Bạn hiểu gì về người Đức? Bạn có biết Tên "đặc trưng" nhất của người Đức là gì? Tại sao họ lại thích Tên đó đến vậy? Tất cả những điều thú vị về người Đức sẽ có trong bài viết dưới đây.
Nước Đức nằm ở trung tâm châu Âu.
Rất nhiều người Đức có tên Mayer, Müller, Schneider, Winter…, trong đó cái tên Müller đứng đầu bảng (khoảng 800 nghìn người).
Tên thân mật của họ có cả xuất xứ từ vùng Đông Âu (Ilona, Boris), từ Bắc Âu (Kerstin, Anje), từ Tây Âu (Kevin, Peggy)…
Nhưng cái tên thân mật thuần Đức đứng đầu bảng là "Thomas“.
Chính vì thế Thomas Müller được coi là cái tên tiêu biểu của người Đức.
Tại sao người Đức lại thích cái tên Müller thế?
Trong tiếng Đức, Müller là người xay bột. Bột mì để làm bánh trong mỗi gia đình, ai mà chẳng cần?
Tuổi trung bình của người Đức là 42, cao 1,79 m và nặng 83 kg.
Họ thường có tóc hạt dẻ và mắt màu xanh đen, tôn trọng kỷ cương luật lệ vì họ yêu thích sự an toàn. Họ hiểu nghĩa vụ của họ để tạo nên sự an toàn chung.
Theo thống kê, có đến 84% người Đức rất đúng giờ.
Khi được thông báo đến một nơi nào đó để họp hay liên hoan, họ đến rất đúng giờ và cho đó là một việc làm tôn trọng người khác, cũng là tôn trọng chính mình.
60% người trưởng thành lập gia đình, số còn lại sống độc thân tự do.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, một người Đức không chung thủy với bạn đời của mình (ngoại tình) trung bình là 0,37 lần, chỉ đứng sau người Italia.
Người Đức rất gắn bó với quê hương, nên chỉ chuyển nhà „có“ 4 lần trong cuộc đời.
Lần lại lịch sử mới hiểu được, người Đức đã bôn ba quá nhiều để tìm được mảnh đất sống ngày nay. Như chúng ta đã biết, gần năm thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, châu Âu bị đế quốc La Mã ngự trị.
Dân gốc Đức hồi đó gọi là dân Germanen (Giéc manh) sống ở miền bắc châu Âu.
Thế kỷ thứ tư miền đất này mất mùa liên tục vì mùa đông quá lạnh, bệnh tật nhiều nên người Germanen tràn xuống phía nam, chiếm đất của La Mã.
Cuộc chiến tranh La Mã – Giéc manh kéo dài cả thế kỷ. Đó là cuộc di dân vĩ đại đầu tiên của loài người, từ phương bắc xuống chiếm phía bắc rặng núi An-pơ.
Sau khi tìm ra đất Mỹ, hơn 5 triệu người Đức mạo hiểm ra đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía tây bán cầu, chấp nhận lênh đênh vài tháng trên đại dương và xác suất sống sót không cao.
Họ di cư đến Mỹ, Canada, Úc.
Sau khi Hitler lên cầm quyền ở Đức và trước nguy cơ đại chiến, 12 triệu người lại khăn gói ra đi tìm nơi trú ẩn ở Đông Âu.
Năm 1945 sau khi chủ nghĩa phát xít bị tiêu diệt, Nga và các nước Đông Âu xua đuổi, bài trừ dòng máu Đức đã gây quá nhiều tang tóc cho dân tộc họ.
12 triệu người lại phải lặn lội về quê cũ. Trên đường đi, gần hai triệu người đã bỏ mạng do kiệt sức, đói, bệnh tật.
Đó là một bi kịch di dân mang dòng máu Đức.
Ngày nay người Đức cao hơn tiền nhân của họ khoảng 13 cm, nhờ ăn uống và được chăm sóc y tế tốt, chỉ đứng sau người Hà Lan về độ cao trung bình.
Những bệnh phổ thông mà rất nhiều người Đức mắc phải là bệnh béo phì, đau lưng, tiểu đường, khớp.
Đó là kết quả của việc ít vận động, lúc nào cũng đi ô tô .
Trong cuộc đời, người Đức đổi xe ô tô khoảng 8 lần và phải chờ vì tắc đường tới 6 tháng.
Năm 1976, CHLB Đức ra luật bắt buộc phải cài dây an toàn khi chạy xe, nhờ đó mà tỷ lệ tử vong trong giao thông giảm đi rõ rệt.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, khi lượng xe hơi trên đường phố nhiều và tiếng ồn do công nghiệp cũng như giao thông tăng mạnh, người Đức dần ý thức được việc bảo vệ môi trường quan trọng như thế nào.
Hệ giá trị của họ đã thay đổi:
Trong những năm sau chiến tranh, ai cũng khát khao giá trị vật chất như xe hơi, nhà cửa, quần áo, vàng, của để dành.
Nhưng đến nay, quan niệm của họ đã khác.
Họ đề cao phong cách sống, yêu thiên nhiên, muốn làm điều nhân đạo và cho đó là niềm vui đồng thời là bổn phận. Họ đi du lịch để biết đó biết đây, không nhất thiết phải giữ tiền bạc.
Nước Đức là một trong những nước nhận ra vai trò quan trọng của rừng rất sớm.
Rừng là nơi cung cấp gỗ, cung cấp ô xy cho người và động vật thở, là nơi chắn gió hạn chế sức mạnh của những cơn bão, là nơi ở của hàng nghìn loại sinh vật, là nơi dạo chơi của con người.
Ngay từ thế kỷ thứ 14, họ đã nhận ra rừng không phải là vô tận, nên cần phải bảo vệ và coi đó là lá phổi xanh.
Họ cho chuyên gia đi khảo sát, đo chu vi từng cây, ghi từng chủng loại và lập kế hoạch trồng thêm hay đốn gỗ một cách hợp lý.
Hiện nay một phần ba diện tích nước Đức được rừng bao phủ.
Dù được sống ở một đất nước rất ít khi có thảm họa thiên nhiên (bão, động đất, núi lửa, hạn hán, ngập lụt…), nhưng người Đức rất sợ những thảm họa này vì nó sẽ phá hủy toàn bộ nền tảng sống của họ.
Thế kỷ thứ 14, toàn châu Âu bị dịch hạch tấn công.
Hồi đó vi trùng dịch hạch do chuột truyền sang từ miền Trung đông đã tiêu diệt một phần ba dân số của châu lục này.
Ngày ấy chưa có Vắc xin mà người ta chỉ cúng vái cầu may.
Số lượng người chết dọn không kịp, lây lan nhanh, người ta gọi đó là cái chết đen của thế kỷ thứ 14.
Những thảm họa như thế này luôn hiện lên trong tâm trí người Đức, chính vì thế họ không ngần ngại chi tiền đầu tư cho lĩnh vực „Dự báo thời tiết“.
Chắc rất nhiều người trong chúng ta ngạc nhiên khi thấy đài Khí tượng thủy văn Đức báo thời tiết khá chính xác, báo trước lượng mưa, độ dày tuyết rơi, nhiệt độ, áp suất, độ ẩm không sai lệch bao nhiêu.
Đó là vì trên toàn nước Đức có tới 2800 trạm nghiên cứu và đo thời tiết khí hậu.
Nước Đức là một nước rất giàu có.
Nước Đức có tổng giá trị khoảng 16 nghìn tỷ Euro, thế nhưng trong ví của một người dân Đức chỉ có trung bình 103 Euro tiền mặt.
Họ cẩn thận không bao giờ mang tiền mặt nhiều theo người.
Dự trữ ngoại tệ của quốc gia này rất lớn.
Riêng ở Frankfurt/ Main có gần 1040 tấn vàng chứa trong các két sắt, ngoài ra họ còn gửi ở khắp nơi trên thế giới, nhiều nhất là New York (Mỹ).
Tổng số vàng của đất nước này lên đến gần 3400 tấn (56 tỷ Euro).
Một gia đình người Đức sống trong căn hộ trung bình 4,4 phòng, khoảng 90 m2.
Phòng khách là phòng quan trọng nhất đối với họ, nên nó được trang trí công phu.
Không thể thiếu được trong đó là TV, tủ tường, sa lông, đèn đứng và cây xanh.
Trong tủ của họ là những vật lưu niệm, người ta đếm được đến 8000 đồ vật to nhỏ khác nhau trong phòng khách của một gia đình Đức.
Người Đức rất tiết kiệm, cái gì tự làm được là họ làm.
Chính vì thế cửa hàng vật liệu xây dựng (Baumarkt) mọc lên khắp nơi.
Trung bình mỗi người Đức hàng năm mua đồ ở các cửa hàng này 225 €, gấp đôi người Anh.
Người Đức rất có ý thức tiết kiệm điện, ra khỏi phòng là tắt điện, không để thừa thức ăn.
Vì sự an toàn và bảo vệ môi trường cho các thế hệ sau, họ sẵn sàng từng bước loại bỏ điện hạt nhân, chấp nhận mua điện với giá đắt hơn.
Điện gió, điện mặt trời, khai thác nhiệt từ lòng đất là thế mạnh của Đức.
Hiện tại năng lượng tái tạo này chiếm 20% tổng năng lượng, chiều hướng ngày càng tăng.
Đức còn có một nguồn dự trữ nước ngọt rất dồi dào.
Đó là những hồ chứa nước ngọt, chủ yếu là nước mưa và tuyết tan, là nguồn nước sạch rất quý của thiên nhiên nên được bảo vệ cẩn thận. Vất rác trong rừng, đặc biệt những rác hóa học là điều tối kỵ.
Nó sẽ ngấm xuống mạch nước ngầm và làm ô nhiễm.
Người Đức hay sinh hoạt trong các Câu lạc bộ (hơn 30%), họ là những người sống cần cộng đồng.
Dân ở một số địa phương Stuttgart, Hamburg, Bremen hài lòng với cuộc sống của mình.
Nhưng cũng có những thành phố phàn nàn và cho rằng cuộc sống của họ không được hạnh phúc lắm. Đó là những thành phố Berlin, Essen, Köln.
Một nửa diện tích nước Đức là diện tích nông nghiệp và tổng giá trị người nông dân Đức sản xuất trong một năm là khoảng 40 tỷ Euro.
Trước kia mỗi người nông dân chỉ có thể sản xuất ra của cải vật chất để nuôi được 10 người, ngày nay với sự trợ giúp của máy móc và khoa học kỹ thuật, một người nông dân có thể sản xuất để nuôi được 141 người.
Goethe là một trong những người Đức vĩ đại.
Ông phát biểu rằng, nếu bắt tôi phải lựa chọn giữa tự do và kỷ cương thì tôi sẽ ưu tiên kỷ cương hơn.
Tất cả những điều nói ở trên đều bắt nguồn từ hai yếu tố: bản năng con người và giáo dục, trong đó nền giáo dục đóng vai trò rất lớn.
Cái mẫu hình trong giáo dục trùng với những tấm gương ở ngoài đời, vì thế nó có sức thuyết phục học sinh rất cao, hoàn toàn tin những gì được học để phấn đấu theo nó.
Nguyễn Minh Trang biên tập
Nguồn: Sưu tầm