Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, nhiều chính phủ trên khắp châu Âu đã loại bỏ “thị thực vàng”.

1 Chuong Trinh Thi Thuc Vang Bop Nghet Giac Mo Mua Nha Cua Nguoi Dan Chau Au

Chương trình "thị thực vàng" cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha - Ảnh: REUTERS

Khi bắt đầu công tác tại một bệnh viện ở Madrid (Tây Ban Nha) năm 2023, bác sĩ trẻ Ana Jimena Barba quyết định chuyển đến sống cùng bố mẹ cho đến khi tiết kiệm đủ tiền để mua nhà riêng.

Nhưng khi cô bắt đầu nghiên cứu những ngôi nhà cùng làng nơi cha mẹ cô ở, cách thủ đô 30 phút lái xe, hầu hết đều có giá hơn 500.000 euro (13,5 tỉ đồng). Số tiền này cao gần gấp 20 lần mức lương trung bình năm ở Tây Ban Nha và tương đương chi phí “thị thực vàng” của nước này.

Thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở

"Thị thực vàng" là chương trình tạo điều kiện cấp quyền cư trú cho các nhà đầu tư giàu có người nước ngoài rót tiền vào lĩnh vực như bất động sản, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có chương trình “hộ chiếu vàng” cấp quyền công dân thông qua đầu tư, nhưng thường đòi hỏi nguồn vốn lớn cùng nhiều thủ tục và thời gian.

Sau một thập niên, chương trình này đã thu hút hàng tỉ euro đầu tư, nhưng nó cũng góp phần gây ra cuộc khủng hoảng nhà ở trầm trọng cho chính người dân Tây Ban Nha.

Đã phải làm thêm 100 giờ mỗi tháng để tiết kiệm, Barba than phiền: “Tôi không đủ khả năng chi trả. Nếu người nước ngoài làm tăng giá nhà đối với người dân địa phương như chúng tôi thì đó là bất công”.

Đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, Tây Ban Nha đã thông báo sẽ loại bỏ “thị thực vàng”. Trước Tây Ban Nha, nhiều chính phủ trên khắp châu Âu cũng có động thái tương tự.

Nhiều quốc gia thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã triển khai chương trình “thị thực vàng” vào thời điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu lên đến đỉnh điểm năm 2012, để giúp bù đắp thâm hụt ngân sách.

Các quốc gia cần gói cứu trợ quốc tế, trong số đó có Tây Ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp, đặc biệt có nhu cầu với tiền mặt để trả nợ. Và họ nhận thấy “thị thực vàng” là con đường giúp thu hút các nhà đầu tư, đồng thời vực dậy thị trường bất động sản đang suy yếu.

Lựa chọn của họ đã đem lại thành quả. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã cấp 14.576 thị thực cho những người giàu có đầu tư bất động sản trị giá hơn 500.000 euro. Nhưng điều này đang đẩy những người như bác sĩ Barba ra khỏi thị trường.

“Việc tiếp cận nhà ở cần phải là một quyền, chứ không phải hoạt động đầu cơ. Các thành phố lớn đang đối mặt thị trường căng thẳng cao độ và gần như không thể tìm được nhà ở đàng hoàng cho những người đã làm việc và nộp thuế”, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nhấn mạnh trong một bài phát biểu vào tháng 4, khi tuyên bố kết thúc chương trình “thị thực vàng”.

Thị thực giúp những công dân ở ngoài Liên minh châu Âu (EU) dễ dàng mua được quyền cư trú tạm thời, đôi khi không cần phải sống ở nước sở tại. Các nhà đầu tư Trung Quốc, Nga và Trung Đông đổ xô mua bất động sản thông qua chương trình “thị thực vàng”.

Những năm gần đây, sau sự kiện Brexit, người Anh cũng tìm đến mua nhà ở Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người Mỹ cũng lựa chọn “thị thực vàng” để tận hưởng lối sống mà họ không đủ khả năng chi trả ở các thành phố lớn ở quê nhà.

Tuy nhiên, các quốc gia trên khắp châu Âu đang dần loại bỏ hoặc tạm ngừng chương trình “thị thực vàng”, trong bối cảnh các chính phủ tìm cách khắc phục thiệt hại cho thị trường nhà đất.

Bồ Đào Nha, quốc gia thu được hơn 5,8 tỉ euro đầu tư từ “thị thực vàng”, đã sửa đổi chương trình vào tháng 10-2023 để loại bỏ bất động sản khỏi khoản đầu tư, nhằm giảm tình trạng đầu cơ và hạ nhiệt thị trường nhà ở quá nóng.

Dòng người nước ngoài đến sinh sống đã khiến hàng ngàn công dân Bồ Đào Nha có thu nhập thấp phải rời bỏ nhà cửa ở các thành phố như Lisbon.

Hy Lạp, một trong những quốc gia cuối cùng ở châu Âu cung cấp “thị thực vàng”, đang nâng ngưỡng đầu tư nước ngoài từ 500.000 euro lên 800.000 euro ở khu vực Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng như Mykonos và Santorini.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis xác nhận có tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng và áp lực trong thị trường cho thuê nhà, đặc biệt xung quanh Athens. Nhưng nhà lãnh đạo này khẳng định chính phủ vẫn muốn thu hút các nhà đầu tư.

Hy Lạp đã huy động được 4,3 tỉ euro đầu tư chỉ từ “thị thực vàng” trong giai đoạn 2021-2023.

Mua nhà chỉ là một giấc mơ

Một báo cáo do Viện Kinh tế lao động (Đức) công bố hồi tháng 3 cho biết “thị thực vàng” đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia cung cấp chương trình này.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, các chính phủ cần cân bằng giữa việc thu được lợi ích kinh tế và phòng vệ trước những rủi ro tiềm ẩn, bao gồm cả hành vi rửa tiền và quá trình chỉnh trang đô thị tràn lan.

Chỉnh trang đô thị là thuật ngữ đề cập đến những khu vực nơi đón làn sóng dân cư tầng lớp trung lưu và thượng lưu đổ xô đến, khiến bất động sản và hàng hóa tăng giá, buộc nhiều người thu nhập thấp phải rời đi vì không còn đủ khả năng thuê nhà, trang trải chi phí đắt đỏ.

Sự thoái lui này xảy ra khi một cuộc khủng hoảng nhà ở lan rộng hơn đang bao trùm châu Âu. Sau nhiều năm thị trường bất động sản ở đây trải qua biến đổi sâu sắc, nhà ở ngày càng nằm ngoài tầm với của người lao động có thu nhập khiêm tốn, trong đó có cả bác sĩ, giáo viên và cảnh sát.

Quá trình chỉnh trang đô thị đã lan rộng khắp các thành phố châu Âu trong nhiều thập niên, nhưng sự xuất hiện của Airbnb và các nhà cung cấp dịch vụ cho thuê ngắn hạn khác đã đẩy nhanh cuộc khủng hoảng.

Điều đó đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, nơi các chủ sở hữu bất động sản nhận ra rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi cho khách du lịch thuê thay vì cho người dân địa phương thuê. Các chương trình “thị thực vàng” càng đổ thêm dầu vào lửa.

Ở Hy Lạp, nơi ban đầu cấp cho người nước ngoài thị thực cư trú 5 năm nếu họ đầu tư 250.000 euro, giá nhiều căn hộ và danh sách nhà ở xung quanh Athens và trên các hòn đảo nổi tiếng đột nhiên tăng vọt, vượt quá tầm với của hầu hết người dân.

Quay trở lại với bác sĩ Barba, cô đã tiết kiệm tiền trong ba năm qua để trả trước tiền mua nhà. Barba từng thuê phòng trong một căn hộ chung ở Barcelona khi bắt đầu thực tập làm bác sĩ chuyên khoa dị ứng tại một bệnh viện ở trung tâm thành phố.

Nhưng thu nhập hằng tháng của cô bị “ăn mòn” bởi các chi phí sinh hoạt cơ bản bao gồm thực phẩm, tiền thuê nhà và đi lại.

Để tiết kiệm nhiều hơn, cô chuyển đến bệnh viện ở Madrid và hiện sống cùng bố mẹ ở ngôi làng ngoại ô, làm việc ngoài giờ để tăng mức lương lên 1.900 euro. Nhưng khi những ngôi nhà ở làng của cha mẹ Barba cũng có giá lên đến nửa triệu euro, cô cảm thấy vô vọng.

“Mua nhà chỉ là một giấc mơ”, Barba nói.

THEO TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC