Không có quốc gia nào trên thế giới ưu ái người lao động hơn Đức. Đạo luật Thời gian Làm việc (Arbeitszeitgesetz) nước này quy định rõ ràng: Thời gian làm việc trong 1 ngày của công nhân viên không được quá 8 tiếng. Thời gian nghỉ ngơi sau giờ làm việc ít nhất phải đủ 11 tiếng. Trong suốt khoảng thời gian nghỉ ngơi đó, mọi hoạt động liên quan đến công việc đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Quy định về giờ giấc khắt khe này được thể hiện rõ nét qua câu chuyện của chị Kristen Ghodsee.

Lần đầu tiên đến Viện Nghiên cứu Nâng cao Freiburg, Đức, Ghodsee vẫn chưa nắm rõ quy định giờ giấc làm việc tại đây. Chị nán lại ở công ty và tăng ca ngoài giờ một cách tình nguyện. Chỉ mấy phút sau, Giám đốc viện nghiên cứu gõ cửa bước vào và hỏi Ghodsee đang có chuyện gì vậy. Ghodsee lắc đầu, trả lời là không. 

Vị giám đốc sau đó nhìn đồng hồ, nét mặt hơi cáu kỉnh: "Sao đã hết giờ mà vẫn chưa chịu đi về?". Ghodsee vội vàng giải thích nhưng còn bị "nạt" lớn tiếng hơn. "Chị đang ở Đức đấy, về nhà ngay cho tôi!"

Đơn giản là bởi với người Đức, hết giờ làm là phải nghỉ. Họ gọi giờ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc là "Feierabend", tức cắt đứt mọi liên hệ với công việc.

1 Duc  Dat Nuoc Kho Vi Phai Nghi Ngoi Qua Nhieu It Nhat 11 Tiengngay Ai Lam Viec Sau Gio Lam Deu Bi Coi Lavi Pham Phap Luat

Ngoại lệ thì cũng phải nghỉ đến 10 tiếng

Năm 2003, Liên minh Châu Âu EU đề xuất các nước thành viên luật hóa thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Ngay lập tức, Đức chớp lấy cơ hội và thực thi quy định.

"Người Đức ý thức rõ ràng tầm quan trọng của việc tách biệt công việc và đời sống riêng tư", David Markworth, nhân viên Viện Luật Lao động và Thương mại thuộc Đại học Cologne cho biết. "Chúng tôi hoan nghênh quy định của EU, nhưng cũng có một vài trường hợp ngoại lệ".

Ngoại lệ mà David nhắc tới bao gồm những nhân viên bệnh viện, nông dân, người làm việc trong ngành khách sạn, vận tải hoặc truyền thông. Những người này được phép nghỉ ngơi ít hơn 11 tiếng mỗi ngày, cụ thể là 10 tiếng.

Nghỉ nhiều đến phát ngán

Theo quy định, không ai được phép làm gián đoạn Feierabend. Đã nghỉ ngơi là phải buông bỏ toàn bộ công việc. Tuy nhiên, kể từ khi chiếc điện thoại thông minh xuất hiện, quy định này bỗng trở nên bất tiện.

"Nghỉ ngơi liên tục tận 11 tiếng là quá dài", Claudia Knuth, luật sư thuộc công ty luật Lutz Abel nói. "Nhiều người đã kiểm tra email công việc trong khoảng thời gian này chỉ vì quá chán".

Kết quả khảo sát thực tế hồi năm 2019 của Hiệp hội kỹ thuật số Bitkom, Đức cho thấy, có tới 96% người tham gia phàn nàn rằng các quy định Feierabend quá cứng nhắc. Họ muốn có sự thay đổi và được linh hoạt thời gian nghỉ để phù hợp với công việc và cuộc sống của từng người.

2 Duc  Dat Nuoc Kho Vi Phai Nghi Ngoi Qua Nhieu It Nhat 11 Tiengngay Ai Lam Viec Sau Gio Lam Deu Bi Coi Lavi Pham Phap Luat

Với sự phát triển của công nghệ, người lao động Đức có thể dễ dàng làm những công việc ngoài văn phòng. Theo một khảo sát năm 2015, hơn ¼ nhân viên Đức nói rằng các nhà tuyển dụng có thể liên lạc với họ mọi lúc.

Nhưng luật thì vẫn phải tuân thủ

"Quy định giờ nghỉ ngơi đang bị nhiều người ngó lơ", Knuth khẳng định. "Nếu vi phạm, các công ty cũng chỉ bị nhắc nhở, khiển trách rất nhẹ".

"Thực tế, từ lâu nay, mọi người vẫn cố gắng lách luật", Adél Holdampf-Wendel, chuyên gia luật lao động khẳng định. "Một số người muốn có thêm thời gian rảnh buổi chiều để lo các chuyện lặt vặt, chẳng hạn như chăm con, sau đó làm bù vào buổi tối. Số khác lại muốn thảo luận công việc khuya với đồng nghiệp, để hôm sau có thể đi làm muộn hơn".

Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe và An toàn Nghề nghiệp Đức, nới lỏng quy tắc Feierabend khiến người lao động đứng trước nguy cơ bị lạm dụng. Khảo sát của tổ chức này hồi năm 2017 cho thấy 20% công nhân viên đã nghỉ ngơi ít hơn 11 tiếng/ngày ít nhất là 1 lần/tháng. Họ nghi ngờ rằng những người này đã bị ép lao động ngoài giờ.

Trên tất cả, Feierabend được đưa ra để nâng cao quyền lợi cho người lao động. Nó không chỉ bảo vệ họ khỏi rủi ro bóc lột, mà còn giữ họ an toàn trước những cơn nghiện công việc. Theo BAUA, nhiều người sau khi thường xuyên nghỉ ngơi ít hơn 11tiếng/ngày đã phàn nàn rằng họ bị mất ngủ, kiệt sức và đau lưng…

"Tuân thủ quy định giờ nghỉ ngơi rất cần thiết, nhất là trong thời kỳ công nghệ hoá, điện thoại thông minh và máy tính xách tay có ở khắp mọi nơi", David Markworth, chuyên gia pháp lý kết luận. "Điều quan trọng bây giờ là làm thế nào bảo vệ người lao động không bị lạm dụng bởi chính họ".

Vũ Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC