rộng rãi, ức chế được các khuẩn gây bệnh trên da. Mẫu lệ có vị mặt tính hàn, chữa được tất cả mụn nhọn (theo "Thang Dịch bản thảo"). Lý Thời Trân nói rằng vị thuốc này "hóa đờm nhuyễn kiên, thanh nhiệt trừ thấp". Phương này tuy chỉ cần 2 nguyên liệu nhưng hiệu quả chữa trị rất tốt.
Trong quá trình chữa trị mụn, cần tránh những hành động khiến cho mụn hết nhưng ... sẹo ở lại. Muốn vậy, phải che kín da mặt nếu phải tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, đặc biệt là nắng trưa. Không sử dụng mỹ phẩm trong lúc mụn đang phát nhằm tránh làm trầm trọng thêm vết tổn thương trên da. Dừng dùng tất cả các loại thuốc dùng ngoài, kể cả thuốc trị mụn, khi thấy có hiện tượng dị ứng. Đứng quên rửa mặt thật kỹ bằng nước sạch nhằm tránh trường hợp mụn phát sinh trên vùng da. Nếu có điều kiện, nên rửa mặt bằng nước đun với một trong những loại dược vật vừa kháng viêm vừa kháng sinh lại thêm chống dị ứng như hoa kim ngân, rau má, bồ công anh ... Để giúp làm se da và chống nhờn, có thể sử dụng tinh chất từ sen, nha đam, hoa vạn thọ, ... bôi da trước khi đi ngủ.
Mụn có sinh thì phải có nở, nở hết rồi mới mong biến mất dần dần, lẽ tự nhiên là như thế, nhưng thay vì ngồi đau khổ nhìn cả quá trình ấy diễn ra, ta có thể tránh được từ trước khi chủ động cân bằng nhờ thanh nhiệt giải độc. Hoặc nếu muộn thì chí ít, ta vẫn kịp tác động một cách hòa thuận khi sử dụng hoàn toàn cây lá thiên nhiên, như tiền nhân đã ghi chép, để lại.
Theo Đang Yêu.