Cảnh sát Hannover, Đức vừa tìm lại được cây đàn vĩ cầm của Stradivarius sản xuất vào năm 1721 sau một năm trời lưu lạc.
Cây đàn vô giá của nhạc trưởng Roderic von Bennigsen bị đánh cắp vào ngày 17/10/2008 từ lâu đài Bennigsen. Tên trộm đã dùng đèn hàn xì để mở két sắt và đánh tháo cây đàn Stradivarius gần 300 tuổi. Ngoài ra, chúng còn lấy đi chiếc vĩ cầm có giá 40.000 euro và những đồ vật có giá trị khác. Cây đàn 300 tuổi có giá là 3 triệu euro cộng với tiền bảo hiểm cho nó là 1,5 triệu euro.
Cây đàn đã trải qua một năm trời lưu lạc cùng hai tên trộm. Ban đầu, bọn trộm định sẽ rao bán chiếc đàn vô giá này qua mạng. Nhưng chúng nhận thấy đây là biện pháp không có tính khả thi vì nó quá nổi tiếng, cảnh sát sẽ lập tức phát hiện ra và truy tìm chúng đến cùng.
Bọn trộm cũng không thể “tuồn” chiếc đàn cho những người sưu tập đồ cổ vì số lượng cây vĩ cầm Stradivarius không nhiều, danh sách người sở hữu những cây đàn độc này cả thế giới đều rõ. Vậy là cây đàn đồng hành cùng với những tên trộm trên mọi nẻo đường. Mãi đến ngày hôm qua, cảnh sát Đức mới phát hiện ra cây đàn quý nằm trong cốp xe của hai tên trộm.
Bọn trộm đánh cắp cây đàn từ lâu đài Bennigsen. |
Ông Roderic von Bennigsen rất vui mừng vì đã tìm lại được cây violon của mình. Ông cho biết, vợ ông, bà Jeanne Christee, là người chơi cây đàn này. Ông và vợ thường tổ chức festival nhạc cổ điển vào mùa hè hàng năm tại dinh thự của mình.
Chiếc đàn Stradivarius là “con đẻ” của nghệ nhân lừng danh người Áo Antonio Stradivari. Các nhạc cụ do ông làm được xem là những báu vật của các nghệ sĩ biểu diễn và dàn nhạc.
Cây đàn 300 tuổi đã trở về với chủ nhân.
Trên thế giới còn khá nhiều những nghệ nhân làm đàn tên tuổi khác, nhưng những cây đàn của Stradivari luôn đứng ở vị trí số một bởi âm thanh tuyệt đỉnh. Trong hàng trăm năm qua, các nhà khoa họa và nghiên cứu cố công tìm hiểu bí mật ẩn chứa sau cây đàn Stradivarius.
Theo truyền thuyết, vào một đêm trăng tròn, Stradivari từ Cremona lên núi Alpes để chọn cây vân sam làm thùng đàn. Ông áp tai vào cây, dùng búa gõ để nghe tiếng ngân, nếu hài lòng thì ông chặt cây ấy. Có lẽ ông đã “trúng vụ” trong mùa đông khắc nghiệt kéo dài trong thế kỷ 17: cây mọc chậm hơn bình thường, thớ gỗ mịn hơn và chắc hơn, truyền sóng âm tốt hơn gỗ mọc trong thời tiết ấm áp.
Còn các nhà nghiên cứu của ĐH Cambridge lại cho rằng chính lớp verni đỏ mới tạo nên bí quyết âm thanh réo rắt của cây đàn. Năm 1988, một nhóm nghiên cứu phân tích mẫu verni từ một cây cello sản xuất năm 1711, phát hiện một lớp verni cực mỏng có thành phần hóa học giống một loại tro núi lửa dùng để sản xuất xi măng ở Bắc Italy. Có lẽ Stradivari đã trộn tro này với lòng trắng trứng gà và nước để tạo nên thùng đàn có âm thanh huyền diệu.
Nhưng có lẽ nhà hóa học Joseph Nagyvary của ĐH Texas giải thích được rõ hơn về bí mật của cây đàn. Giả thiết của ông là do độ ẩm cao ở Cremona, Stradivari sử dụng nhiều biện pháp bảo dưỡng để gỗ cây vân sam không bị thối mục. Qua kính hiển vi, ông phát hiện dấu vết của một loại nấm thường mọc ở các dòng sông mà các súc gỗ vân sam đã được thả bè từ núi Alpes về Cremona.
Loại nấm này mọc nhanh đến độ thay thế các tế bào của súc gỗ khiến cây đàn có âm thanh phong phú và dễ phân biệt. Ông Nagyvary bắt chước quy trình này trên những súc gỗ ở Canada và Nepal và các chuyên gia nghe âm thanh từ những cây đàn violon này đều ngỡ chúng là đàn Strad “xịn”!
Hiện có khoảng 600 cây violon, 60 cây cello và 12 cây viola antô có chữ S (viết tắt của Stradivari).
Thu Trang - Tintucvietduc.de
Tổng hợp.