Bị phạt gấp đôi nếu tăng tốc trước khi vượt đèn đỏ
Thông thường, nếu vượt đèn đỏ, tài xế sẽ bị phạt khoảng 100 USD. Nhưng trong năm 2021, tại thủ đô Berlin, một tài xế đã tăng tốc khi nhìn thấy đèn xanh chuyển sang vàng.
Nhưng tới khi đèn chuyển đỏ, xe vẫn còn cách vạch dừng khoảng chục mét. Thậm chí hành vi vượt đèn đỏ này diễn ra ngay trước mặt hai cảnh sát.
Tòa án tuyên phạt tài xế 220 USD, tức gấp đôi mức bình thường. Nếu ở nước khác, đây chỉ là lỗi vượt đèn đỏ đơn thuần.
Ngồi tù vì dán poster lên biển báo giao thông
Một người đàn ông bị phạt 9 tháng tù vì dán poster tự làm lên một loạt biển báo giao thông. Người này còn sử dụng keo đặc biệt không thể bóc, nên những biển báo này phải thay mới, với thiệt hại hàng chục nghìn USD. Ở nơi khác, đây có thể chỉ là hành vi bị xử phạt hành chính và khắc phục hậu quả.
Trẻ em bị ôtô đâm trúng - ai sai?
Một trẻ 11 tuổi muốn sang đường tại một điểm giao cắt và đứng sát lề để đợi đèn xanh. Một ôtô chạy ngang cũng sát lề đường và hích trúng đứa trẻ. Nạn nhân bị thương nặng.
Theo quyết định của tòa án, 80% trách nhiệm thuộc về tài xế ôtô, và 20% thuộc về đứa trẻ. Theo tòa, các tài xế không nên lái xe quá sát lề đường bên phải vì hoàn toàn có thể va chạm với người đi bộ. Tuy nhiên, em nhỏ cũng đã đứng quá sát lề đường - vị trí nguy hiểm vì có thể bị các phương tiện chạy qua đâm trúng.
Bên nào chịu trách nhiệm nếu ôtô gặp nạn sau khi thay lốp?
Một tài xế xe Mercedes thay lốp mùa hè tại một garage. Sau khoảng 100 km, lốp sau rơi khỏi xe khi đang chạy trên đường Autobahn, dẫn tới tai nạn và khiến chiếc xe sang hư hỏng nặng. Tài xế Mercedes kiện garage đã thay lốp, đòi bồi thường 27.000 USD. Nhưng garage kia từ chối.
Thực tế, theo luật, sau khi ôtô được thay lốp tại xưởng, tài xế luôn được khuyến cáo phải chú ý tới bất cứ sự bất thường nào khi lái xe và kiểm tra các đai ốc sau mỗi quãng đường nhất định, tức mỗi 50 km. Nếu tai nạn xảy ra, xưởng ôtô sẽ chịu trách nhiệm 70% và chủ xe là 30%.
Tòa án Munich cho rằng chủ nhân chiếc Mercedes liên đới trách nhiệm vì đã không kiểm tra đai ốc như được hướng dẫn, vì thế chịu 30% trách nhiệm. Tuy nhiên, tòa cũng nhấn mạnh rằng, việc thay lốp và lắp đặt đúng cách là việc của thợ chuyên nghiệp, các tài xế không thể đủ trình độ để đảm bảo lốp được siết chặt hay không. Vì thế, các xưởng ôtô nên chịu hoàn toàn trách nhiệm thay vì đổ một phần lỗi sang khách hàng.
Tai nạn khi rửa xe tự động: ai phải bồi thường?
Tài xế X có xe đang được rửa trên băng chuyền tự động. Khi đèn chuyển sang xanh, tài xế này muốn lái xe ra khỏi băng chuyền nhưng động cơ không khởi động. Chỉ đến lần khởi động thứ hai, động cơ mới lên tiếng.
Vì băng chuyền vẫn tiếp tục di chuyển, tài xế Y của ôtô đứng ngay phía sau sợ xảy ra va chạm nên đã đạp phanh. Hậu quả là xe đứng sau trượt khỏi băng chuyền, va đập vào hệ thống rửa xe và hư hỏng nặng.
Tài xế Y đòi tài xế X cũng như bảo hiểm của đối phương phải bồi thường thiệt hại.
Nhưng theo tòa án, tài xế Y phải chịu một phần trách nhiệm, bởi theo quy định, các tài xế không được phép phanh trên băng chuyền rửa xe tự động. Tài xế Y chỉ nhận được 30% phí sửa chữa từ tài xế X - người đã không lái xe rời khỏi vị trí kịp thời, dẫn tới hành động bất cẩn của người khác.
Mỹ Anh (theo ADAC) VNE