Ngoài những lợi thế về môi trường sinh sống, học tập thì đâu là lý do chính khiến bạn mong muốn đi du học? Du học Đức dường như đang trở thành một cơn sốt mới trong những năm gần đây một phần cũng bởi những chính sách khá thu hút của họ, trong đó có cả chính sách định cư dành cho sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp.
Mỗi năm có tới một nửa số sinh viên quốc tế ngoài khối EU tiếp tục ở lại làm việc và 1/3 số sinh viên có kế hoạch định cư dài hạn tại Đức.
Để quyết định chính xác xem bản thân nên làm gì sau khi kết thúc chương trình học hay nên đi theo còn đường nào để dễ dàng định cư, bài viết này sẽ đưa ra đầy đủ thông tin dành cho bạn.
Là một du học sinh Việt Nam, bạn vẫn có thể gia hạn thêm 18 tháng để kéo dài giấy phép cư trú nếu kết thúc thành công việc học. 18 tháng cũng được coi là một lợi thế so với một số nước khác chỉ cho phép du học sinh ở lại 12 tháng. Nhờ đó, bạn sẽ có thời gian để tìm một công việc phù hợp với ngành học của mình.
Ngay cả khi gia hạn giấy phép cư trú để tìm việc bạn vẫn phải chứng minh mình có nơi ở ổn định. Sinh viên sẽ được làm việc không giới hạn số ngày trong suốt thời gian 18 tháng tìm việc. Nếu bạn tìm được một công việc toàn thời gian và chứng minh được với sở ngoại kiều về nguồn thu nhập đủ cho bạn chi trả cuộc sống của mình, thì các bạn có thể xin thẻ định cư tạm thời (apply temporary residence permit – aufenthaltserlaubnis).
Sau 5 năm có thẻ định cư tạm thời bạn có thể nộp hồ sơ xin thẻ định cư vĩnh viễn (permanent settlement permit – Niederlassungserlaubnis) nếu thoả mãn yêu cầu của chính phủ về tiếng Đức (trình độ B1 tiếng Đức) và một số yêu cầu cơ bản khác theo luật.
Kể từ ngày 16.10.2007, kỳ thi ưu tiên đã được loại bỏ cho sinh viên nước ngoài tốt nghiệp tại các trường đại học ở Đức, không phụ thuộc là chuyên ngành nào.
Việc rút ngắn khoảng thời gian 5 năm làm việc để được xin cấp giấy phép định cư vô thời hạn tại Đức xuống chỉ còn 2 năm là hoàn toàn có thể.
Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp ở Đức chỉ cần đi làm thuê (§18) hoặc tự đầu tư kinh doanh ở Đức (§21) theo đúng ngành nghề đã học hoặc liên quan đến ngành nghề đã học thì sau 2 năm đã có quyền xin định cư vĩnh viễn ở Đức.
Sinh viên quốc tế sau khi tốt nghiệp tại Đức nên tận dụng mọi cơ hội có được khi tìm việc làm. Nhiều bạn thường mắc sai làm cố gắng tìm kiếm công việc khớp 100% với những gì được học, nghiên cứu ở trường. Nhưng điều này sẽ khiến cơ hội của bạn nhỏ lại, tốt nhất nên tìm những công việc liên quan và phù hợp nhất.
Bạn có thể tìm kiếm các cơ hội tại các hội thảo tuyển dụng, hội thảo, hội nghị của các doanh nghiệp, trung tâm hướng nghiệp, dịch vụ chuyên nghiệp….
Nếu muốn đầu tư vào cơ sở kinh doanh của riêng mình, sinh viên tốt nghiệp ở Đức có quyền xin cấp giấy cư trú để tự làm chủ, kinh doanh (Selbständige Tätigkeit) chỉ với điều kiện là ngành nghề kinh doanh đó liên quan đến ngành đã học ở Đại học Đức. Ngoài điều kiện này ra, trong luật mới không hề đòi hỏi các yêu cầu nào khác về số vốn tối thiểu, qui mô đầu tư, lợi ích của việc đầu tư đối với xã hội Đức thế nào cả. Điều này khác với luật dành cho một người nước ngoài bình thường, trước giờ muốn đầu tư vào Đức, mở công ty kinh doanh phải có vốn tối thiểu 250 000 EURO trở lên và phải tạo được công ăn việc làm cho từ 5 người trở lên và còn một số điều kiện khác nữa mới được cấp giấy cư trú theo điều luật số §21 Abs.1 AufenthG.
Và một lưu ý vô cùng quan trọng đó là tiếng Đức. Dù bạn có du học tại Đức bằng tiếng Đức hay tiếng Anh, và bạn muốn tìm một công việc tại đây thì tiếng Đức là một điều vô cùng quan trọng. Không có tiếng Đức tốt, bạn rất khó có thể tìm được công việc như ý sau khi tốt nghiệp ở Đức.
Nguồn: Amec