Cung Cộng Hòa - Palast der Republik tại BerlinTheo đánh giá của tạp chí “Der Facility Manager”, Cung Cộng Hòa - Palast der Republik ở Berlin đứng đầu danh sách 65 công trình văn hóa đa năng lớn nhất thế giới. Thế nhưng người ta đang lên kế hoạch phá hủy...
Cung Cộng Hòa chính là tâm huyết và thành quả lao động cực lực của người dân và chính quyền Berlin. Ngày 20/4/1972, kế hoạch cơ bản của việc xây dựng Cung được hoàn thành, nhưng mãi đến 2/11/1973 thì người ta mới bắt đầu động thổ. Công việc xây dựng kéo dài trong 3 năm, mãi đến ngày 31/12/1975 Cung Cộng Hòa mới xây dựng xong. Gần bốn tháng sau, ngày 23/04/1976 lễ khánh thành được tổ chức khá long trọng với sự tham gia đông đảo của các kỹ sư, kiến trúc sư và những người công nhân xây dựng công trình. Cung Cộng Hòa chính thức mở cửa.

Cung Cộng Hòa - Palast der Republik tại BerlinCó thể nói đây là là một trong những công trình lớn của nước Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức), được coi là một biểu hiện của sự phồn vinh. Cung Cộng Hòa được xây dựng khá hoành tráng với chiều cao 32m, dài 180m và rộng 86m. Mặt tiền Cung được ráp những tấm kính lớn nên vào ban đêm Cung thật sự tỏa sáng và tráng lệ với hàng ngàn bóng đèn lung linh huyền ảo. Ước tính hàng năm người ta phải thay khoảng 50.000 bóng đèn các loại trong Cung. Với một diện tích rộng lớn, Cung Cộng Hòa thật sự là một công trình kiến trúc đa năng. Trong Cung có đầy đủ mọi loại hình giải trí từ nhà văn hóa, phòng triển lãm tranh, câu lạc bộ thanh niên, sân khấu hài kịch, rạp chiếu bóng, bưu điện…đến vũ trường và các quầy nước giải khát, rượu bia. Riêng Phòng triển lãm Tranh được các nhà phê bình đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật.

Nhưng Cung Cộng Hòa còn được nhắc đến nhiều vì những sự kiện lịch sử gắn liền với nó hơn là những thú vui giải trí dành cho công chúng. Trong Cung có một trung tâm báo chí và hội trường rất lớn với hơn 4.800 ghế ngồi. Chính nơi đây đã diễn ra khá nhiều cuộc hội họp quan trọng của các cơ quan, tổ chức của chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức. Sự kiện lịch sử trọng đại nhất đã từng diễn ra tại đây là hội nghị năm 1990 họp bàn về vấn đề thống nhất hai nước Tây Đức và Đông Đức lại sau gần 40 năm bị chia cắt.

Vì Cung Cộng Hòa quá rộng lớn nên đòi hỏi lực lượng nhân viên phục vụ khá đông với hơn 4.000 người. Trong khi đó chính quyền địa phương lại kinh doanh không hiệu quả, nên vào năm 1990 người ta buộc phải cho hơn 1.700 người nghỉ phép dài hạn. Nhưng chỉ vài tuần sau đó, tức vào ngày 19/10/1990 Cung Cộng Hòa chính thức đóng cửa vì vấn đề an toàn cho khách tham quan do “kỹ thuật xây dựng” của Cung có “vấn đề”. Và từ đó các cuộc thảo luận về việc nên phá bỏ Cung rồi xây dựng lại, hay sửa chữa, trùng tu liên tục được đưa ra thảo luận trong một thời gian dài. Điều đáng nói là người ta quên hẳn các tác phẩm nghệ thuật giá trị đang hiện diện trong phòng triển lãm tranh của Cung. Năm năm sau khi Cung Cộng Hòa đóng cửa, một số bức tranh bắt đầu lưu lạc khắp các cuộc triển lãm và phòng trưng bày trong và ngoài nước.

Là một công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử rất lớn, Cung Cộng Hòa thật sự là tài sản vô giá trong lòng người dân Berlin. Có lẽ vì vậy mà mãi đến giờ vẫn tồn tại khá nhiều ý kiến trái ngược nhau về việc có nên phá hủy Cung hay không. Sau nhiều lần tranh luận, việc trùng tu, sửa chữa Cung cũng được bắt đầu vào năm 1998. Thời điểm này cũng là lúc người ta nghĩ đến việc phá bỏ Cung Cộng Hòa, do họ nhận ra rằng chi phí trùng tu, sữa chữa Cung hàng năm sẽ tốn kém hơn chi phí phá hủy và xây dựng lại rất nhiều. Ước tính chi phí cho cuộc phá hủy này khoảng 20 triệu Euro. Dự kiến Cung Cộng Hòa sẽ được phá bỏ vào đầu năm 2005. Riêng thời gian dự tính xây dựng lại công trình kiến trúc mới trên vùng đất này còn tùy thuộc vào khả năng tài chính của Nhà nước. Hiện nay vấn đề đáng lo ngại là “sau khi phá bỏ sẽ không còn gì cả, do chính quyền không còn tiền để xây dựng lại Cung mới”.


Theo Web./VNN.


 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC