Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ những thông tin chính xác và mới nhất về các chương trình du học nghề tại Đức, gồm điều kiện để được ứng tuyển, các lợi ích của chương trình mà học viên sẽ được hưởng khi đi du học nghề tại Đức, lộ trình thực hiện các thủ tục cần thiết để được nhận visa sang Đức du học nghề.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp đại học ở Việt Nam ra không có việc làm cũng như tìm kiếm việc làm rất khó khăn. Thậm chí có những người có đến 2 – 3 bằng đại học nhưng không tìm được cơ hội việc làm.
Trong khi đó, hiện nay để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của thị trường lao động, Chính phủ Đức đã và đang thi hành những chính sách khuyến khích du học sinh học tập và làm việc tại Đức theo mô hình “đào tạo kép” tức học lý thuyết tại trường song song với thực hành tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Thanh Hùng
Theo ông Quân, những việc làm du học nghề tại Đức như: Điều dưỡng viên, quản lý khách sạn nhà hàng, đầu bếp, xây dựng, sửa chữa ô tô, bán ở các phòng vé du lịch, hướng dẫn viên ở sân bay, thư ký của luật sư,…
Với việc “đào tạo kép”, ưu điểm là doanh nghiệp Đức sẽ hỗ trợ học viên trong suốt quá trình học với mức hồ trợ tùy từng doanh nghiệp và từng bang (khoảng từ 500-1100Euro/tháng), nhưng không thấp hơn mức quy định của Liên bang. “Đây là mức đủ để học viên có thể chi trả tiền sinh hoạt, như ăn uống, trả tiền nhà và điện nước. Mức chi tiêu sinh hoạt trung bình của một học viên về tiền thuê nhà (gồm cả điện, nước và internet) khoảng 300 - 350 Euro/tháng, các em có thể đăng ký ký túc xá nhà trường nếu có hoặc chúng tôi sẽ hỗ trợ trong khâu liên kết”, ông Quân nói.
Trung bình mỗi ngành nghề khoảng 2.100 tiết lý thuyết và 2.500 tiết thực hành và thời gian để học nghề trung bình khoảng từ 3 đến 4 năm tùy theo từng ngành nghề. Sau khi tốt nghiệp, nước Đức sẽ ký hợp đồng cho học viên được ở lại làm việc. Sau 2 năm sẽ được ký ở lại lâu dài.
Các bạn trẻ có nhu cầu du học nghề tại Đức nghe tư vấn. |
Trước câu hỏi của một bạn trẻ, ông Quân cũng cho biết nước Đức cho phép việc học viện đi làm thêm tuy nhiên có giới hạn quy định. Tuy nhiên, ông Quân cho hay các bạn trẻ đừng quá mải tranh thủ kiếm tiền rồi để phải thi trượt và thi lại.
“Các bạn trẻ thường muốn kiếm thêm một chút tiền kinh phí để chi cho thoải mái hơn. Nhưng cần nhớ nếu mình để bị chậm thời gian ra trường thì cứ thêm ngày nào thì số tiền các bạn mất đi nhiều hơn ngần đó. Do đó điều cần nhất là cần học tốt để ra trường càng nhanh càng tốt. Việc đi làm thêm vẫn nên và cần, để học thêm, trau dồi khả năng ngoại ngữ và có cơ hội biết thêm, va chạm với cuộc sống”, ông Quân nói.
Nguồn: Thanh Hùng
Nguồn: VietNamNet