Dưới đây là những câu chuyện ít biết về ban nhạc lừng danh đến từ nước Đức – Modern Talking. Cho đến hôm nay, tại Việt Nam, Modern Talking vẫn là một “cơn sốt kéo dài” chưa dứt.
Chuyện “tuổi nhỏ, tài cao” của thành viên Thomas Anders
Thành viên Thomas Anders – giọng ca chính của Modern Talking – có tên thật là Bernd Weidung. Sau này, khi bắt đầu bước vào thị trường âm nhạc, Weidung đã sử dụng một nghệ danh dễ nhớ, dễ phát âm hơn, nhằm tạo cơ hội lớn hơn cho mình trong việc tiếp cận công chúng.
Từ thuở nhỏ, Thomas Anders đã sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc và theo học đàn piano, tham gia hát trong dàn đồng ca nhà thờ và đã bắt đầu biểu diễn trên sân khấu từ năm 7 tuổi.
Năm 1979, ở tuổi 16, Thomas Anders tham gia vào một cuộc thi hát trên sóng phát thanh của Luxembourg (một quốc gia nhỏ nằm ở Tây Âu) và sớm phải rời khỏi cuộc thi vì không có đủ số điểm để đi tiếp vào vòng trong.
Dù vậy, đài phát thanh của Luxembourg khi đó đã nhận ra ngay tài năng của cậu thanh niên và chỉ hai ngày sau khi rời khỏi cuộc thi, Thomas Anders đã nhận được hợp đồng ghi âm đầu tiên từ chính thành viên ban giám khảo chấm thi.
Sự nghiệp của Thomas Anders chính thức bắt đầu năm 1980, ở tuổi 17, với đĩa đơn đầu tay mang tên “Judy” và sau đó cậu thanh niên còn cho ra mắt thêm vài đĩa đơn nữa. Đến năm 1983, Thomas Anders gặp Dieter Bohlen khi đó đang được biết tới với vai trò nhạc sĩ.
Bohlen khi đó đang có vài nhạc phẩm mới và muốn tìm giọng ca phù hợp để thể hiện, Anders chính là lựa chọn lý tưởng nhất của Bohlen.
Khi Anders và Bohlen bắt đầu hợp tác với nhau, hai người đã nhanh chóng gặt hái thành công và quyết định thành lập nên ban nhạc song ca nam Modern Talking, rồi ngay lập tức vươn ra thị trường âm nhạc quốc tế với bản hit đình đám “You’re My Heart, You’re My Soul”.
Mối bất hòa của hai thành viên Modern Talking
Modern Talking thành lập năm 1983, đến năm 1987, Anders và Bohlen quyết định “đường ai nấy đi” và gây dựng sự nghiệp solo bởi hai người không ngừng gặp phải những bất đồng trong quá trình hợp tác.
Mặc dù sau đó, Thomas Anders có chuyển tới Mỹ sinh sống với những tham vọng mới nhưng sự nghiệp ca hát của Anders chủ yếu vẫn được công chúng nhớ tới với vai trò cựu thành viên của Modern Talking. Đây vẫn luôn được xem là giai đoạn hoàng kim sáng chói đối với cả hai thành viên nam trong nhóm.
Trong những năm tháng ca hát solo sau này, Thomas Anders cũng rất chịu khó trong việc thay đổi phong cách để tạo sự đột phá nhưng đều không mang lại hiệu ứng như thời còn là thành viên của Modern Talking, thậm chí một số album và đĩa đơn còn không lọt được vào bảng xếp hạng âm nhạc của Đức.
Sự trầm lắng trong sự nghiệp của Thomas Anders kéo dài cho tới tháng 3/1998, thì Anders và Dieter Bohlen “gương vỡ lại lành”, họ tái hợp và Modern Talking được “tái sinh”. Ban nhạc cho ra mắt 6 album trong khoảng thời gian từ năm 1998 đến 2003 để rồi lại tan rã và không bao giờ tái hợp trở lại nữa.
Năm 2005, Anders và Bohlen từng rơi vào một cuộc tranh cãi pháp lý khi Anders cho rằng Bohlen đã cố tình bôi xấu hình ảnh của mình trong cuốn một tự truyện. Dù vậy, tòa án đã bác bỏ đơn kiện này.
Modern Talking – ban nhạc thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Đức
Cùng với Boney M, Modern Talking là một ban nhạc nổi tiếng thế giới đến từ nước Đức, đã từng làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc quốc tế. Ở thời điểm hoàng kim, Modern Talking đã nổi tiếng cả ở Châu Âu, Châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông… Cho đến giờ, Modern Talking vẫn được coi là nhóm nhạc pop thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Đức.
Modern Talking có nhiều bản hit từng đạt thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng âm nhạc của nhiều nước, có thể kể tới những ca khúc đình đám như “You’re My Heart, You’re My Soul”, “You Can Win If You Want”, “Cheri, Cheri Lady”, “Brother Louie”, “Atlantis Is Calling (S.O.S. for Love)” và “Geronimo’s Cadillac”…
Lượng đĩa bán ra của Modern Talking trên khắp thế giới tính tới nay đã đạt 120 triệu bản giúp nhóm nhạc trở thành ban nhạc Đức thành công nhất trong lịch sử xét về mặt thương mại.
Scandal hài hước khó tin
Năm 2004, một vụ scandal nhỏ đã xảy đến với Modern Talking khi dường như vụ tai tiếng của ban nhạc Đức chuyên hát nhép – Milli Vanilli (nổi tiếng hồi thập niên 1980-1990) vẫn chưa thôi ám ảnh người Đức.
Một ca sĩ ít được biết đến có tên Nino de Angelo đã phát ngôn trên một số tờ báo chuyên đăng tin giật gân rằng anh ta mới chính là giọng hát thật đứng sau những bản thu âm thành công của Modern Talking.
Đương nhiên những phát ngôn của Nino de Angelo nhanh chóng bị bác bỏ và cũng chẳng ai tin lời anh ta – một ca sĩ không tên tuổi đang cố tạo scandal để được biết đến.
Thực tế, như người ta vẫn biết, trong Modern Talking, Thomas Anders là giọng ca chính, Dieter Bohlen với chất giọng cao và hơi thé là giọng phụ, với thế mạnh sáng tác, vì vậy, De Angelo đã nói rằng anh ta được nhóm mời tới để ghi âm hỗ trợ cho giọng hát của Thomas Anders.
Theo De Angelo, vì Thomas Anders làm việc rất ngẫu hứng và thường lặn mất tăm khi chưa hoàn thành xong bản thu nên De Angelo đã phải xoay xở để hoàn tất mọi công việc cho nhóm nhạc. Đây được coi là một câu chuyện “hài tếu” ăn theo danh tiếng của Modern Talking.
Đến Việt Nam biểu diễn, Thomas Anders muốn… ăn nem
Trong tháng 11 tới đây, cựu thành viên của Modern Talking – Thomas Anders – sẽ tới Việt Nam biểu diễn. Trước khi đặt chân tới Hà Nội, Anders đã cho biết anh rất chờ đợi được ăn thử món nem rán, mà Anders gọi là “xúc xích của Việt Nam” (Vietnamesische Wurst).
Anders đã từng muốn đến Việt Nam từ nhiều năm trước, khi anh bắt đầu thực hiện các chuyến lưu diễn tại Hồng Kông, Đài Bắc, Singapore… và được biết rằng âm nhạc của Modern Talking đã trở nên thân thuộc đối với cả người dân Việt Nam.
Đối với Thomas Anders, Việt Nam khá gần gũi bởi ở Đức cũng có cộng đồng người Việt sinh sống khá đông và ẩm thực Việt vốn đã gây tiếng vang từ lâu.
Thomas Anders đã từng thưởng thức ẩm thực Việt tại Berlin và Hamburg, món khoái khẩu nhất của Anders chính là nem rán. Anh thường gọi nem là “Vietnamesische Wurst”. Trong menu yêu cầu của Anders trong những ngày lưu lại Hà Nội, anh đã đặc biệt nhấn mạnh món nem và thậm chí còn muốn được đến ăn tại một quán ăn bản địa, để được biết phong vị đúng chất Việt Nam.
Nguồn: Bích Ngọc (tổng hợp)
Dân trí