Hitler trở thành người Đức như thế nào ?Nói tới Adolf Hitler, người ta nghĩ ngay tới tên trùm phát xít Đức, nhưng có lẽ ít người biết rằng y đã phải mất 7 năm trời ròng rã và cuối cùng phải sử dụng những phương pháp bắt bí bẩn thỉu mới được nhập quốc tịch Đức.

Hitler trở thành người Đức như thế nào ?_0
Những đệ tử trung thành của Hitler tụ tập ở München để tiến hành cuộc đảo chính bất thành ngày 8 và 9/11/1923.

Tối 22/2/1932, Joseph Goebbels, trùm tuyên truyền của Hitler đã lớn tiếng tuyên bố rằng Hitler sẽ ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 13/3 và sẽ giành thắng lợi. Tuy nhiên, Goebbels đã cố tình không nói ra một điều là thực ra Hitler không có quyền ứng cử, vì theo Hiến pháp của nước Cộng hòa Weimar, chỉ công dân Đức mới có quyền ra ứng cử. Trong khi đó, Hitler là người vô quốc tịch, sau khi y từ bỏ quốc tịch Áo năm 1925. Từ đó, Hitler đã 6 lần tìm cách có được hộ chiếu Đức. Nhưng lần nào y cũng bị từ chối, lần gần nhất là khoảng 3 tuần trước tuyên bố của Goebbels.

Cho tới khi đó, báo chí cũng đã phong phanh nghe được về những nỗ lực tuyệt vọng của Hitler muốn trở thành người Đức và đem chuyện đó ra chế giễu. Ban lãnh đạo đảng Quốc xã NSDAP tưởng chừng không còn giữ được bình tĩnh nữa. Báo chí chế giễu là một chuyện, nhưng nghiêm trọng hơn, quy định đó có thể là dấu chấm hết cho tham vọng chính trị của Hitler. Vì vậy, tuyên bố của Goebbels là một tín hiệu rõ ràng là họ sẽ quyết liệt theo đuổi mục tiêu đó và có thể làm chủ được tình hình.

Tháng 7/1925, Hitler bắt đầu tìm cách trở thành công dân Đức. Y nộp đơn theo cách thông thường, xin trở thành công dân Đức ở bang Thueringen. Trong thời kỳ nước Cộng hòa Weimar thì việc cho nhập quốc tịch là vấn đề của bang. Như vậy, người ta không phải nộp đơn xin trở thành công dân của toàn nước Đức, mà là công dân của một bang trong nhà nước liên bang. Nhưng bang Thueringen đã bác bỏ đơn xin nhập quốc tịch của Hitler, vì bang này đã bày tỏ ý kiến phản đối việc cho Hitler, một kẻ phản bội tổ quốc nhập quốc tịch. Theo luật pháp, mỗi bang đều có quyền phủ quyết trong vấn đề nhập quốc tịch. Tại Berlin, người ta vẫn chưa quên cuộc đảo chính bất thành của Hitler tháng 11/1923.

Bốn năm sau, Hitler lại thử một lần nữa với việc cử một tên tay chân đi trước, lần này ở Bavaria. Có lẽ y hy vọng rằng hồi ức về cuộc đảo chính đã dần dần phai nhạt đi. Wilhelm Frick, thủ lĩnh đảng đoàn NSDAP trong Quốc hội nhận được nhiệm vụ thăm dò Bộ trưởng Nội vụ Bavaria Karl Stuetzel xem khả năng được nhập tịch hiện giờ ra sao. Stuetzel thảo luận với Thủ hiến bang Heinrich Held và ông ta cho thấy rõ điều đó là vô vọng. Phổ sẽ luôn ngăn cản việc cho Hitler nhập quốc tịch.

Như vậy, theo con đường trực tiếp thì không thể mang lại quốc tịch Đức cho Hitler. Tại trụ sở trung ương đảng NSDAP ở Munich, người ta bàn mưu tính kế, tìm cách thức và con đường khác để đạt được ý đồ này và cuối cùng, chúng đã tìm được trong Luật quốc tịch. Theo điều 14 dòng 1, việc thu nhận một người vào làm công chức được coi là cho nhập quốc tịch. Như vậy, họ phải tìm cách bổ nhiệm Hitler vào một vị trí công chức, tốt nhất là một chức vụ trên giấy mà y không phải làm việc.

Chức giáo sư không thành

Khi đó, tại Thueringen, một chính phủ liên hiệp với sự tham gia của NSDAP vừa lên nắm quyền. Frick trở thành Bộ trưởng Nội vụ và nhận được nhiệm vụ là kín đáo kiếm cho Hitler một vị trí là công chức ở Thueringen. Y đã sử dụng mọi mối quan hệ có được với ý định bổ nhiệm Hitler làm Giáo sư ở trường Đại học Nghệ thuật Weimar. Nhưng đối tác trong liên minh cầm quyền không chịu. Bộ trưởng Tài chính Erwin Baum lảng tránh và viện dẫn việc mới quyết định ngừng tuyển thêm công chức. Ngày 15/4, Chính quyền bang thẳng thừng tuyên bố là, không có ý định "tạo điều kiện cho Hitler có được quốc tịch Thueringen với việc bổ nhiệm y làm công chức tại Thueringen".

Nhưng Frick không chịu từ bỏ ý định. Chưa đầy ba tháng sau, lợi dụng lúc Baum đi nghỉ hè, Frick tự mình quyết định bổ nhiệm Hitler làm thanh tra hiến binh của một đồn cảnh sát có 10 người ở một địa phương nhỏ của Thueringen là Hildburghausen và buộc mọi người dưới quyền phải im lặng. Nhưng Hitler không thích thú lắm với quyết định của Frick, có lẽ vì cho rằng chức vụ nhỏ nhoi ở một tỉnh lẻ đó không xứng đáng với mình nên đã xé đi quyết định bổ nhiệm. Rốt cuộc, Hitler vẫn là người không quốc tịch.

Mãi tới đầu năm 1932, chủ đề này mới lại được đưa vào chương trình nghị sự của NSDAP. Sau khi gặt hái được thành công trong bầu cử hai năm qua, Hitler bắt đầu nghiêm túc nghĩ tới việc ra ứng cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 13/3/1932. Thời gian còn rất gấp. Hitler phải nhanh chóng trở thành người Đức. Sân khấu cho màn kịch lần này được chuyển từ bang Thueringen sang bang Braunschweig, nơi NSDAP cũng tham gia liên minh cầm quyền. Ngày 2/2/1932, Dietrich Klagges, thành viên NSDAP ngay từ giờ phút đầu tiên, nay là Bộ trưởng Nội vụ bang Braunschweig nhận được nhiệm vụ phải nhanh chóng và kín đáo kiếm cho Hitler một chức vụ công chức.

Cả Klagges cũng dự định bổ nhiệm Hitler làm Giáo sư Chính trị và Xã hội ở trường Đại học Braunschweig. Mặc dù kế hoạch này được giữ rất kín đáo, nhưng đã bị phơi bày khi tranh luận về ngân sách trong nghị viện bang Braunschweig. Thủ lĩnh phe đối lập thuộc SPD Heinrich Jaspers lên tiếng chất vấn về tin đồn dành ghế giáo sư đại học cho Hitler. Qua đó, trường Đại học Braunschweig cũng biết được tin đồn về thái độ mờ ám của Klagges. Họ bác bỏ việc bổ nhiệm Hitler với lập luận đanh thép là y không có trình độ học vấn.

Đồng thời, kế hoạch của Frick trong việc tìm cách đưa Hitler trở thành công chức để vào quốc tịch đã bị phanh phui. Giới truyền thông được dịp ra sức nhạo báng, chế giễu cuộc săn đuổi quốc tịch Đức của Hitler. Người ta công khai gọi y là "Đại úy của Hildburghausen", gợi lại câu chuyện về "Đại úy của Koepenick", kẻ đã mạo nhận là sĩ quan, trong khi chỉ là một anh thợ đóng giày. Đầu tháng 2/1932, tạp chí "Germania" dự đoán rằng câu chuyện của Hitler một lúc nào đó sẽ trở thành hài kịch hay nhất trên sân khấu. Báo "Tempo" đưa lên "tít" lớn: "Từ hôm qua, cả châu Âu đã cười nhạo Adolf Hitler".

Giờ đây, Hitler đã phải chịu áp lực mạnh. Ngay trong Quốc hội người ta cũng nhạo báng y. Nhưng Hitler vẫn chưa chịu thua. Khi đó, Thủ hiến bang Braunschweig đã đề nghị bổ nhiệm Hitler làm thị trưởng lâm thời của thành phố nhỏ Stadtoldendorf, nhưng không thành công vì bị các đảng trong nghị viện bang bác bỏ.

Chính quyền Braunschweig bị bắt bí

Sau khi cả lần thứ sáu tìm cách nhập quốc tịch cho Hitler bị thất bại thảm hại, ban lãnh đạo NSDAP đã rút con át chủ bài cuối cùng với việc đe dọa các đối tác trong liên minh cầm quyền là sẽ cho liên minh cầm quyền tan vỡ, nếu họ không hợp tác trong vấn đề cho Hitler nhập quốc tịch. Trong khi đó, đối tác của chúng không sợ gì hơn là bầu cử lại, vì họ sợ rằng sẽ thất bại thảm hại. Vì vậy, họ phải nhân nhượng và đồng ý bổ nhiệm Hitler làm công chức trong phái đoàn Braunschweig tại Hội đồng đế chế. Như vậy, chưa đầy ba tuần trước ngày bầu cử, Hitler đã trở thành công chức và qua đó trở thành công dân Đức.

Bất chấp báo chí nhạo báng và chế giễu cũng như việc làm mờ ám để trở thành công dân Đức, trong cuộc bầu cử ngày 13/3/1932 có tới 11,3 triệu cử tri đã bỏ phiếu cho Hitler, tương đương 30,1% số phiếu. Mặc dù Hitler không vượt được Paul von Hindenburg với 49,6% số phiếu, nhưng đó cũng đã là một thành công bất ngờ.

Chỉ một năm sau, Hitler đã được bầu lên làm thủ tướng và một trong những việc đầu tiên mà Hitler làm là xóa bỏ điều 14 trong luật quốc tịch, điều đã khiến y trở thành công dân Đức thông qua con đường là công chức. Trong "Đệ tam Đế chế" chỉ có người Đức thực sự mới được phép trở thành công chức.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC