Từ tháng 8-2012, du học Đức thay đổi hình thức kiểm tra APS. Kéo theo đó là hàng loạt thay đổi điều kiện để du học Đức.Những thay đổi này đã làm cho du học Đức thoáng hơn trước, ứng viên không còn quá khó để được học các ngành kỹ thuật nổi tiếng tại Đức.
APS là một bộ phận kiểm tra học vấn thuộc Phòng lãnh sự và thị thực của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. APS thẩm tra liệu ứng viên xin du học có đáp ứng được các điều kiện cơ bản để nhập học ĐH tại Đức, đồng thời thẩm tra các chứng chỉ học tập. Sau khi thẩm tra, nếu ứng viên đạt đầy đủ các yêu cầu sẽ được APS cấp chứng chỉ. Chứng chỉ này là một trong những điều kiện để được nhập học tại một trường ĐH của Đức và có hiệu lực vô thời hạn.
Thay đổi hình thức kiểm tra APS
Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) cho biết thủ tục APS thông thường cho ứng viên học ĐH dành cho tất cả sinh viên Việt Nam chưa tốt nghiệp ĐH bao gồm: Học sinh tốt nghiệp THPT, đã trúng tuyển vào hệ ĐH chính quy tại một trường ĐH; sinh viên đang học và chưa tốt nghiệp ĐH; sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ; sinh viên tốt nghiệp hệ CĐ và được chuyển tiếp vào hệ ĐH tại một trường ĐH sẽ được làm bài kiểm tra TestAS thay thế cho phỏng vấn APS như trước đây để nhận giấy chứng nhận APS. Trong khi đó, sinh viên đã tốt nghiệp ĐH và muốn học lại ĐH tại Đức hay học tiếp cao học tại Đức sẽ tiếp tục được tham gia phỏng vấn APS như trước (tháng 5 và tháng 11 hằng năm) để nhận chứng chỉ APS.
Học sinh, sinh viên tìm hiểu thông tin về Trường ĐH Tổng hợp Halle-Wittenberg (Đức) tại triển lãm du học. Ảnh: QUỐC DŨNG
Theo bà Hannelore Bossmann, Trưởng đại diện DAAD tại Việt Nam, APS sẽ thẩm tra tính xác thực của các giấy tờ mà ứng viên nộp, kiểm tra liệu sinh viên có đáp ứng các điều kiện để nhập học ĐH ở Đức hay không. Đối với ứng viên muốn học cao học hoặc học lấy bằng ĐH thứ hai tại Đức sẽ phải qua phỏng vấn khoảng 15 phút về những kiến thức đã học. Bằng cách đó APS thẩm tra xem những kiến thức ứng viên thể hiện có tương xứng với bằng cấp mà ứng viên đã nộp hay không.
Cuộc phỏng vấn sẽ được tiến hành bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh tùy theo nguyện vọng của ứng viên. Đây không phải là một cuộc thi ngoại ngữ nhưng ứng viên phải đủ khả năng giao tiếp và phải có một vốn từ chuyên ngành cơ bản về các môn đã học. Nếu kết quả phỏng vấn đạt, ứng viên sẽ nhận được 10 chứng chỉ bản gốc và có thể làm thủ tục xin nhập học tại các trường ĐH Đức. Nếu 10 chứng chỉ vẫn chưa đủ, ứng viên có thể liên hệ với APS xin cấp thêm. Sau khi có giấy nhập học của một trường ĐH, ứng viên nộp đơn xin cấp thị thực tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Đức tại TP.HCM.
Mở rộng điều kiện du học Đức
Ông Trần Thế Bình, Trưởng Trung tâm Thông tin DAAD tại TP.HCM, cho biết ngoài yêu cầu để được du học Đức là ứng viên phải có tổng điểm thi tối thiểu 15 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia (không có môn dưới 4 điểm, từ 3,75 sẽ bị loại) và đã trúng tuyển vào hệ chính quy thì nay tốt nghiệp hệ CĐ có thể được chuyển vào dự bị ĐH trong cùng nhóm ngành. Nếu tốt nghiệp hệ CĐ và thi chuyển tiếp lên ĐH thành công (học kỳ thứ 5) thì có thể được chuyển thẳng vào năm thứ nhất một trường ĐH trong cùng nhóm ngành.
Như vậy, sau khi đạt điều kiện du học Đức, tất cả ứng viên muốn sang Đức du học phải nộp hồ sơ tại APS. Khi được APS cấp chứng chỉ, ứng viên có thể đăng ký học tại một trường ĐH tại Đức. Ứng viên lưu ý, chỉ có thể nộp hồ sơ theo hẹn đã đăng ký trước và phải trực tiếp đến nộp (việc đăng ký hẹn chỉ thực hiện qua Internet). Đại sứ quán chỉ nhận những hồ sơ với đầy đủ giấy tờ. Ngoài bộ hồ sơ gốc phải nộp thêm hai bộ hồ sơ phôtô. Hồ sơ gồm tờ khai xin cấp thị thực dài hạn bằng tiếng Đức hoặc Anh (hai bản, lấy từ trang chủ của đại sứ quán tại địa chỉ www.hanoi.deplo.de); hai ảnh mới chụp theo tiêu chuẩn; hộ chiếu của người xin cấp thị thực; chứng minh tài chính cho thời gian cư trú tại Đức; bản chính chứng nhận APS; giấy báo nhập học hoặc giấy chứng nhận đã đăng ký trước một suất học tại một trường ĐH, CĐ ở Đức. Hồ sơ không đầy đủ sẽ bị trả lại, khi đó ứng viên xin cấp thị thực phải đăng ký lại hẹn nộp hồ sơ.
Làm bài kiểm tra TestAS là điều kiện bắt buộc
Đối với ứng viên chưa có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng muốn du học Đức, thay vì tham gia phỏng vấn APS sẽ được làm bài kiểm tra TestAS. TestAS là một kỳ thi tập trung và chuẩn mực nhằm xác định năng lực học tập của sinh viên nước ngoài. Ứng viên có thể lựa chọn thi bằng tiếng Đức hoặc tiếng Anh (nên có trình độ B1 để làm được tốt) và mỗi kỳ thi bao gồm các phần: kiểm tra khả năng ngoại ngữ online trên máy tính khoảng 30 phút; kiểm tra viết bình thường khoảng 110 phút; phần kiểm tra viết 145-150 phút chia ra các nhóm ngành nhân văn-văn hóa-khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật, toán-tin-khoa học tự nhiên, kinh tế học. Do đó, kết quả thi TestAS sẽ được các trường ĐH ở Đức dùng để ưu tiên xét tuyển.
Ưu điểm của thay đổi bằng cách thi TestAS là không bó buộc như phỏng vấn APS trước đây chỉ vào tháng 5 hoặc tháng 11 mà TestAS được tổ chức mỗi năm ba lần; TestAS không có kết quả đậu hay rớt, thay vào đó là kết quả phần trăm so với các thí sinh cùng kỳ thi; thẩm tra hồ sơ APS có thể nộp bất kỳ lúc nào, không giới hạn và Đại sứ quán Đức sẽ cấp chứng nhận APS. Kết quả thi TestAS là bắt buộc, vì khi làm thủ tục xin thị thực du học, ứng viên phải trình TestAS cùng với chứng nhận APS.
Theo PLTPHCM.