Cổng trại tập trung Auschwitz có dòng chữ 'Arbeit Macht Frei'- Lao động giải phóng con người
Những người còn sống sót sau chặng đường dài bị lèn cứng trong các toa chở hàng - khoảng 80 - 100 người mỗi toa - bị lùa ra ngoài.
Một số đã chết từ lúc nào trong các toa tàu không nước uống, không thức ăn, không cả không khí để thở.
Số còn sống sót chia làm hai nhóm theo giới tính.
Một bác sĩ 'đồ tể' sẽ khám qua từng người một để quyết định số phận của họ: hoặc rẽ vào cánh cổng phía bên phải ảnh để bắt đầu cuộc đời kinh khủng trong trại tập trung, hoặc tiếp tục lên chuyến xe lửa khác ở đường rail bên trái để đi thẳng đến phòng hơi ngạt đang chờ phía trước.
Đã đọc về trại tập trung Auschwitz từ lâu, nên lần này trong chuyến thăm đến khu cung điện Wawel ở Krakow, cố đô Ba Lan đầu tháng 3/2018, tôi mua ngay tour đi tham quan trại tập trung khủng khiếp của Đức Quốc xã.
Trang sử đen tối của loài người
Tour đi thăm Auschwitz đón bạn từ Cung điện Wawel ở Krakow và tới trại Auschwitz I, sau đó sang Auschwitz II tức Birkenau
Tài liệu của Pháp tin rằng có ít nhất 1,5 triệu người đã bị giết ở trại tập trung Auschwitz lớn nhất châu Âu
Lúc 13:00 khởi hành từ Wawel, không tính thời gian đi đường, nhóm lữ hành khoảng 50 người chúng tôi có gần 5 tiếng đối diện với một trang lịch sử đen tối trong hai trại tập trung Auschwitz I và II.
Auschwitz I có 1 phòng hơi ngạt - lò thiêu, còn Auschwitz II (lớn gấp 30 lần Auschwitz I) có đến 4, trong đó phòng hơi ngạt lớn nhất có khả năng mỗi lần tàn sát đến 2000 nạn nhân.
Các con số về nạn nhân ở trại tập trung Auschwitz vẫn không được thống kê chính xác.
Tài liệu của Pháp tin rằng có ít nhất một triệu rưỡi người đã thiệt mạng trong mạng lưới trại tập trung Auschwitz lớn nhất châu Âu này. Tài liệu tại chỗ cho biết có khoảng 1.3 triệu nạn nhân vào trại trong đó có 430 nghìn người Do Thái đến từ Hungary, 300 nghìn người Do Thái đến từ Ba Lan, 150 nghìn người Ba Lan, 25 nghìn người Di Gan đến từ các nước, 15 nghìn tù binh là Hồng quân Liên Xô, còn lại gần 400 nghìn người đến từ hơn 20 nước châu Âu khác.
Chỉ có khoảng 200 nghìn người còn sống để rời trại vào năm 1945.
Nạn nhân người Do Thái chiếm đến 90% số bị giết.
Chừng 23 nghìn người Di Gan chết tại đây.
Cho đến nay, người ta cũng ghi nhận được khoảng 900 người có hành vi trốn trại nhưng chỉ có 50 người trốn thành công.
Cảm giác rùng rợn tăng dần
Giày để lại trước khi các nạn nhân bị buộc phải bỏ hết quần áo vào buồng hơi ngạt và xác họ được đưa vào lò thiêu
Nhóm 50 người chúng tôi chỉ là những khách du lịch riêng lẻ từ Mỹ, Anh, Pháp, Nga và cả Ba Lan cùng mua tour tham quan này nên cùng đi với nhau. Nhưng dù là người ở quốc gia nào, có thể chế chính trị thế nào, có đặc điểm văn hóa ra sao thì bước chân vào Auschwitz tất cả cũng đều dần trở nên im lặng, trật tự.
Chỉ có một số chỗ là cấm chụp ảnh nhưng dường như chẳng ai còn hăng hái chụp ảnh nữa. Tất cả chỉ im lặng đi theo cô hướng dẫn viên để nghe để thấy những câu chuyện, những số liệu, bằng chứng về một trang lịch sử vô cùng đen tối trong Thế Chiến II - tội ác diệt chủng của Đức quốc xã.
Có những chi tiết vượt qua cả sự giết chóc khiến người xem bàng hoàng.
Chẳng hạn, cũng ở đây, người ta nói rằng sau Thế Chiến 2, còn khoảng 7 tấn tóc của các nạn nhân sót lại.
Phát xít Đức đã biến trại tập trung Auschwitz thành nơi thiêu người lớn nhất châu Âu
Quân Nazi dùng tóc của nạn nhân để chế tạo ra nhiều sản phẩm cần tính bền vững chịu lực trong quân sự, xây dựng... và dĩ nhiên cả những bộ tóc giả trong ngành thời trang ở Đức.
Với thời tiết khắc nghiệt cùng các công việc lao động nặng nhọc và điều kiện sống vô cùng tồi tệ ở đây, mỗi ngày một trại viên chỉ được một li lớn cafe loãng nóng buổi sáng, một bát súp rau củ loãng buổi trưa và một lát bánh mì đen buổi tối và hết. Nạn nhân chủ yếu thiệt mạng hàng loạt vì đói khát và vì bệnh tật hoành hành.
Ở Auschwitz I có một chỗ trưng bày khoảng các lon đựng khí độc đã sử dụng được thu nhặt sau Thế Chiến 2. Được biết chỉ cần năm lon gas độc trong phòng hơi ngạt là đã giết 2000 người trong 20 phút.
Những phiến đá tưởng niệm các dân tộc có người bị giết ở Auschwitz
Auschwitz I nguyên là trại huấn luyện quân đội của Ba Lan trước thế chiến 2.
Auschwitz là tên do Đức đặt ra và giờ thì thành tên quốc tế. Tuy nhiên, người Ba Lan rất không thích cái tên này, họ gọi là Oświęcim.
Các tranh cãi gần đây nhất đã bùng lên khi có người dùng từ 'trại tập trung Ba Lan' thay cho 'trại tập trung của Nazi'.
Có rất nhiều khách viếng thăm Auschwitz hàng năm.
Chỉ tính riêng năm 2015 đã có 1.72 triệu du khách viếng thăm trại tập trung Auschwitz, trong đó có khoảng 425 nghìn khách là người Ba Lan.
Những chuyến tàu chết chóc 'đổ khách' xuống bến cuối tại đây
Bản thân tôi đã đến thăm viếng trại tập trung 'kiểu mẫu' Dachau ở Munich, Đức vài năm trước, và kết luận là so với Dachau thì Auschwitz kinh khủng hơn vạn lần.
Tour thăm viếng Auschwitz I và II (Birkenau) kéo dài gần 5 tiếng và kết thúc ở đài tưởng niệm, nơi đó có 23 phiến đá (plaque) đại diện cho 23 nhóm ngôn ngữ của các nạn nhân trong trại.
Lời cuối để kết thúc hành trình tham quan tại đài tưởng niệm ở Auschwitz II, người hướng dẫn viên nói những người may mắn sống sót và được cứu thoát ra khỏi các trại tập trung, tuy họ được giải phóng về thể xác nhưng tất cả đều mắc phải những di chứng tâm thần khó chữa lành được đến cuối đời.
Cô cũng nói rằng đây không phải là một chuyến tham quan vui vẻ thú vị, nó rất buồn, nhưng rất cần thiết bởi con người chúng ta luôn cần hiểu những bi kịch gì đã xảy ra như thế nào trong quá khứ.
Và quan trọng hơn là để chúng ta rút ra những bài học cần thiết cho hiện tại và tương lai.
Nguồn: BBC