Nếu các bạn nghĩ nước Đức là Thiên Đường thì các bạn đã nhầm to rồi. Giữ ý nghĩ đó tới nước Đức, bạn sẽ hoàn toàn bị “sốc”, rất nhiều bạn đã không chịu được những áp lực những ngày đầu, khóc lóc, chán nản là những phản ứng thường thấy.
Một số ngay lập tức gọi điện về cho gia đình, xin trở lại Việt Nam, một số tuyệt vọng không lối thoát. Các bạn đó nói với tôi rằng: Chúng em đã mất mấy trăm triệu mới có thể sang được đây gia đình cũng phải nợ nần rất lớn, nếu không có 20 ngàn Euro thì không thể quay về.
Điều gì đã đánh gục các bạn nhanh vậy?
Tôi là một Du học sinh tại Đức, đã gặp và chứng kiến rất nhiều bạn như tôi vượt qua những khó khăn ban đầu, hòa nhập và định cư tại Đức,
Nhưng bên cạnh đó có không ít bạn Du học nghề, Du học sinh, đã không chuẩn bị tâm lý đối mặt với những khó khăn, không vượt qua được những khác biệt ban đầu. Để rồi không thể hòa nhập, sống cuộc sống thật buồn tẻ hoặc một số đã quay lại Việt Nam.
Các bạn phải chuẩn bị đối mặt với những vấn đề sau:
Thứ nhất, người Đức là dân tộc có lòng tự tôn rất cao
Đa phần người Đức không thân thiện với người nhập cư. Bạn sẽ phải chấp nhận điều đó như lẽ tất yếu.
Từng ánh mắt, cử chỉ, thái độ của họ rất rõ ràng, ví như khi hết giờ làm việc, họ có thể tới chào từng người đồng nhiệp nhưng nếu gặp bạn họ không nhìn thấy gì và đi thẳng.
Đặc biệt tại khu vực Đông Đức, họ luôn suy nghĩ người nhập cư sang đất nước họ "Chỉ Ăn Bám" xã hội, hoặc làm phức tạp cuộc sống của họ. Vâng họ là chủ nhà bạn ạ. Bạn cần chấp nhận điều đó, đừng cố gắng thể hiện thái độ phản kháng lại. Hãy làm tốt phận việc của mình, hòa đồng hơn. Họ bảo thủ nhưng không phải là những người cố chấp.
Thứ hai, Vẫn là tiếng Đức.
Trình độ B1, hay B2 và cả C1 ở Việt Nam chả là cái gì cả. Các bạn phải nói được tiếng Đức, phải giao tiếp với người Bản Ngữ nhiều hơn nữa.
Khả năng nói tiếng Đức của bạn quyết định 70% tốc độ hòa nhập xã hội của bạn hay nói cách khác nó là công cụ chính các bạn vượt qua những khó khăn đó.
Có những bạn Du học nghề 3 năm làm thêm tại quán ăn cũng chỉ làm mỗi công việc ngặt rau, rửa rau.
Trong khi với tấm bằng tốt nghiệp một trường Đại học danh tiếng (tôi xin phép không tiện nêu tên) có thể làm tại một công sở đẹp, ăn mặc chỉn chu từ đầu tới chân.
Vấn đề chỉ nằm ở Khả năng nói tiếng Đức, xin nhắc lại nó là công cụ giúp các bạn hòa nhập thành công với xã hội Đức.
Phần lớn Du học sinh Việt Nam sau khi tan học hoặc hết giờ làm đều trở về với khu trọ, đó là những khu trọ toàn sinh viên Việt Nam, Tiếng Việt ngay lập tức trở thành ngôn ngữ chính. Thật khó để các bạn nâng cao trình độ tiếng Đức.
Hãy đi chơi với những người bạn Đức, trò truyện với họ thật nhiều.
Đây là phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất. Về điều này mà nói, chúng ta mới cảm phục các bạn Du học sinh như thế nào, không những phải nói được tiếng Đức và phải suy nghĩ hành văn như một người Đức. Có lẽ họ mới là những người giỏi tiếng Đức nhất.
Thứ ba, Cảm giác cô đơn
Thứ cảm giác có thể đánh gục bất kỳ ai khi mới tới nước Đức, kể cả những bạn đã ở đây một thời gian dài. Không may mắn như một số ít bạn có người thân ở Đức, phần lớn chúng ta sang đây mà không có ai quen biết. Nước Đức chưa bao giờ là đất nước náo nhiệt, ồn ào.
Nơi đây con người lạnh lẽo, không gian cũng không khá hơn. Nó là địa điểm tuyệt vời dành cho những bạn thích sự yên tĩnh nhưng nó cũng là con dao cứa vào lòng những người mềm yếu thích sự ấm áp và tình thương. Ở ngoài đường, người Đức đi lại nhưng không nói nhau câu nào họ như những bóng ma, trên tàu điện ngầm cũng vậy, nếu nói chuyện sẽ rất nhỏ, chỉ là những lời thì thầm.
Bầu trời luôn u ám giống như thời tiết cuối Thu sang Đông tại Việt nam. Chúng ta chỉ có thể làm việc làm việc và trở về phòng trọ nghỉ ngơi. Mở rộng tấm lòng, giao lưu với nhiều bạn, đó là cách thức giúp các bạn thích nghi và vui vẻ hơn.
Thứ tư, Làm việc như một cái máy
Chúng ta cần hiểu chính xác, ở Việt Nam phần lớn mọi người làm việc chưa đảm bảo hiệu quả công việc. Do vậy, khi mới đi làm các bạn thường bị ‘’Ngợp” bởi phong cách làm việc tại đây.
Một ví dụ đơn giản như sau: tại mỗi quán café ở Việt Nam nếu số bàn lớn hơn 20 thường cần có 5 nhân viên phục vụ, nhưng nếu ở Đức con số này thường chỉ là 1 người.
Con số chênh lệch nói lên khối lượng công việc và sự chuyên nghiệp trong từng thao tác nhỏ, và lớn hơn là trong công việc. Áp lực công việc luôn đặt lên vai các bạn.
Đừng nản chí, hãy làm chính xác mọi thứ được hướng dẫn, sau một khoảng thời gian các bạn sẽ bắt kịp nhịp độ nhé.
Thứ năm, cảm giác Nhớ nhà khi mới sang
Nghe có vẻ bình thường mà nó lại là tác nhân lớn làm nản lòng bao nhiêu bạn. Những thứ dường như rất đỗi bình thường ở nhà như: cốc trà đá, dạo phố, trò truyện với bạn bè, bố mẹ… và đặc biệt nhất là sự đầm ấm của “Tết”, chúng kéo các bạn về Việt Nam, khơi gợi những nỗi nhớ da diết, giằng xé bạn, rối đánh gục bạn.
Nếu các bạn không vượt qua được, các bạn sẽ thất bại nhanh chóng, rất nhiều bạn đã vượt qua nhưng một số không ít đã mềm lòng mà quay về “thăm nhà” và lúc đó các bạn sẽ không còn đủ động lực để quay lại.
Vậy đó, các bạn ạ! Nếu các bạn không đủ mạnh mẽ vượt qua những trở ngại này, chúng ta sẽ thất bại. Và những bạn vượt qua được, hòa nhập được vào xã hội.
Các bạn sẽ có một cuộc sống tốt hơn, như bao người đã nói: Đã sang Đức rồi thì không muốn quay lại Việt Nam, có lẽ họ đã yêu nước Đức rồi!
Như người Phương Tây thường nói “Bên trong lớp vỏ chuối dày, là phần ngon nhất của nó”.
Vâng, một lần nữa được nhắc lại với các bạn: Học tiếng tiếng Đức tốt, giao tiếp tốt là chìa khóa “vàng” giúp các bạn vượt qua những khó khăn đó.
Chúc các bạn thành công!!!
Nguồn: ndf