Trong công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế sau Thế chiến thứ II của đất nước “cỗ xe tăng” có sự đóng góp rất quan trọng của nền giáo dục đậm chất Nhân bản - Trải nghiệm - Thực tế.
Giáo dục Đức “lấy người học làm trung tâm” nhằm cân bằng và phát triển được ba yếu tố cần thiết để trẻ bước vào xã hội sau này là:
- Tính cách cá nhân (tính cách, thái độ, các mối quan hệ, nhân cách);
- Tính chuyên nghiệp (tri thức, khả năng tư duy)
- Tính thực tiễn (cách thức vận dụng, khả năng sáng tạo).
Foto: Hamburg.de
Một nền giáo dục nhân bản
Triết lý giáo dục con người của Đức mang đậm tính nhân bản, bất chấp thế giới vẫn xem họ là những “cỗ xe tăng” lạnh lùng.
Người Đức rất quan tâm đến đào tạo, giáo dục và hình thành nhân cách cho trẻ.
Đây được xem là nơi khai sinh ra khái niệm “kindergarten” - trường mẫu giáo.
Chương trình mẫu giáo đầu tiên đã được nhà giáo dục Đức Friedrich Wilhelm August Fröbel đưa ra vào năm 1837 với mục tiêu dạy trẻ từ thuở còn thơ.
Phát triển mô hình của Fröbel, nhà giáo dục Karl Mager đưa ra triết lý giáo dục hướng đến ba mục tiêu:
- i) Giáo dục toàn diện cho trẻ, cả về trí tuệ, đạo đức và thể chất (sức khỏe và kỹ năng);
- ii) Tạo môi trường phát triển lành mạnh (thể chất lẫn tinh thần);
- iii) Đào tạo những con người có trách nhiệm, đóng góp cho xã hội.
Giáo dục mầm non, bậc tiểu học được nhà trường và phụ huynh kết hợp chặt chẽ với nhau.
Đầu tiên, trẻ được dạy cách yêu thương những con vật nuôi ở nhà và trên lớp học. Cách chăm sóc, bảo vệ những con vật nhỏ sẽ hình thành cho trẻ lòng bác ái.
Tất nhiên sau đó câu chuyện yêu động vật sẽ được phát triển thành yêu thương bạn bè, người thân và thậm chí là những người xa lạ.
Thầy cô thường dạy bảo học trò của họ rằng “Ngưỡng mộ kẻ mạnh là sự thường tình của con người, đứng về cùng phía với kẻ yếu mới thể hiện tâm hồn đẹp đẽ”.
Điều này không khó thấy khi ở bậc tiểu học, trung học, các em được dạy cách giúp người già, tàn tật, thiệt thòi.
Vào đại học không phải là con đường duy nhất để tuổi trẻ Đức tỏa sáng. (Ảnh minh họa: Businessweek)
Trong lớp học, các em học sinh đều bình đẳng về quan hệ, không có trưởng lớp theo kiểu quan hệ “quan - lính”.
Thay vào đó, lớp học có “phát ngôn viên” - người giúp bạn học chuyển thông điệp bạn cần đến thầy cô và ngược lại. “Phát ngôn viên” còn đưa ra các giải pháp, phong trào nhằm cải thiện tình hình học tập, giúp các bạn học lực yếu, phát huy các tài năng văn nghệ, thể thao trong lớp…
Các hành vi bạo lực, mách lẻo, chỉ điểm… trong lớp được thầy cô giám sát rất quyết liệt nhằm dạy cho trẻ cách thương thảo, học gọi trọng tài khi có bất kỳ sự động chạm hay xung đột nào giữa các học sinh trong lớp.
Trường học còn dạy cho trẻ biết rằng gia đình là nền tảng. Đức không dung nạp “văn hóa” đi học cả ngày.
Các ngôi trường ở Đức hầu hết đều kết thúc giờ học vào buổi trưa.
Trẻ em được dành nhiều thời gian hơn với gia đình của mình để có thể rèn luyện những bài học đầu đời mà các em học trên lớp.
Giáo dục thực nghiệm
Tổ chức Children’s Workforce Development Council phân tích triết lý giáo dục của Đức đậm chất thực tế, nhìn nhận trẻ em đơn giản chỉ là trẻ em chứ không phải là những công-dân-sắp-lớn.
Cần phải tạo điều kiện để trẻ tự khám phá các tiềm năng độc đáo và phong phú của bản thân.
“Learning by doing” (học bằng thực hành) được xem là một trong những phương châm quan trọng của nền giáo dục Đức.
Ông Ottmar Hartwig, một trong những người sáng lập và giảng dạy mô hình sinh thái di động tại Đức, cho biết: “Nếu thầy cô hiểu trẻ, cần biết rằng trẻ con không thể tập trung lắng nghe những kiến thức sách vở trong vòng nhiều giờ liên tục”.
Người Đức biết rằng trói buộc những đứa trẻ trong lớp học thiếu tính trải nghiệm sẽ dẫn đến những sản phẩm bị lỗi thời về mặt nội dung.
Thầy cô đứng lớp còn quan niệm phải mất cả năm trời, thậm chí là vài năm người ta mới có thể xuất bản một quyển sách hạn hữu trong khi thế giới to lớn, vĩ đại đang vận động hàng giây.
Thế nên kiến thức sách vở, phần lớn đã lỗi thời trước khi được trưng bày trên kệ sách.
Vậy nên như ông Ottmar Hartwig nhấn mạnh:
“Nếu bạn muốn học bơi, bạn phải đến hồ bơi và xuống nước. Nếu muốn trở thành người chơi đàn, bạn phải cầm lấy nhạc cụ và tập. Học về môi trường, sinh thái cũng đòi hỏi những trải nghiệm thực sự ngoài cuộc sống chứ không chỉ nhìn qua sách vở”.
Các trường học tại Đức rất ưu tiên các hoạt động xã hội.
Thậm chí ở các môn xã hội, ví dụ như địa lý, lịch sử, môi trường… trẻ được đến tận hiện trường để học.
Ví dụ khi học về Thế chiến - có dấu ấn rất đậm của Đức - các em được đến thăm nơi Hitler đã cất giấu hàng vạn bức tranh quý của các bảo tàng chúng cướp được trong chiến tranh.
Hay ở môn sinh thái học, trẻ có dịp đến khám phá các khu rừng, con sông hay ngọn núi để tận mắt, tận tay khảo sát, so sánh giữa bài học trong sách và ngoài thực tế. Trẻ còn được khuyến khích đặt các câu hỏi ngoài sách trong các chuyến đi để cả lớp cùng thảo luận.
Ngoài giờ học trên lớp, trẻ ở nhà cũng được cha mẹ dạy rất kỹ về giá trị của sự trải nghiệm.
Những công việc thường nhật, từ dọn cơm, rửa chén, giặt đồ, làm bánh… luôn được cha mẹ chia sẻ với trẻ.
Cha mẹ cho phép trẻ tự bỏ quần áo của mình vào máy giặt; tự xúc cơm ăn dù rơi vãi lung tung; phụ mẹ nhào bột làm bánh; hay giúp cha cho mấy con thú cưng ăn…
Người lớn dường như không bao giờ từ chối thẳng thừng những công việc trẻ muốn được tham gia vào, cố gắng để trẻ thể hiện vai trò dù chỉ là rất nhỏ.
Học để trở thành người làm việc chuyên nghiệp
GS Harold L. Sirkin, Trường ĐH Northwestern (Mỹ), nói trên tờ Business Week rằng giáo dục của Mỹ và nhiều nước trên thế giới thường chú trọng vào hai mục tiêu lớn:
Học hết trung học phổ thông và sau đó đậu vào trường đại học. Nhiều chuyên gia giáo dục đặt vấn đề “nếu trẻ không học đại học, liệu sẽ ra sao?”, đáp án chung vẫn là “đi làm”.
Số liệu năm 2013 của viện này cho thấy hơn một nửa số học sinh Đức chọn con đường học nghề thay vì bước chân vào ngưỡng cửa đại học.
Người Đức nhìn nhận chuyện giáo dục một cách thực tế và cụ thể hơn: Học tập là để có một công việc phù hợp.
Thế nên trong khi một số nước xem những đứa trẻ không vào đại học là những nhân tố tầm thường của xã hội, không có cơ hội phát triển thì người Đức lại kỳ vọng rằng bộ phận học sinh này sẽ tỏa sáng khi được ghép với một công việc phù hợp.
Đức đã xây dựng một chương trình giáo dục và đào tạo nghề nghiệp toàn quốc, được quản lý bởi Viện Giáo dục và Đào tạo nghề nghiệp liên bang.
Đây là một chương trình phối hợp giữa chính phủ và giới doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề để đào tạo nguồn lực cần thiết cho xã hội.
Chương trình giáo dục kép này truyền đạt kiến thức cả trên lớp học lẫn thông qua thực hành.
Một cách cụ thể, người học sẽ đến các trường dạy nghề từ hai đến ba ngày một tuần. Ở đó, các lý thuyết và thực tiễn về ngành nghề sẽ được truyền dạy.
Ngoài ra, các trường cũng buộc phải dạy các môn về kinh tế và xã hội, đào tạo ngoại ngữ và các kiến thức cơ bản khác.
Tuy nhiên, người học còn buộc phải hoàn thành chương trình học việc trong ngành nghề mà họ đã lựa chọn.
Các công ty nhận học việc cũng buộc phải trả cho những học viên này khoản thù lao bằng 1/3 mức lương trung bình của một người lành nghề.
Vào năm 1997, tổng thống Đức đã phải báo động rằng nước Đức đang lâm vào tình trạng “kinh tế mất tính năng động, hôn mê xã hội và ức chế tâm lý ngoài sức tưởng tượng”. Ngay lập tức các nhà cải cách bắt tay vào công cuộc đổi mới nền giáo dục quốc gia.
Theo mô hình này, các hiệp hội nghề và các công ty sẽ tổ chức các khóa học, cung cấp chương trình học việc.
Chính quyền bang và liên bang sẽ hỗ trợ địa điểm giảng dạy, cung cấp lý thuyết thông qua hệ thống các trường nghề và đại học.
Trong khi đó, hệ thống thi cử và kiểm tra sẽ được tổ chức bởi các phòng thương mại và công nghiệp.
Bằng cách này, các doanh nghiệp sẽ có được nhân viên lành nghề, còn những người trẻ sẽ sớm tìm thấy được các cơ hội việc làm.
Nguồn: Trung Nhân - Đại Thắng
Pháp luật TPHCM