Ở Đức tôi gặp những nông dân vui vẻ và vô ưu, họ như một giống người từ hành tinh khác, lúc nào cũng cười nói rổn rảng và sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, trong khi người thành phố lúc nào cũng đăm chiêu tra giờ tàu xe và mặt cắm vào iPhone…

Gần đây anh thổ lộ: “Mỗi lần xuống sân bay Nội Bài, nhìn mặt nhân viên cảnh sát ở quầy nhập cảnh là tôi lại muốn quay ra máy bay về nước”.Anh bạn tôi, một người Đức nghiêm túc và chỉn chu điển hình như trong sách giáo khoa, rất có cảm tình với Việt Nam sau nhiều năm công tác lẫn kinh doanh, và đi lại như đi chợ giữa hai châu lục.

Ghé qua nước Đức - 0

Nông thôn Đức -Ảnh: mapio.netc

Tôi bình thản

Không phải vì tôi tự ái và bênh người nước mình lấy được, nhưng tôi không tin anh bạn tôi nhận xét công bằng. Bởi tôi cũng có cảm giác tương tự khi nhập cảnh vào Đức.

Mấy chục năm qua hiếm khi tôi nghe được câu chào thân thiện từ những khuôn mặt khó đăm đăm sau quầy kiểm tra thị thực.

Chẳng có gì lạ, họ là những công chức ít nhiều mẫn cán được tuyển chọn vào vị trí ấy để phát hiện ra những phần tử bất hảo muốn nhập cảnh lậu, chứ không phải là hướng dẫn viên du lịch lúc nào cũng cười tươi hơn hớn dẫn khách đi xem danh lam thắng cảnh của quê hương mình.

Ở đây cái áo giấy được mặc sẵn để đón ma, vậy đừng bắt những công chức ấy vừa căng mắt dò những chi tiết bất thường (nếu có) trong hộ chiếu của hàng ngàn khách mỗi ngày, lại vừa mỉm cười thân thiện hay thậm chí hài hước vui vẻ.

Cũng may, những người như anh bạn tôi chỉ là thiểu số. Người Đức thực dụng và thực tế, họ kiên nhẫn đứng đợi hai, ba phút cho xong thủ tục kiểm tra, yên tâm là mình chẳng làm gì sai mà phải lo lắng, và mấy mét nữa là kỳ nghỉ phép tuyệt vời sẽ bắt đầu.

Người mình, như tôi quan sát trong rất nhiều lần quá quan Frankfurt, thường thiếu sự bình thản đó, lý do chủ yếu là trong hành lý xách tay không có chai rượu tắc kè thì cũng mo cau gói thịt chó mắm tôm, toàn những thứ mà nếu bị khui ra thì ắt sẽ độn thổ.

Cái sự khổ sở vì ăn uống ấy sẽ đem ra bàn vào dịp khác kẻo lạc đề, nhưng cũng phải công nhận dân mình chung thủy với các món quốc hồn quốc túy thực sự.

Tôi là thượng đế

Ở Đức có một chuỗi siêu thị lớn của Mỹ, và tôi biết nhân viên của họ có một quy định hành xử gọi là “quy tắc một mét”, nghĩa là bất kể nhân viên đang xếp hàng hóa lên kệ hay làm gì khác, nếu có khách hàng đến gần mình trong bán kính một mét là phải quay ra tươi cười chào hỏi và giới thiệu các mặt hàng giá rẻ của hôm đó.

Cách hành xử ấy rất xa lạ với người Đức, và cũng phải nói thêm rằng khẩu hiệu “khách hàng là thượng đế” ở Đức đã lạc hậu lắm rồi.

Người Đức quan niệm giữa người bán và người mua có một hợp đồng kinh tế, A muốn bán hàng và B muốn mua hàng, ai cũng nên làm đủ bổn phận của mình một cách tốt nhất.

Văn hóa bán hàng ở ta đi sau họ một tẹo, nghĩa là may quá, ta vẫn được làm thượng đế khi bước chân vào cửa hàng, thậm chí thích thì hành người bán hàng ra bã, thừa biết lúc mình ra đến đường thì nhân viên bán hàng sẽ nói gì về mình.

Do thượng đế không việc gì phải xếp hàng nên ở ta chưa sinh ra văn hóa từ tốn đợi đến lượt mình. Vẫn còn hơn thời bao cấp phải sợ cô bán hàng mậu dịch một phép, nhưng cái hơn ở đây chưa phải là cái tử tế mà ta muốn hướng đến.

Ghé qua nước Đức - 1

Lâu đài Neuschwanstein – Ảnh: Thomas Wolf

Tôi vẫn đeo túi Louis Vuitton ra đường, mặc dù mỗi ngày báo chí đăng vài vụ giật giỏ hay chém người lấy di động. Không phải vì tôi dũng cảm, mà có lẽ tôi đã nhờn với hiểm nguy tứ bề, từ miếng ăn vỉa hè đến dây điện đứt buông lòng thòng xuống mặt đường.Tôi không sợ

Thế chiến II ở châu Âu đã lùi xa bảy chục năm, chắc vì thế mà người Đức nhát hơn ta. Giao thừa năm ngoái, trước nhà thờ xứ Cologne có nhiều phụ nữ bị quấy rối tình dục, thủ phạm chủ yếu là dân tị nạn từ Bắc Phi qua.

Năm nay thấy báo Đức nói doanh số bán bình xịt hơi cay tăng 600%! Bà Thủ tướng Merkel mới hôm nào còn mở rộng biên giới đón cả triệu người lánh nạn, nay đã bắt đầu run rẩy khi nghĩ đến cuộc bầu cử nghị viện sắp tới.

Chả là dân tình sôi sục phản đối tình trạng mất an ninh do quá nhiều phần tử quá khích đến từ một tín ngưỡng và văn hóa khác hẳn.

Người mình hầu như ít biết sợ. Mỗi khi thấy tiếng xe tải đi sau là tim tôi đập thình thịch, nghĩ ngay đến các vụ “mất lái” (một khái niệm rất kỳ quái, mà sao hay xuất hiện ở ta vậy?).

Đi ôtô ở Đức, tôi nhận thấy lái xe bản xứ rất ngại đến gần vệt đường ngựa vằn dành cho người đi bộ qua đường, họ phanh từ xa khi thấy khách bộ hành lại gần. Luật giao thông của Đức quy định khi ôtô vượt xe đạp thì phải giữ khoảng cách bề ngang tối thiểu 1,5 mét.

Nước Đức có một hiệp hội nghiên cứu nỗi sợ, đó là tôi dịch vụng chữ “Angstforschung” với nghĩa đen là nghiên cứu nỗi sợ, chính xác là nghiên cứu nguyên nhân cũng như biện pháp điều trị các chứng bệnh tâm lý sinh ra do sợ hãi.

Phải có lý do gì – ngoài thiếu luật về hội – thì nước ta mới không lập ra hiệp hội ấy chứ?

Tôi học làm thợ

Chính xác là sau lễ khai giảng tôi thất kinh nhận ra đa số các bạn cùng lớp đã học nghề công nhân xây dựng ba năm trước khi có ý định muốn trở thành kiến trúc sư. Họ đã tự tay trát vữa, lắp cửa, ốp gạch men… trong khi tôi chỉ sơ sơ biết biết cục gạch hình gì.

Sau này tốt nghiệp và được cử ra chỉ huy công trường, tôi phải lạy lục các công nhân dưới quyền để họ chỉ cho tôi từng động tác. Người Đức không được giáo dục theo tinh thần Khổng Tử nên họ không có chí làm quan, chỉ ao ước thạo được một nghề tử tế để kiếm sống.

Khỏi phải nói tôi hãnh diện ra sao khi khuân về tám mét vuông gạch men và lần đầu tiên tự ốp tường nhà tắm.

Ở Hà Nội có bận tôi được làm quen với một nghệ nhân làm trống, nghe nói ông đến từ làng nghề cuối cùng ở miền Bắc biết sản xuất tang trống.

So với cái thùng gỗ đựng rượu vang có hình dáng tương tự thì cái tang trống chỉ là trò vặt, vì gỗ sồi rất khó gia công, làm thùng cho kín và có tuổi thọ hàng chục năm là một nghệ thuật cao cường.

Lễ hội bia tháng mười năm nay ở Munich cũng sẽ dùng chủ yếu thùng bia 20 lít bằng gỗ, gia công mỗi thùng có giá 700 euro!

Tôi thích nông thôn

Nghề nông ở Đức đi tới tuyệt chủng, chỉ còn tồn tại vì nước Đức bao cấp kinh khủng để duy trì văn hóa nông nghiệp, giống như họ bỏ tiền nuôi các mỏ than mặc dù chẳng còn nhà máy điện nào dùng than.

Tôi sinh ra yêu nông thôn từ mấy năm nay, cho dù nghề nông vất vả. Đừng ai tưởng nông dân Đức nhàn nhã vì họ có nhiều máy móc.

Dĩ nhiên họ không đến nỗi bán mặt cho đất bán lưng cho trời như nông dân ta, nhưng nghề nông ở đâu cũng đầu tắt mặt tối. Trung bình một người lao động Đức làm việc 1.408 giờ/năm, trong khi nông dân làm tới 1.778 giờ/năm.

Nhưng bù lại tôi toàn gặp những nông dân vui vẻ và vô ưu, họ như một giống người từ hành tinh khác, lúc nào cũng cười nói rổn rảng và sống chan hòa tình làng nghĩa xóm, trong khi người thành phố lúc nào cũng đăm chiêu tra giờ tàu xe và mặt cắm vào iPhone, hoặc ngồi hít khói trong đống xe cộ tắc nghẽn.

Bao nhiêu phần trăm lực lượng lao động ở ta làm nghề nông? Tôi chưa tìm hiểu, áng chừng 60%. Ở Đức là 1,6%. Tức là 16 người làm nông nghiệp để đủ lương thực thực phẩm nuôi sống 1.000 người. Vinh dự lắm chứ.

LÊ QUANG- Theo Tuổi Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC