Cột gỗ - cuộc cách mạng trong ngành điện gió  Công ty thiết kế kỹ thuật Đức TimberTower đang làm một cuộc cách mạng trong công nghệ điện gió bằng việc thiết kế các tháp tuôcbin bằng gỗ. Công việc này cho phép xây dựng các tháp với độ cao kỷ lục và giá cả hợp lý.

 Giám đốc điều hành của TimberTower, ông Holger Giebel, cho biết việc xây dựng các cột gió này chưa hoàn thành. Hiện nay công trình đang ở độ cao 60m, chỉ một nửa độ cao theo thiết kế. Bên ngoài cột gỗ phủ một lớp plastic xám. Thoạt nhìn không ai có thể tưởng tượng được đây là một công trình có tính cách mạng trong công nghiệp điện gió. Tuy nhiên, nhìn kỹ bên trong tháp, cảm giác nghi ngại ban đầu nhanh chóng được xua tan. “Lớp da” plastic bên ngoài chỉ có tác dụng bảo vệ gỗ chống chọi với “kẻ thù” thiên nhiên như mưa nắng. Tháp gỗ đang được xây dựng hiện nay sẽ cao khoảng 100m, cho phép mang một tuôcbin điện gió công suất 1,5 megawatt. TimberTower đang lập kế hoạch bán các tháp gỗ của họ cho các nhà sản xuất thiết bị lớn chuyên thực hiện các công trình xây dựng nhà máy điện gió.

Các tháp gỗ này có nhiều thuận lợi hơn các tháp làm bằng thép. “Các cột thép xây dựng trên đất liền chỉ có thể đạt độ cao cực đại vào khoảng 110m bởi diện tích nền của một tháp cao 110m phải có đường kính khoảng 4,2m và đó là kích thước cực đại có thể vận chuyển trên các con đường ở Đức cũng như bất cứ một nơi nào khác” - ông Giebel nói.

Với các tháp gỗ lại không như vậy, người ta có thể tập trung vật liệu đến nơi xây dựng một cách dễ dàng và chính điều đó tiết kiệm giá vận chuyển vật liệu một cách đáng kể.

Ông Giebel nói rằng hiện nay công ty đang lập kế hoạch xây dựng một tháp mới với độ cao 140m trong một dự án gần Hanover. Độ cao khủng này của tháp cho phép nó mang một tuôcbin sinh ra một lượng điện nhiều hơn khoảng 40% so với các cột gió bình thường hiện nay, trong khi giá thành lại thấp hơn 20%.

TimberTower đã tính toán rằng với sáng kiến này, giá thành một kilowatt điện gió chỉ 0,6 euro, tương đương giá điện sản xuất của các nhà máy điện hạt nhân, nhưng lại là một giải pháp tối ưu cho việc bảo vệ môi trường.

Edwin Kohl, chủ tịch của một công ty nhập khẩu dược có trụ sở gần Saarbruecken và là nhà đầu tư chính của TimberTower, cho biết ông quan tâm đến dự án của TimberTower bởi đây “thật sự là một nguồn năng lượng xanh”. Ông Kohl lưu ý rằng các cột điện gió vốn thường được làm với vật liệu là thép được sản xuất ở Ấn Độ, trong đó than được lấy từ các mỏ ở Úc trước khi được xây dựng thành các cột gió ở châu Âu và điều này “thật sự không có ý nghĩa về môi trường”.

Theo DW/Tuổi trẻ.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC