Herta Müller: Viết để chống lại sự lãng quênTrong cuộc đua giành giải Nobel Văn học, ít người nghĩ đến cái tên Herta Müller. Vả lại nhà văn gần như vô danh này có vẻ như khó bề cạnh tranh với những người khổng lồ như Philip Roth, Thomas Pynchon hay Amos Oz.

Thứ 5 ngày 8 tháng 10, tại Stockholm, giải Nobel Văn học đã được trao cho tiểu thuyết gia người Đức gốc Rumani Herta Müller. Đây là nữ văn sĩ thứ mười hai nhận được giải thưởng danh giá này, sau nhà văn người Anh Doris Lessing năm 2007 và nhà văn người Áo Elfriede Jelinek, năm 2004.

Viện Hàn lâm Nobel hẳn là rất sành ngôn ngữ của đại thi hào Goethe để có thể đi đến lựa chọn đó, bởi sách của nữ tiểu thuyết gia này ít được dịch sang tiếng Anh hay tiếng Thụy Điển - chỉ khoảng 6 cuốn so với khoảng 20 tác phẩm của bà. Tại Pháp, 3 cuốn đã được dịch và in ở ba nhà xuất bản khác nhau ((Maren Sell, le Seuil et Métailié) và nhờ vào sự nhiệt tình của các dịch giả như Nicole Bary (Con người là một con chim trĩ lớn trên trần gian), NXB Maren Sell, 1991 và NXB Folio, 1997) và Claire de Oliveira (Con cáo đã là thợ săn, NXB Seuil, 1996; Triệu tập, NXB Métailié, 2001). Claire de Oliveira là người đã giới thiệu Herta Müller tại Cuộc triển lãm sách Paris vào năm 2001, nước Đức là khách mời danh dự của cuộc triển lãm này.

Herta Müller: Viết để chống lại sự lãng quên_0

Herta Müller sinh ngày 17 tháng 8 năm 1953, tại một ngôi làng nói tiếng Đức ở Nitzkydorf của Rumani, vùng Banat. Ở Nitzkydorf, không ai nói tiếng Rumani, trừ một số viên chức phụ trách việc bảo vệ trị an cho kẻ độc tài Nicolae Ceausescu (1918-1989). Herta Müller đã từng gia nhập một tổ chức chính trị tên là l’Aktionsgruppe Banat, tổ chức tập hợp các nhà văn nói tiếng Đức lên tiếng đòi quyền tự do ngôn luận. Đến cuối những năm 1960, Herta Müller vẫn chưa viết văn.
Học ở Timisoara xong, Herta Müller làm biên dịch trong một nhà máy. Sau đó, bà bị đuổi việc vì từ chối hợp tác với Securitate và không chịu cung cấp thông tin về tổ chức chính trị nói trên. Thất nghiệp, bà phải tự xoay xở kiếm sống. Trong hoàn cảnh đó, bà bắt đầu viết: “Tôi đã phải học cách sống bằng viết văn chứ không phải ngược lại. Tôi muốn sống ngang tầm với những ước mơ của mình, thế thôi”.
Cuốn sách đầu tiên của bà, cuốn Niederungen (Miền thấp), đã được xuất bản năm 1982 nhưng bị kiểm duyệt ngay. Bản đầy đủ đã được in vào năm 1984 tại Tây Đức, nơi mà bà đến sống lưu vong vào năm 1987, cùng với người chồng của mình lúc đó là nhà văn Richard Wagner.
Việc Herta Müller sang Đức sống là một sự đoạn tuyệt, bà đã kể về điều này trong cuốn Reisende auf einem Bein (1989), nhưng đồng thời cũng là một cuộc trở về cội nguồn; chính tại đây bà đã tìm lại ngôn ngữ gốc của mình: “Kể từ đây,  liên hệ đã trở thành ràng buộc”. Nếu như chưa khi nào bà thực sự nói tiếng Rumani, dưới chế độ độc tài của Ceausescu, một trường học gieo rắc sợ hãi, cuộc sống tại Rumani đã nuôi dưỡng các tác phẩm của bà - tính thẩm mỹ của sự phản kháng, văn chương chống lại lãng quên. Ceausescu đã chết hai mươi năm rồi mà đất nước vẫn chưa bao giờ tự phê bình. “Ở Rumani, người ta cho quá khứ đã bị chôn vùi. Cả đất nước bị mắc chứng quên”, Herta Müller viết.

Các tác phẩm của bà xoay quanh chủ đề tố cáo sự áp bức mà con người phải chịu đựng thường nhật; điều này là lí do khiến Ủy ban Nobel quyết định trao giải cho bà. Ủy ban này nhấn mạnh khả năng của nữ văn sĩ trong việc tạo ra “hình ảnh của cuộc sống thường nhật trong một chế độ độc tài hà khắc” và vẽ nên “bức tranh những kẻ bị phế truất”. Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà là Atemschaukel, xuất bản năm 2009 (và sẽ được NXB Gallimard ấn hành vào năm 2010 dưới tiêu đề La Balançoire du souffle - Sự bấp bênh của hơi thở). Cuốn tiểu thuyết này mở rộng chủ đề tố cáo sự áp bức qua việc kể lại cuộc sống của một tù nhân trong một trại tập trung.
Lập trường chính trị của Herta Müller được thể hiện bằng một ngôn ngữ sắc bén, cô đọng. Văn của bà đậm đặc chất thơ và ngôn ngữ dân gian: “Thật là ngớ ngẩn khi cho rằng mỗi tác giả có ngôn ngữ riêng của mình, Herta Müller nhận xét. Tất cả chúng ta đều phải nhờ vào ngôn ngữ của những người không viết.” Một sự sáng suốt đáng giá giải Nobel. 

Theo Le Monde.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC