Ngày xưa, các nước châu Âu gọi đội tuyển Đức là “cỗ xe tăng” bởi cách chơi lầm lì nhưng chắc chắn, lấy hiệu quả làm đầu và luôn nghiền nát mọi chướng ngại vật trên đường tiến quân (như công dụng của những chiếc xe tăng Đức trong cách đánh bộ binh cổ lỗ sĩ vậy). Nhưng nếu bạn theo dõi ĐT Đức và giải Bundesliga khoảng nửa thập kỷ trở lại đây, chắc hẳn định kiến trên đã bị phá vỡ. Bóng đá Đức bây giờ không còn như ngày xưa nữa!
SỰ TRẺ TRUNG THAY THẾ GIÀ NUA
Trước kia, nói về bóng đá Đức thì vẻ đẹp theo kiểu nghệ thuật hoặc sự sáng tạo là những điều cuối cùng có thể bàn, nếu có. Gọi cầu thủ Đức là những cỗ máy chơi bóng cũng được. Còn bây giờ, bạn có thể ngạc nhiên khi biết cầu thủ ở giải Bundesliga lừa bóng nhiều hơn so với bất kỳ giải VĐQG nào khác tại châu Âu!
Đấy chỉ là một trong rất nhiều thay đổi lớn, làm cho Bundesliga ngày nay khác hẳn so với những gì người ta từng biết về giải đấu này. Một thời, bóng đá Đức coi như cạn kiệt tài năng, và rất già cỗi.
Còn bây giờ, có đến 31% số cầu thủ thi đấu tại Bundesliga có độ tuổi 21 trở xuống. Độ tuổi được ra sân nhiều nhất trong mùa bóng 2011/12 tại Bundesliga là 23 (11%). Năm 2011, Borussia Dortmund lập kỷ lục về độ tuổi trung bình trẻ nhất trong lịch sử khi vô địch Bundesliga (24,3).
Đội bóng già nhất tại Bundesliga mùa bóng vừa qua cũng chỉ có tuổi bình quân 27,3. Một đội như thế sẽ được ghi nhận là trẻ thứ ba nếu đặt vào bối cảnh của khoảng chục năm trước đây (mùa bóng 1999-2000 chẳng hạn).
Xin nhắc lại: Đấy chỉ là đặc điểm nổi bật của Bundesliga (chúng tôi không nói đấy là ưu hay nhược điểm). Cũng có những chỗ làm giới chuyên môn trong làng bóng Đức lo ngại về sự trẻ hóa quá nhanh của giải đấu này. Cầu thủ thi đấu đỉnh cao liên tục khi còn quá trẻ thì dễ chấn thương hoặc tàn lụi sớm.
Trong số những trường hợp chấn thương phải nghỉ thi đấu 2 tháng trở lên trong 2 mùa bóng gần đây, có đến 42,9% thuộc độ tuổi 21 trở xuống. Vấn đề nằm ở kinh nghiệm: chọn sai thời điểm vào bóng khoảng 1/10 giây thì đã là khác biệt dẫn đến hậu quả khôn lường!
NỀN TẢNG BÓNG ĐÁ ỔN ĐỊNH
Cứ mỗi mùa bóng trôi qua, Bundesliga lại tự nêu kỷ lục mới về tỷ lệ khán giả đến sân so với sức chứa tối đa. Nói chung, đây luôn là giải có số khán giả bình quân cao nhất châu Âu (dù sân bãi tại Bundesliga nhìn chung không quá lớn).
Vì giá vé rẻ, vì những hệ quả tốt đẹp sau khi nước Đức tổ chức World Cup 2006, vì cả những thất bại nhục nhã của đội tuyển Đức trên đấu trường EURO, World Cup trong giai đoạn 1998-2004, khiến giới điều hành bóng đá Đức phải cải tổ nền bóng đá này... Nhưng tóm lại, bóng đá Đức bây giờ nổi bật về sự tươi trẻ và sức lôi kéo khán giả đến sân, từ đó dẫn đến những khác biệt lớn về mặt chuyên môn so với trước đây.
Khán đài luôn đầy ắp hoặc quy định phải dành một thời lượng nhất định cho các kênh truyền hình công cộng phát sóng miễn phí Bundesliga trở thành lực hút lôi kéo các nhà tài trợ, và Bundesliga trở thành giải đấu có giá quảng cáo trên áo vào loại cao nhất thế giới.
Từ đó, các CLB không nhất thiết phải điên cuồng lao vào thị trường chuyển nhượng, và Bundesliga trở thành giải đấu vững chắc nhất về mặt tài chính. Một hệ lụy khác từ những thay đổi vừa nêu: CLB nào cũng phải có trung tâm đào tạo trẻ đạt tiêu chuẩn quy định, nên tài năng trẻ xuất hiện một cách rộng rãi, dẫn đến sự đồng đều giữa các CLB. Ngoài Bayern Munich nổi tiếng nhất, thường có đến phân nửa số đội còn lại ở Bundesliga đủ sức tranh suất dự Champions League.
Tính bình quân, có đến 51,69 pha lừa bóng trong một trận đấu ở giải Bundesliga mùa bóng 2011/12. Nói cách khác, cầu thủ ở Bundesliga lừa bóng nhiều hơn so với bất kỳ giải VĐQG quan trọng nào khác. Tỷ lệ này chính là thông số quan trọng cho thấy bóng đá Đức bây giờ đã khác rất xa so với những gì người ta từng biết về bóng đá Đức, dựa vào cách chơi truyền thống của Bundesliga và đội tuyển Đức.
Theo bongdaplus.