Ròng rã một năm trời qua, cô Greta Taubert đã không đụng đến tiền. Hoàn toàn không chi một cắc bạc nào cho các sinh hoạt thường nhật, nữ nhà báo tự do 30 tuổi này muốn tìm hiểu xem cuộc sống sẽ ra sao nếu như không còn các nền kinh tế.
Khi được AFP hỏi thứ đầu tiên cô "muốn có nhất" sau 12 tháng trời không chi tiêu?, "Quần tất", cô Taubert trả lời không chút ngập ngừng khi đang nhâm nhi một ly cappuccino ở một tiệm cà phê tại thành phố Leipzig (Đức). “Và cả xà bông, kem đánh răng”, nữ nhà báo nhanh chóng nói thêm, tay vén bộ tóc dài của mình sang một bên.
Trong một năm qua, cô tự làm những vật dụng như kem khử mùi cơ thể, sữa rửa mặt và kem đánh răng, tất cả đều có nguồn gốc 100% hữu cơ.
“Tôi thậm chí còn chế cả dầu gội đầu”, Taubert cho biết. “Nhưng lúc đó tôi bắt đầu trông giống như người tiền sử vậy. Bạn bè thì nói Cô đang đi quá đà rồi”, cô cười kể lại.
Trong suốt 12 tháng, Taubert đã đổi quần áo tại các tiệm đổi đồ cũ và tự trồng bắp cải, khoai tây trong một khu vườn công cộng, AFP cho hay.
Còn để đi du lịch sang Tây Ban Nha, cô đã đi nhờ xe trên một đoạn đường dài khoảng 1.700 km, chấp nhận ngồi xổm ở sàn xe suốt chặng đường di chuyển.
Taubert đã thuật lại trải nghiệm của mình trong quyển sách mang tựa đề Apocalypse Now (tạm dịch: “Giờ là Tận thế”), đã được xuất bản hồi tháng 2 vừa qua.
"Thêm nữa, thêm nữa, thêm nữa"
Taubert quyết định tiến hành một cuộc sống không tiền bạc từ một buổi trưa chủ nhật, tại nhà bà của cô.
Cô Taubert lục tìm đồ có thể dùng lại được trong một container chứa đồ cũ vứt đi tại thành phố Leipzig, miền đông nước Đức, hồi tháng 8.2013 - Ảnh: AFP |
“Khi tôi nói ‘con muốn uống chút sữa’, bà tôi đã đặt lên bàn các loại bột tạo hương mùi sô cô la, chuối, vanilla và dâu”, Taubert nhớ lại.
“Nền kinh tế của chúng ta dựa trên quan điểm cho rằng nó tăng trưởng vô hạn, nhưng thế giới sinh thái của chúng ta thì lại bị giới hạn”, cô viết trong quyển tự truyện. “Câu thần chú ‘thêm nữa, thêm nữa, thêm nữa’ sẽ không đưa chúng ta đi xa”.
Tại Đức vào năm 2012, gần 7 triệu tấn lương thực bị vất vào thùng rác, tương đương 81,6 kg/người. Taubert cho rằng những năm tháng khủng hoảng kinh tế tại châu Âu đã khiến người dân chú ý nhiều hơn đến các mặt hạn chế của mô hình kinh tế ngày nay.
“Mọi người nhận thấy rằng họ đã không ổn định được gì với những gói giải cứu của Liên minh châu Âu (EU)”, cô cho hay. “Chúng ta vẫn đang cứ tiếp tục với những gì đã từng có trong quá khứ, nhưng hệ thống kinh tế này không hề vững chắc”, Taubert nói.
Trong suốt thời gian trải nghiệm cách sống mới, Taubert đã tiếp xúc với đủ hạng người, từ những người hoạt động quá khích, người tin vào thuyết tận thế và cả những người luôn tìm cách tích trữ đồ ăn với niềm tin chúng sẽ giúp họ sống sót qua những đại họa trên Trái đất.
“Giờ tôi cố gắng đưa những gì tôi đã học được trong một năm trải nghiệm vào cuộc sống hằng ngày. Nhưng tôi mừng là mình không còn phải sống như vậy nữa”, cô thú nhận.
Theo Hoàng Uy
Baó Thanh Nien.