Để trở thành bác sĩ tại Đức là một chặng đường khó khăn. Chỉ 15% học sinh có điểm cao nhất được nhận vào các trường Y và chưa tới 40% sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.
Những ngày qua, tôi theo dõi trên các phương tiện truyền thông, thấy nhiều ý kiến tranh cãi về việc tuyển sinh và đào tạo ngành Y Dược của các trường dân lập ở Việt Nam.
Trải qua hơn 10 năm học Y khoa và làm việc tại Đức, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của mình về việc đào tạo Y Dược ở quốc gia có nhiều khác biệt với Việt Nam.
Tuyển khắt khe, học vất vả
Đức không có kỳ thi đại học, thay vào đó là xét điểm thi tốt nghiệp phổ thông để vào các trường đại học. Theo khảo sát của Viện nhân khẩu học Allensbach, trung bình hàng năm, 10%-15% số học sinh đăng ký được các trường đại học Y tuyển.
Điểm tốt nghiệp cấp ba tối thiểu của những học sinh trúng tuyển khoảng 1 đến 1,1 (tương đương 9,7 – 10 điểm ở Việt Nam). Nếu đạt điểm tương đương 8,5 đến 9, bạn sẽ phải đợi từ 5 đến 6 năm để có thể được nhận vào học.
Quá trình học ngành Y ở Đức được chia làm 2 giai đoạn: Học tổng quan lý thuyết và thực hành khám, chữa bệnh. Cuối kỳ sẽ có các bài thi cho mỗi môn học.
Ngoài ra, có 3 kỳ thi lớn gọi là Kỳ thi quốc gia (Staats exam) với hội đồng thi gồm cả cán bộ ngành giáo dục và y tế. Điều kiện để tham gia là sinh viên phải đỗ hết các bài thi ở cuối mỗi kỳ học. Nếu không tham gia hoặc trượt một trong ba kỳ thi lớn này, sinh viên buộc phải chờ tối thiểu 6 tháng để thi lại.
Học ngành Y đòi hỏi người học phải biết tổng hợp kiến thức để áp dụng vào các trường hợp lâm sàng thực tế. Các kỳ thi cũng chính là một lần sàng lọc chất lượng sinh viên. Vì thế, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Y khoa luôn thấp.
Cũng vì những khó khăn trên nên số lượng sinh viên Việt Nam theo học ngành này ở Đức rất ít. Trong các năm theo học Nha khoa, tôi gần như không bao giờ có kỳ nghỉ, thay vào đó là các buổi thực tập tại phòng khám ở Đức và Việt Nam để tích lũy kinh nghiệm.
Cơ sở vật chất hiện đại
Sinh viên Y khoa ở Đức luôn nhận được sự hỗ trợ từ phía trường học và xã hội. Ký túc xá thường được đặt trong khuôn viên trường, phương tiện giao thông công cộng thuận tiện.
Đại học Tổng hợp Hamburg – nơi tôi từng theo học – có thư viện dành riêng cho ngành Y Dược với 6 tầng và hàng nghìn đầu sách. Đây là nơi sinh viên học tập và thực hành chữa bệnh từ những năm đầu tiên đến lúc tốt nghiệp.
Nguyễn Anh Ngọc tại phòng thực hành khám bệnh của Đại học Tổng hợp Hamburg. Ảnh: NVCC.
Nói riêng về trang thiết bị ngành Nha khoa, Đại học Tổng hợp Hamburg có nhiều Labor răng giả với tổng cộng 150 bàn làm việc. Rất nhiều ghế khám với trang thiết bị như phòng khám thật sự cho sinh viên thực tập.
Đại học Tổng hợp Hamburg, cũng như các trường tổng hợp có đào tạo ngành Y trên toàn nước Đức, đều có 1 bệnh viện riêng phục vụ cho thực hành và nghiên cứu. Đây thường là những bệnh viện lớn và uy tín của thành phố, nơi tập trung các giáo sư, bác sĩ đầu ngành.
Ở Đức, việc đào tạo ngành Y, Dược hầu như chỉ được tổ chức ở những trường đại học tổng hợp quy mô lớn, cũng như một số trường đại học của riêng ngành Y (như Medizin Hochschule Hanover).
Giảng viên và điều kiện thực tập
Các bác sĩ – giảng viên Y, Dược tại Đức đều là những chuyên gia đầu ngành. Họ có trách nhiệm giảng dạy, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn tận tình cho sinh viên trong việc thực hành khám, chữa bệnh.
Ngành Nha khoa nói riêng, mỗi bác sĩ hướng dẫn và kèm cặp 5 đến 8 sinh viên trong một kỳ học. Sau mỗi năm học, sinh viên sẽ được đổi bác sĩ, giáo sư hướng dẫn. Qua đó, các bác sĩ tương lai cũng học thêm được kinh nghiệm và phương pháp chữa bệnh khác nhau từ nhiều người.
Mỗi buổi thực hành chữa bệnh, sinh viên đều phải báo cáo kế hoạch và kết quả làm việc cho người hướng dẫn. Người hướng dẫn chịu trách nhiệm trước bệnh nhân và đặc biệt là pháp luật về những việc sinh viên của mình thực hiện.
Ngoài việc học và hoàn thành các bài thi, mỗi sinh viên phải khám, chữa đủ số lượng bệnh nhân theo yêu cầu. Những bệnh nhân này được bệnh viện chọn lựa cho phù hợp khả năng của người học.
Sinh viên tham gia chữa bệnh như một bác sĩ thực thụ, gồm tư vấn, khám bệnh và chữa cho bệnh nhân đến tận cùng của yêu cầu bệnh án.
Tốt nghiệp và hành nghề
Kỳ thi tốt nghiệp đại học là bước thử thách khắc nghiệt nhất với sinh viên Y khoa. Kỳ thi của Bác sĩ nha khoa kéo dài trong 4 tháng với 18 lần thi (các bài thi đều là vấn đáp với giáo sư chuyên ngành). Sau đó là một tháng thi thực hành chữa bệnh ở bệnh viện.
Đây là khoảng thời gian thử thách rất lớn vì nếu trượt một môn, hoặc điểm trung bình cuối cùng của các môn thi không đạt yêu cầu, sinh viên phải thi lại toàn bộ cả kỳ thi trong 6 tháng sau. Theo thống kê của báo Spiegel, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học năm 2015 ở Đức đạt 36%.
Chỉ khi có đủ khả năng hành nghề và làm chủ được các tình huống, sinh viên mới được ra trường. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành Y lại phải tham gia các khóa học cấp chứng chỉ hành nghề.
Những khóa học này, tùy theo thời gian đào tạo, trình độ chuyên môn mà người tham gia sẽ được nhận chứng chỉ. Phải đủ số lượng chứng chỉ theo yêu cầu, bác sĩ mới được cấp giấy phép hành nghề của hiệp hội bác sĩ bang hoặc thành phố.
Việc cấp giấy phép hành nghề bác sĩ đòi hỏi chuyên môn và những điều kiện như chứng nhận của cơ quan pháp luật. Chính vì những yêu cầu khắt khe trong quá trình đào tạo và hành nghề nên chất lượng của đội ngũ bác sĩ tại Đức luôn được đánh giá cao ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Thạc sĩ, bác sĩ Nha khoa Nguyễn Anh Ngọc sinh năm 1985, là một trong 2 thủ khoa ngành Nha khoa tốt nghiệp năm 2013 tại Đại học Tổng hợp Hamburg, Đức.
Anh từng giành giải thưởng sinh viên xuất sắc của Hội sinh viên Việt Nam tại CHLB Đức và nằm trong danh sách 13 cá nhân người Việt tiêu biểu của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Đức.
Hiện, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc hành nghề tại Đức, là thành viên Hiệp hội Bác sĩ Nha khoa bang Schleswig Holstein và thành phố Hamburg.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Ngọc
Hiệp hội Bác sĩ Nha khoa TP Hamburg, Đức
Nguồn: ZING.vn