Mannheim không phải là một thành phố để du khách nườm nượp kéo đến, cũng không có những thắng cảnh khiến ta trầm trồ, Mannheim đơn giản chỉ là một thành phố trung bình. Nhưng khi sống lâu ở đây, tôi chắc chắn bạn sẽ có những cảm nhận như tôi.
Với dân số khoảng 300.000 người, Mannheim là thành phố lớn thứ hai của bangBaden-WürttembergsauStuttgart, nằm ở phía Tây Cộng hòa Liên bang Đức.
Ngày nay Mannheim là trung tâm văn hóa và kinh tế của vùng đô thị châu Âu Tam giác Rhein Neckar – một khu vực tập trung 2,35 triệu dân cư bao gồm nhiều phần phía nam của bangHessenvà một phần của vùng Vorderpfalztrong bangBaden-Württemberg.
Các thành phố lớn cạnh đó làFrankfurt am Main, khoảng 70km về hướng Bắc vàStuttgart, khoảng 95km về phía Đông Nam.
Ngôi làng Mannenheim được đề cập lần đầu năm 766 trong cuốn sách Codex Laureshamensis. Năm 1607, Mannheim được phong “thành phố” sau khi Tuyển hầu Friedrich IV xứ Pfalz bắt đầu công cuộc xây dựng pháo đài Friedrichsburg (1606).
Sau cuộc “chiến tranh 30 năm (1618-1648) Mannheim bị tàn phá nặng nề. Tuyển hầu Karl Ludwig xứ Pfalz đã quyết định xây dựng lại thành phố này, do ông nhận ra vị trí quan trọng trong giao thương của nó (1649).
Nhưng Mannheim chỉ thực sự trở thành trung tâm của Kurpfalz vào năm 1720, khi Tuyển hầu Kark Philipp quyết định rời cung điện từ Heidelberg đến đây, và bắt đầu công cuộc xây dựng lâu đài Mannheim.
Mannheim bắt đầu thời kỳ huy hoàng nhưng ngắn ngủi của nó, một thành phố của nghệ thuật và âm nhạc, của khoa học và giao thương. Rất nhiều người nổi tiếng đã đến đây, trong đó có Goethe, Schiller, Lessing và Mozart.
Cấu trúc của nội thành Mannheim rất đặc biệt, có thể nói là độc nhất vô nhị, có từ thời Tuyển hầu Friedrich IV (thế kỷ 17).
Nếu lấy lâu đài Mannheim làm điểm bắt đầu của vòng tròn trung tâm thành phố, thì trong vòng tròn ấy, các khu nhà được chia theo ô và đánh dấu bằng các chữ cái.
Những danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở Mannheim
Tuy không phải là một thành phố đẹp nhưng Mannheim vẫn có một số công trình mà khi đến đây, bạn không nên bỏ qua. Đầu tiên là tháp nước (Wasserturm) – biểu tượng của Mannheim, nằm ở quảng trường Friedrichsplatz.
Foto: wordpress
Tháp cao 60m, được xây dựng năm 1889 theo phong cách Barock mới, và đặc biệt được thiết kế bởi kiến trúc sư – hoạ sĩ Gustav Halmhuber đến từ Stuttgart, khi ông mới 23 tuổi.
Ông đã vượt qua 73 kiến trúc sư khác để giành giải nhất cuộc thi thiết kế tháp nước cho thành phố, với ý niệm “ars longa, vita brevis” (Đời sống ngắn, nghệ thuật thì dài). Điều này được chứng minh bằng việc cho đến năm 2000, tháp vẫn là nguồn cung cấp nước uống cho Mannheim.
Công trình thứ 2 của Mannheim không thể không nhắc đến là lâu đài Mannheim – công trình Barock lớn nhất của Đức.
Foto: wordpress
Lâu đài được xây dựng trong 40 năm (1720-1760) bởi 2 đời Tuyển hầu xứ Pfalz là Karl Philipp và Kark Theodor theo phong cách Barock.
Bị phá huỷ hoàn toàn trong Thế chiến thứ 2, sau khi được xây lại, lâu đài được sử dụng để đặt phòng học và thư viện của đại học Mannheim.
Cũng nên biết rằng đại học Mannheim là đại học hàng đầu của Đức về kinh tế. Toà nhà chính giữa lâu đài được sử dụng làm bảo tàng, có phòng hiệp sĩ (Rittersaal) – chỉ mở cửa những dịp lễ lớn như tốt nghiệp.
Trung tâm của Mannheim là Quảng trường duyệt binh (Paradeplatz) được sử dụng làm nơi điều hành tập trận dưới thời các Tuyển hầu.
Foto: wordpress
Trung tâm quảng trường là đài phun nước “Kim tự tháp Grupello” – công trình của Gabriel de Grupello (1711). Phía Nam là một trung tâm buôn bán đã bị phá huỷ trong chiến tranh.
Người ta đã xây dựng ở vị trí đó một toà nhà khác là “Stadthaus N1″, nơi đặt Thư viện thành phố, Phòng Hội đồng của Hội đồng thành phố.
Quảng trường chợ (Marktplatz) ở gần đó cũng là một nơi đáng xem. Giữa quảng trường là công trình của Peter van den Branden, là quà tặng của Tuyển hầu Karl Theodor cho thành phố Mannheim (1767).
Hình tượng trên đó vốn biểu trưng cho 4 yếu tố Đất, Nước, Khí, Lửa đã được biến đổi thành ngụ ý về Mannheim, Giao thương, sông Rhein và sông Neckar.
Phía Nam quảng trường là một công trình kép gồm toà nhà cổ nhất còn được giữ lại ở Mannheim: toà thị chính cũ (das alte Rathaus) và nhà thờ xứ đạo St. Sebastian (die untere Pfarrkirche St. Sebestian) được xây dựng năm 1712.
Một thành phố để “sống” - Foto: wordpress
Như đã nói, Mannheim hoàn toàn không đẹp. Nó không phải là nơi người ta thăm thú thoáng qua rồi trầm trồ, bàn tán mãi. Tôi yêu Mannheim, chỉ đơn giản là vì nó thuận lợi cho cuộc sống, hay nói cách khác, một thành phố để “sống”.
Mannheim không quá nhỏ để người ta cảm thấy buồn chán, cũng không quá lớn như Berlin, München, Stuttgart, Frankfurt… những nơi khiến người ta lạc lõng, cô đơn.
Foto: wordpress
Mannheim sôi động, nhiều sắc màu. Một thành phố đa sắc tộc, với 172 ngôn ngữ được nói ở đây. Một thành phố của nghệ thuật và âm nhạc. Một thành phố thuận lợi về giao thông, mua bán.
Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì ở đây, kể cả đồ ăn, vật dụng riêng có từ những đất nước xa xôi. Hệ thống tàu điện và xe buýt dày đặc, nhưng chỉ khiến thành phố lưu động và náo nhiệt hơn, chứ không ồn ã, xô bồ.
Mannheim cũng có những khoảng lặng, có chỗ cho sự lãng mạn. Đó là bờ Neckar, bờ Rhein xanh mướt khi hè về, hay quyện với sắc vàng của nắng khi sang thu.
Foto: wordpress
Tôi chắc rằng khi Cris Cosmo viết bài hát “In Mannheim weint man zweimal” (Ở Mannheim người ta khóc 2 lần) cũng có những cảm nhận như vậy: “Ở Mannheim, người ta khóc 2 lần. Khi đến và lúc phải ra đi…”
Còn rất nhiều điều thú vị ở Mannheim đang chờ các bạn khám phá đấy! Hãy đến đây và trải nghiệm cuộc sống du học sinh muôn màu muôn vẻ nhé!
Chắc chắn các bạn sẽ không hề hối tiếc với quyết định của mình đâu!
Phạm Kim