Nước Đức được xếp hạng là một trong những nước có chất lượng nền giáo dục hàng đầu Châu Âu. Hiện nay, nước Đức thu hút ngày càng nhiều sinh viên quốc tế theo học với hệ thống giáo dục tuyệt vời, nhiều ngành học đa dạng cùng với chất lượng cuộc sống cao.

Nhưng đối với sinh viên nước ngoài, tiêu chuẩn để được học tập tại Đức cũng khá khắt khe, bước đầu tiên quan trọng để dẫn bạn đến cổng trường đại học tại Đức là bắt buộc phải tham gia một khóa học tại một trường dự bị đại học ở Đức và vượt qua được bài kiểm tra của kì thi “ đánh giá chất lượng tương đương” (Feststellungspruefung-FSP).

Vậy thì hãy cùng tìm hiểu dự bị đại học là gì và bạn cần làm những gì để có thể vượt qua được cửa ải đầu tiên trên con đường du học Đức này nhé?

Dự bị đại học tại Đức- những điều cần biết - 0

Dự bị đại học là gì?

Dự bị đại học là chương trình giáo dục dành cho sinh viên nước ngoài từ những quốc gia không thuộc khối liên minh Châu Âu muốn học tập tại Đức nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đầu vào của bậc đại học ở Đức.

Cụ thể với các bạn du học sinh Việt Nam, trước khi qua Đức cần phải có trong tay bằng tốt nghiệp THPT và được nhận một giấy báo đỗ đại học của một trường đại học theo tiêu chuẩn của đại sứ quán yêu cầu. Khi sang đến Đức, bạn sẽ tiếp tục phải làm một bài thi “đánh giá chất lượng tương đương- FSP” ở một trường dự bị của Đức. Kì thi FSP này sẽ đánh giá xem liệu bạn có đủ khả năng và phù hợp để theo học tại hệ đại học ở Đức hay không. Bạn sẽ nhận giấy chứng nhận sau khi học hết dự bị và vượt qua được kì thi FSP, chứng nhận này sẽ có giá trị tương đương với chứng nhận tốt nghiệp cấp ba (Abitur) của người Đức. Với giấy chứng nhận này, bạn tiếp tục được phép nộp xét tuyển vào các ngành của các trường đại học trên toàn nước Đức.

Đối tượng phải học dự bị đại học?

Vậy thì những trường hợp nào bắt buộc phải tham gia học dự bị đại học?

Đối với những bạn đã tốt nghiệp một trường đại học ở Việt Nam thì việc học dự bị đại học sẽ không bắt buộc. Nhưng thay vào đó, bạn sẽ phải thông qua một kì thi khác và nhận chứng chỉ DHS để tiếp tục học lên thạc sĩ cùng nhóm ngành hoặc được học để lấy bằng cử nhân có thể khác nhóm ngành tại một trường đại học trên toàn nước Đức.

Đối với những bạn đã học hết bốn kì ở một trường đại học chính quy tại Việt Nam sẽ được chuyển thẳng vào học kì đầu tiên cùng nhóm ngành của một trường đại học tại Đức.

Đối với những bạn đã tốt nghiệp THPT và nhận được giấy báo gọi đại học của một trường đại học chính quy ở Việt Nam, những bạn đã tốt nghiệp một trường cao đẳng chính quy tại Việt Nam sẽ bắt buộc phải học dự bị đại học và lấy chứng nhận của bài thi FSP, rồi sau đó mới có thể tiếp tục đăng kí xét tuyển vào trường đại học.

Dự bị đại học tại Đức- những điều cần biết - 1

Quy trình học dự bị đại học như thế nào?

Tìm hiểu xem liệu mình có thuộc vào trường hợp bắt buộc phải học dự bị hay không.

Tìm hiểu, lựa chọn và đăng tham gia kì thi đầu vào của một trường dự bị ( Aufnahmetest). Và không phải trường đại học nào của Đức cũng có trường dự bị, chính vì vậy bạn cần lên mạng, vào Website Studienkollegs.de để tìm kiếm thông tin về những trường đại học của Đức có tổ chức khóa học dự bị. Bên cạnh đó, mỗi trường dự bị đều có một thời gian tổ chức của kì thi đầu vào và thời gian nhập học khác nhau, bạn cần phải tính toán thời gian thích hợp sao cho có thể hoàn thành chương trình dự bị đại học sớm nhất có thể trong thời gian được quy định. Với bước đăng kí thi đầu vào tại một trường dự bị đại học, bạn cũng cần tìm hiểu kĩ xem, liệu trường dự bị mà bạn đăng kí có thể nộp trực tiếp hay bạn phải nộp qua Uni-assist. Uni-assit là gì và hướng dẫn chi tiết sẽ được đề cập cụ thể hơn tại một bài viết khác.

Chuẩn bị cho kì thi đầu vào của trường dự bị đại học.

Bài dự thi để kiểm tra đầu vào của từng trường dự bị đại học taị Đức có nội dung rất khác nhau, nhưng trên cơ bản các trường sẽ có hai môn thi chính là môn toán và môn tiếng Đức. Ở một số trường dự bị đại học, bạn phải thi thêm một môn chuyên ngành như môn kinh tế, môn hóa học hoặc môn vật lý, những môn thi chuyên ngành này phụ thuộc vào chuyên ngành mà bạn đã lựa chọn đăng kí. Trước kì thi, bạn còn có thể tìm và làm những mẫu thi thử được đăng trên Websites của mỗi trường dự bị đại học. Trình độ tiếng Đức mà bạn phải đạt được để có thể tham gia vào kì thi Aufnahmetest ít nhất là B1, thậm chí hiện nay tại một số trường sự bị, bạn sẽ được yêu cầu phải có bằng tiếng Đức ở trình độ B2 mới được phép tham gia vào kì thi.l

Tham gia vào kì thi đầu vào của trường dự bị đại học.

Kì thi tuyển đầu vào dự bị đại học của Đức có thể được phép tổ chức ở một số nước. Tức là, bạn có thể làm bài kiểm tra đầu vào ngay tại đất nước mình. Nhưng thông thường, bạn vẫn phải làm bài kiểm tra trực tiếp ngay tại các trường dự bị tại Đức. Khi tham gia vào kì thi đầu vào, việc cần thiết của bạn là chuẩn bị đầy đủ giấy tờ như giấy gọi dự thi, hộ chiếu trong hồ sơ dự thi để tránh gây ảnh hưởng đến việc tham dự thi. Và quan trong nhất là bạn cần trang bị sẵn đầy đủ kiến thức và một tinh thần thoải mái, vững vàng trước khi tham gia kì thi để đạt được kết quả tốt như mong đợi nhé.

Dự bị đại học tại Đức- những điều cần biết - 2

Học dự bị đại học trong bao lâu?

Theo đúng quy định, các bạn sinh viên được phép học dự bị trong vòng 2 năm kể từ khi nhận được Visa sang Đức. Nếu bạn vẫn chưa thực sự tự tin vào trình độ và kiến thức tiếng Đức của mình, bạn có thể đăng kí học thêm tiếng Đức tại một trung tâm tiếng Đức để chuẩn bị chắc chắn và sẵn sàng cho kì thi của mình Thông thường, một khóa học dự bị sẽ kéo dài 2 kì, tức là trong vòng khoảng một năm. Sau 2 năm, nếu bạn vẫn chưa hoàn thành hết dự bị đại học thì nguy cơ bạn phải quay trở về nước là rất cao và sẽ khó có cơ hội để quay trở lại học tập tại nước Đức.

Thêm một điều nữa mà bạn phải hết sức chú ý, bạn chỉ được phép thi 2 lần bài kiểm tra đầu ra FSP, mình muốn giải thích quy định này một chút để các bạn có thể hiểu rõ hơn. Quy định này có nghĩa là, khi bạn học hết một học kì ở trường dự bị và tiếp tục lên học kì hai, vào cuối học kì 2, bạn sẽ thi một bài kiểm tra FSP như mình đã giới thiệu đầu bài viết để được xét tuyển vào trường đại học. Và bài thi này bạn chỉ được phép thi hai lần. Cụ thể hơn, nếu bạn đã tham gia kì thi này hết 2 lần và bị trượt mà vẫn chưa nhận được chứng nhận của trường dự bị đại học, dù bạn còn thời gian trong khoảng 2 năm quy định thì bạn vẫn buộc phải kết thúc việc học của mình tại đất nước Đức.

  • Danh sách các trường dự bị đại học cùng các nhóm ngành tại Đức
Bang Tên trường Thành phố Loại hình Các khóa học
Baden- Württemberg Studienkolleg an der Universität Heidelberg Heidelberg Uni/staatlich  (M, T, W, G, S)
  Studienkolleg des KIT (Karlsruher Institut für Technologie) Karlsruhe Uni/staatlich  (T)
  Studienkolleg an der HTWG Konstanz Konstanz Uni + FH/staatlich  (T, W)
Bayern Studienkolleg bei den Universitäten des Freistaates Bayern (in München) München Uni/staatlich  (M, T, W, G)
  Studienkolleg bei den Fachhochschulen des Freistaates Bayern (in Coburg) Coburg FH/staatlich  (TI, SW, WW, DSH)
Berlin Studienkolleg an der TU Berlin Berlin Uni/staatlich  (M, T, TI, WW, W)
  Studienkolleg an der FU Berlin Berlin Uni/staatlich  (T, M, W, G, S)
Bremen Kein Studienkolleg
Hamburg Studienkolleg an der Universität Hamburg Hamburg Uni/staatlich  (M, T, W, G)

Sonder-

lehrgang

Hessen Studienkolleg an der Goethe-Universität Frankfurt am Main Uni + FH/staatlich  (M, T, W, G)
  Studienkolleg an der TU-Darmstadt Darmstadt Uni + FH/staatlich  (T, G, DSH)
  Studienkolleg an der Universität Kassel Kassel Uni + FH/staatlich  (T, W)
  Studienkolleg Mittelhessen der Universität Marburg Marburg Uni + FH/staatlich  (M, T, W, G)
Mecklenburg-Vorpommern Studienkolleg an der Ernst-Moritz-Arndt-Universität Greifswald Uni/staatlich  (M, T, G)
  Studienkolleg an der Hochschule Wismar Wismar FH/staatlich  (TI, W, WW)
Nieder-Sachsen Studienkolleg an der Universität Hannover Hannover Uni/staatlich  (M, T, W)
Nordrhein-Westfalen Studienkolleg des Ökumenischen Studienwerks e.V. Bochum staatlich genehmigt  (T)
  Studienkolleg Mettingen Mettingen staatlich anerkannt  (T, W, G, M)
Rheinland-Pfalz Studienkolleg der Johannes-Gutenberg-Universität Mainz Uni/staatlich  (M, T, W, G, S)
  Studienkolleg für die Fachhochschulen Kaiserslautern FH/staatlich  (TI, WW)
Saarland Studienkolleg der Universität des Saarlandes Saarbrücken Uni/staatlich  (M, T)
  Ausländerstudienkolleg zur Hochschule für Technik und Wirtschaft des Saarlandes Saarbrücken FH/staatlich  (TI, WW)
Sachsen TUDIAS-Studienkolleg TU Dresden Dresden Privat  (T, M)
  Studienkolleg Glauchau Glauchau Privat  (T, TI, W, WW, DSH)
  Universität Leipzig Studienkolleg Sachsen Leipzig Uni/staatlich  (M, T, W, G, S)
  Hochschule Zittau/Görlitz Studienkolleg Zittau FH/staatlich  (TI, WW)
Sachsen-Anhalt Studienkolleg Sachsen-Anhalt Halle Halle Uni/staatlich  (M, T, W, G, S)
  Studienkolleg Sachsen-Anhalt / Köthen Köthen FH/staatlich   (T, SW, W)
Schleswig-Holstein Studienkolleg an der FH Kiel Kiel FH/staatlich  (TI, SW, WW)
Thüringen Staatliches Studienkolleg Nordhausen Uni + FH/staatlich  (M, T, W, G, SW)

Học dự bị đại học có mất học phí hay không?

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có trường dự bị đại học công lập nào ở Đức thu phí tiền học, bạn chỉ phải trả khoảng 100-400Euro/ 1 kì học , chi phí này gọi là phí sinh viên, số tiền này để trả cho tiền sử dụng giao thông công cộng để di chuyển trong thành phố, các loại phụ phí như in và photo những tài liệu mà bạn sẽ được nhận trong suốt quá trình học. Ngoài ra, tiền sách, tiền đồ dùng học tập cũng như tiền bảo hiểm sức khỏe cá nhân là những khoản tiền mà bạn phải tự túc thanh toán.

Còn đối với những trường dự bị đại học dân lập ở Đức, bạn sẽ phải trả một khoản tiền kha khá để hoàn thành hết chương trình dự bị. Chi phí học tại trường sẽ phụ thuộc vào từng trường khác nhau. Ví dụ, nếu bạn chọn học tại trường dự bị dân lập ở Leipzig, số tiền mà bạn phải trả cho một kì học là 1500Euro, trong khi số tiền này sẽ lên đến 3000Euro khi bạn đăng kí học tại trường dự bị dân lập ở Berlin.

Dự bị đại học tại Đức- những điều cần biết - 3

Tại sao tôi nên học dự bị đại học tại Đức?

Chắc chắn trong số chúng ta, đã có nhiều bạn du học sinh từng phân vân: Liệu rằng tôi có lãng phí mất ít nhất 1 năm ở trường dự bị đại học, trong khi tôi có thể tự tin rằng tôi có đủ khả năng để theo học luôn được chương trình học trong các trường đại học?

Câu trả lời chắc chắn là : KHÔNG.

Theo kết quả được rút ra từ một khảo sát cho thấy, những sinh viên đã từng tham gia chương trình dự bị đại học đều thích nghi nhanh hơn với môi trường đại học và đạt được kết quả học tập cao hơn hẳn những bạn sinh viên nước ngoài khác.

Học dự bị đại học trước khi chính thức bước vào đại học tại Đức không chỉ là một thủ tục bắt buộc dành cho những bạn du học sinh, đó còn là nền tảng để giúp bạn làm quen với môi trường giáo dục của Đức, để nắm rõ được cách học của các bạn người Đức, củng cố lại kiến thức chuyên ngành, cũng là cách giúp cho trình độ tiếng Đức của bạn tiến bộ và tốt hơn.

Dự bị đại học tại Đức mở ra nhiều cơ hội cho bạn có thể đạt được mơ ước vào được nhóm ngành tại trường đại học mà bạn mong muốn tại đất nước Đức có hệ thống giáo dục tuyệt vời. Vậy tại sao bạn không cố gắng hết sức có thể để sử dụng cơ hội này hoàn thành giấc mơ du học Đức của mình ?

 

Nguồn: Báo du học Đức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC