Trong hệ thống đào tạo này, người học được đào tạo khoảng 70% thời gian tại nơi làm việc và thời gian đào tạo còn lại ở các trường nghề.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Đức từ ngày 22 đến 28/9 theo lời mời của Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức, đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do Bộ trưởng Đào Ngọc Dung dẫn đầu đã làm việc với Quốc vụ khanh Bộ Lao động và Xã hội, Viện Đào tạo Nghề Liên bang và các cơ sở đào tạo nghề tại Đức, cũng như thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức.

Tại các buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã trao đổi, tìm hiểu thực tế và kinh nghiệm vận hành hệ thống đào tạo nghề của Đức, trong đó chú trọng đến hệ thống đào tạo nghề kép, vốn được xem là chìa khóa thành công của nền kinh tế Đức.

Chính vì người học được đào tạo ở 2 nơi nên hệ thống trên được gọi là “kép”.

42 1 Viet Nam Tim Hieu He Thong Dao Tao Nghe Kep Tai Duc

Foto: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác làm việc với Đại sứ Nguyễn Minh Vũ và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Ảnh: Phạm Thắng/PV TTXVN tại Đức

Theo số liệu năm 2018 của Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB), khoảng 52% dân số nước này ở độ tuổi 16 đến 24 đã tham gia hệ thống đào tạo nghề kép.

Quy mô hệ thống đào tạo này vào khoảng 1,32 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của người tham gia học là 19,4 tuổi, với 58,5% người tham gia trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, 27,2% trong lĩnh vực thủ công, số còn lại thuộc lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ công và nghề tự do. Hiện có khoảng 20% các doanh nghiệp Đức tham gia đào tạo kép.

Trung bình 95% số người được đào tạo theo hình thức này sau khi tốt nghiệp có việc làm, trong đó khoảng 68% tiếp tục được các công ty nhận đào tạo ký hợp đồng lao động.

Mức đầu tư trung bình cho một người học nghề kép là 18.000 euro (19.620 USD/năm), nhưng khoảng 2/3 tổng chi phí sẽ được bù đắp từ việc tham gia của người học trong quá trình sản xuất kinh doanh. Mức phụ cấp đào tạo trung bình cho người học được người sử dụng lao động trả là 876 euro/tháng.

Với quy mô và hiệu quả đào tạo của mô hình như vậy nên đào tạo kép được xem là trụ cột của hệ thống đào tạo nghề ở Đức, bên cạnh việc đào tạo nghề toàn thời gian tại các trường đào tạo nghề.

Chuyến công tác tại Đức sẽ góp phần giúp Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thêm hiểu biết và kinh nghiệp thực tế để thực hiện việc hoạch định lại chiến lược nguồn nhân lực nói chung, lĩnh vực đào tạo nghề nói riêng cho Việt Nam trong bối cảnh, tình hình mới.

Phạm Thắng (TTXVN)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC