Kỹ năng học sinh chỉ ở mức trung bình, nhưng hệ thống giáo dục của Anh vững ngôi đầu thế giới, trong khi châu Á có 3 quốc gia được đánh giá cao.
5 nền giáo dục hàng đầu, theo đánh giá năm 2016 của U.S.News, gồm: Anh, Canada, Đức, Mỹ và Pháp.
Nhóm kế tiếp là Australia, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan. Châu Á có 3 đại diện ở thứ hạng cao là Nhật Bản (thứ 8), Singapore (17) Hàn Quốc (18).
Mỗi nước đều có đặc thù riêng trong hệ thống giáo dục từ cấp tiểu học đến đại học.
Bảng xếp hạng của U.S. News được xây dựng dựa trên nghiên cứu của Công ty hoạch định chiến lược BAV Consulting và trường Wharton thuộc Đại học Pensylvania.
Tiêu chí đánh giá gồm: số lượng trường đại học hàng đầu, hệ thống giáo dục công phát triển và nhu cầu học tập tại quốc gia được xếp hạng.
1. Anh
Tại xứ sở sương mù, việc đến trường là bắt buộc với học sinh từ 5 đến 16 tuổi. Các em phải trải qua bốn giai đoạn của giáo trình toàn quốc.
Có nhiều sự khác biệt giữa các trường cấp hai coi trọng thực tế hơn lý thuyết (secondary modern school), chú trọng đào tạo các ngành nghề kinh doanh và trường chuyên (grammar school) thiên về các ngành học cổ điển.
Điều này dẫn đến việc hình thành những trường có chương trình học phổ quát và toàn diện hơn, dù có sự khác biệt trong quản lý tại mỗi vùng.
Vương quốc Anh cũng là quê hương của hai đại học top đầu thế giới.
Tuy vậy, học sinh của Anh lại có điểm số môn toán và đọc hiểu ở mức trung bình theo chương trình đánh giá kỹ năng, kiến thức học sinh quốc tế của tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển quốc tế (OECD).
2. Canada
Tại quốc gia rộng lớn thứ hai thế giới, cấp tiểu học và trung học là bắt buộc và hoàn toàn miễn phí với trẻ từ 5 tuổi. Hiến pháp Canada trao lại quyền đào tạo cho các trường học.
Tuy điều này được đánh giá là khiến cấu trúc nền giáo dục nước này thiếu tính tập trung, song đến nay chưa gây hậu quả nào.
Học sinh Canada thường đạt điểm số cao hơn mức trung bình trong các đánh giá sinh viên quốc tế của OECD. Tại Quebec, tỉnh lớn nhất Canada, sinh viên được yêu cầu hoàn thành hai năm học tại trường nghề trước khi vào đại học.
Các quy chuẩn về đào tạo là tương đối giống nhau trên toàn quốc.
3. Mỹ
Là nơi quy tụ 8/10 đại học top đầu thế giới, chi phí để được hưởng nền giáo dục đẳng cấp thế giới ở Mỹ không hề rẻ. Chi phí bình quân cho mỗi suất học cao thứ hai toàn cầu, nhưng điểm số quốc gia này đạt được trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế lại chỉ đạt mức trung bình hay thấp hơn, theo xếp hạng OECD 2012.
4. Đức
Lớp mẫu giáo hay giai đoạn bước đệm cho các em nhỏ dưới 6 tuổi trước giáo dục bắt buộc là khái niệm sinh ra tại Đức.
Từ “Kindergarten” với nghĩa nhà trẻ hay lớp mẫu giáo được nhà giáo dục người Đức Friedric Froebel đưa ra lần đầu tiên vào năm 1840.
Sau khi hoàn thành bậc tiểu học năm lớp bốn, học sinh được khuyến khích theo một trong ba hướng đi dựa trên kết quả học tập: nhập học tại các trường trung học cấp cao (Gymnasium) nếu muốn vào đại học; cấp trung bình (Realschule) cho nghiệp công chức, nhân viên văn phòng và cấp thấp (Hauptschule) cho các ngành nghề buôn bán.
Học sinh Đức được hưởng chương trình giáo dục có định hướng khi còn rất trẻ tuổi.
Xếp hạng học sinh Đức theo nghiên cứu của OECD tuy trên mức trung bình song lại đang có chiều hướng đi xuống.
5. Pháp
Nền giáo dục ở Pháp dựa trên giáo trình toàn quốc và bắt buộc với trẻ em 6-16 tuổi.
Phần đông trẻ dưới 6 tuổi sớm được tham gia các lớp mầm non và sau trung học thường theo đuổi cấp học cao hơn.
Triết học luôn là môn đóng vai trò quan trọng tại quốc gia sản sinh ra những huyền thoại như đại văn hào Voltaire, Descartes - người được xem là cha đẻ của triết học hiện đại và nhiều danh nhân khác.
Mỗi năm, những học sinh chuẩn bị tốt nghiệp cấp 3 sẽ tham gia kỳ thi lấy bằng tú tài - chứng chỉ duy nhất để học sinh Pháp được nhập học đại học, trong đó phải có một bài luận triết học quy chuẩn.
Học sinh Pháp thường được nghỉ vào thứ tư và nửa ngày thứ bảy.
*** Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan là những quốc gia có chi tiêu cao nhất cho giáo dục tính trên phần trăm tổng sản phẩm quốc nội.
Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cho rằng mức độ đầu tư vào giáo dục không nhất thiết có ảnh hưởng tới chất lượng học tập. Tuy nhiên, những quốc gia thuộc bán đảo Scandinavi, Bắc Âu đều có chất lượng học sinh đứng top 3 thế giới, vượt qua hầu hết quốc gia châu Á, nơi học sinh phải chịu nhiều áp lực hơn về thành tích học tập.
Những quốc gia có vị trí thấp trong bảng xếp hạng có mức độ phổ cập giáo dục và tỷ lệ nhập học thấp hơn.
Tại Pakistan, quốc gia đứng cận đáy xếp hạng, nữ sinh tên Malala Yousafzai từng giành giải Nobel Hòa bình sau những nỗ lực đấu tranh với việc ngăn cấm nữ sinh tới trường của chính quyền Taliban.
Theo VNExpress/ U.S. News