Nước Đức vẫn được nghĩ đến như là một nơi …gần giống với thiên đường vậy khi chúng ta chỉ soi đến phúc lợi xã hội tốt, đi học miễn phí, đi xe trên đường cao tốc chất lượng hàng đầu thế giới mà không hạn chế tốc độ......
Nhưng cũng có những thứ nhỏ nhặt khác không hề miễn phí ở đất nước này nhưng dường như lại miễn phí một cách hiển nhiên ở những nơi khác.
Túi ni-lông, chai nhựa
Khi đi siêu thị ở Đức, bạn bắt buộc phải mua túi đựng chứ không được cho túi miễn phí như ở Việt Nam. Tại quầy thu ngân ở mỗi cửa hàng, bạn sẽ thấy người dân thường mang theo túi và giỏ đựng thay vì dùng túi ni lông bày bán ở đó.
Nước Đức đã ký một Hiệp Định để giảm lượng tiêu thụ túi nylon và vào tháng 7/2016 Đức đánh thuế cao hơn vào việc sử dụng túi nylon, chính vì vậy sẽ rất hiếm thấy những cửa hiệu ở Đức ‘cho không’ khách hàng túi ni lông.
Tôi nhớ có lần vào hiệu thuốc, một chiếc túi bé xíu đựng 1,2 lọ thuốc cũng đã 0.10€ rồi.
Vào năm 2018 gía thành để mua những chiếc túi này sẽ còn tăng thêm nữa.
Nếu bạn mua nước uống ở Đức, rất có thể bạn nhìn thấy một món đồ uống trên kệ có giá là 1,75€ nhưng khi tính tiền thì bạn sẽ phải trả 2€.
Vì sao ư? vì đó là giá của đồ uống còn cái chai đựng nước, bạn phải “cược” 0.25€.
Với những món đồ có logo như trong ảnh, bạn có thể mang đến bất kỳ những chiếc máy thu hồi nào (thường là ở các siêu thị), nhận vé tương đương số tiền bạn nhận lại và lấy lại tiền ở quầy thu ngân.
Chính vì điều này, tôi có 2 mẹo muốn chia sẻ với bạn.
Một là đừng bao giờ vứt những chai nhựa mua ở cửa hàng hay siêu thị đi nếu bạn không muốn vứt tiền vào sọt rác. Lưu ý đừng nghịch ngợm bóc tem bóc mác không thì cũng tốn luôn vài chục cent vì nghịch dại.
Hai là nếu bạn chuẩn bị ra sân bay ở Đức và bay về Ý chẳng hạn, nếu có thời gian chuẩn bị thì nhớ mang chai đựng nước từ trước, đừng mua ở sân bay nếu không muốn mất 25 cent vì ở sân bay thường không có máy thu hồi như siêu thị và ở Ý không có hệ thống thu mua như ở Đức (tương tự như về Việt Nam hay sang các nước châu Âu khác).
Theo cơ quan môi trường của Liên Bang Đức, 30 triệu tấn nhựa thải ra đại dương trong khi một chiếc túi ni lông nhỏ bé lại mất đến 500 năm để phân huỷ.
Chưa kể hàng ngàn loài chim, rùa biển, cá và động vật có vú ở biển chết hàng năm do ăn phải hoặc mắc phải những mảnh vụn nhựa, ni lông.
Hàng tấn những hạt nhữa đã được tìm thấy trong dạ dày sinh vật biển và cuối cùng chính những sinh vật này lại nằm trên bàn ăn của chúng ta.
Chính vì thế dù có bị mất tiền mua nhưng việc họ không cho phép sử dụng túi ni lông bừa bãi khiến tôi rất vui.
Mang thói quen này về Việt Nam, khi đi siêu thị Aeon thấy nhân viên kiên nhẫn đóng cho tôi ti tỉ chiếc túi từ nhỏ tới bé mà tôi thấy hoảng quá, ở một đất nước chưa có hệ thống xử lý rác thải hạn chế như nước mình thì việc giảm lượng sử dụng nguồn rác đáng sợ này đáng ra phải được chú ý hơn.
Đồ uống
Hầu hết bạn bè tôi quen từ Ý sang Đức chơi đều kêu trời lên đồ uống ở Đức đắt.
Thực ra là đồ uống ở Đức …đắt thật, nếu bạn vào nhà hàng và gọi đồ.
Nếu đã quen thói quen ở Việt Nam vào quán ăn được uống trà nóng, nước lọc miễn phí hay ở các tỉnh miền Trung ở các quán mỳ họ để cả bình trà mát ngon lành trên mỗi bàn ăn thì sang Đức bạn sẽ xót ruột bỏ ra vài euro cho một ly nước.
Hay chính nhiều người Đức cũng hào hứng khi biết ở Mỹ có kiểu “refill”: nghĩa là bạn gọi và trả tiền một ly coca cola nhưng cứ gần hết là có thể đong đầy lại mà không cần trả thêm.
Có một điều vì sao người Đức hay uống beer, là vì ta thường thấy họ ngồi uống beer ở hàng quán nên nghĩ vậy.
Đơn giản là beer còn rẻ hơn là nước lọc đóng chai nên chả tội gì họ gọi nước lọc cả.
Tôi được nghe giải thích rằng thuế đồ uống ở Đức khá cao với các hàng quán nên mới có giá thành chênh lệch với đồ uống y hệt ở siêu thị.
Trong trường hợp không muốn trả tiền nước (mà vẫn muốn uống), bạn có thể xin ly nước … lã (hay còn goi là nước vòi).
Nước lã ở Đức thì uống được, sinh viên Đức ở quanh tôi toàn uống nước vòi không, nhưng chỉ là vị của nó không ngon và không hẳn quán nào cũng lịch sự tặng bạn nước lọc khi bạn không gọi đồ uống nào của họ cả.
Chính vì giá thành ở các nhà hàng, quán cà phê khá cao nên người Đức có thói quen mang theo đồ uống mua ở các siêu thị ra ngồi bãi cỏ, công viên hoặc ở những bãi đỗ xe.
Đa phần họ sẽ mang trả lại chai vì họ đã cược tiền cho chúng nhưng cũng có lúc những kẻ nhậu xỉn cũng tạo công việc và ủng hộ những người nghèo hơn đi lượm vỏ chai đổi lấy tiền.
Đi … vệ sinh
Ở Đức nếu bạn vào nhà vệ sinh ở những khu công cộng hay trung tâm thương mại, hoặc bạn sẽ thấy những chiếc máy đút tiền xu chỉ khi bỏ tiền vào mới chịu mở cửa hoặc sẽ bắt gặp một người ngồi trước cửa nhà vệ sinh đợi những khách vào toilet bỏ tiền vào khay và nói cám ơn.
Thi thoảng bạn cũng có thể thấy những chiếc hộp để ở ngoài cửa với vài dòng ghi ‘vui lòng bỏ tiền vào đây’ và mọi người phải tự giác bỏ tiền vào thay vì có người ngồi nhắc nhở.
’Phí’ cho mỗi lần có thể là 0.50€ hoặc 1€.
Một chú ý nhỏ là ở những shopping center, sau khi bỏ 0.50€ vào máy, bạn sẽ nhận lại một ticket với mệnh giá 0.50€ mà bạn có thể dùng khi thanh toán ở những cửa hàng trong trung tâm thương mại đó được ghi tên trên chiếc vé này và bạn có thể dùng nó như một coupon có gía trị là 50 cent.
Tải phim hot/game
Nếu bạn có thói quen download phim thay vì chạy ra rạp xem thì nên cẩn thận khi thực hiện điều này ở Đức nếu không muốn phải trả giá cho hành động này.
Và tôi cũng khuyên rằng nếu bạn chuẩn bị sang Đức sống, nếu bạn có phần mềm down torrent trên máy tính thì nên xoá nó đi vì bạn có thể sẽ không bao giờ dùng đến nó ở đây.
Nếu như …nhỡ download phim qua torrent thì rất có thể 1 tới 2 tháng sau bạn sẽ nhận được vé phạt mức giá có thể tới hơn 800€ cho 1 phim.
Bạn có thể google xem những chiếc vé phạt đó như thế nào nhưng cơ bản sẽ có thông tin IP của mạng nhà bạn (từ đó người ta mới biết mà liên hệ với nhà cung cấp để tra ra chủ thuê bao internet là bạn), tên phim, ngày và giờ download bộ phim đó.
Trường hợp này cũng nhiều người nước ngoài gặp phải khi tới Đức, có nhiều người khi nhận được vé phạt này rất dễ hoảng và đi nộp tiền ngay.
Tuy nhiên theo tìm hiểu của tôi thì bạn nên tỉnh táo, liên hệ với luật sư được thì càng tốt (bạn có thể google và tìm ra những văn phòng luật trong khu vực gần với bạn) hoặc tự phản hồi lại thư này, tuyệt đối không bỏ quên đi hoặc trả lời chậm trễ vì họ sẽ gửi bạn thư nhắc phạt nếu không nhận được câu trả lời sớm từ bạn, thời điểm này mức phạt có thể bị tăng thêm nữa đấy!
Nghe đài/xem ti vi
Nếu như ở Việt Nam bạn chỉ có nhu cầu xem những cơ bản của nhà nước như VTV, HTV thì chỉ cần có tivi và mua 1 chiếc ăng ten bắt sóng là được.
Nhưng khi ở Đức, bất cứ khi nào bạn dọn tới một thành phố và đăng ký địa chỉ tại thành phố đó là sẽ nhận được một giấy yêu cầu đóng tiền cho việc sử dụng Tivi và đài hay bất cứ thiết bị có thể bắt sóng nào khác, phí này được biết đến với cái tên viết tắt là GEZ.
Nếu ta lờ đi và cố tình không đóng do không sử dụng tivi hay đài nghe radio thì rất có thể sẽ bị cảnh sát gõ cửa để kiểm tra và yêu cầu nộp phạt.
Chỉ có một số trường hợp cụ thể có thể đăng ký miễn loại phí phát sóng này ví dụ như sinh viên, người nhận trợ cấp thất nghiệp, người khuyết tật ở mức độ cao, người có thị lực rất kém.
Ngoài những lí do đó ra thì hộ dân nào cũng phải đóng.
Bản thân tôi sau khi đăng ký địa chỉ thì cũng nhận được loại giấy này và gia đình cũng phải điền giấy và mã số đóng tiền của mình để chứng minh là trong hộ có người đóng rồi và tôi không phải đóng thêm nữa.
Phí này có giá là 17.5€/tháng và bạn có thể đóng cả năm, 3 tháng một hay từng tháng.
Trung bình một năm nước Đức thu được 8,6 tỉ euro từ việc thu loại phí này để phục vụ cho nhà đài bên cạnh thu nhập từ quảng cáo và các dịch vụ truyền hình khác.
Đây là một loại phí gây khá nhiều ức chế ngay cho cả người dân Đức, vì phí 17€ này là bắt buộc cho dù bạn có xem tivi hay không đi nữa.
Chỉ vì họ không có khả năng ngăn chặn bạn sử dụng miễn phí nên vẫn ép đóng tiền vì bạn … có khả năng sẽ dùng đến. Chưa kể đến mức giá hơn 17€/tháng cũng là một khoản kha khá vì một gói Netflix basic cũng chưa tới giá này.
Thuế cho người nuôi chó
Khi nghe tới điều này tôi mới khẳng định thêm được là người Đức quý động vật đặc biệt là với các em cún như thế nào.
Bất cứ người nào muốn nuôi chó cũng phải đóng một loại ‘thuế’, tiếng Đức là ‘Hundesteuer’, loại thuế này dựa trên mức độ hung dữ của giống chó mà người đó muốn nuôi, ví dụ như nuôi một em cún giống Pit Bull Terriers bạn sẽ phải đóng thuế cao hơn một em hiền hơn như Pug.
Mức thuế cũng không cố định mà theo quy định của từng bang và từng vùng.
Với thời gian sống ngắn hạn ở Đức của mình thì đây là những thứ phí mà chính tôi cũng vấp phải, nếu trong thời gian tới khám phá thêm điều gì mới nữa tôi sẽ update nội dung này tiếp tới người đọc blog.
Nguồn: Blue Expat/ VnExpress