Khan hiếm mọt sách ở đất nước của Goethe và Schiller Đức nổi tiếng là quốc gia có nền văn hóa cao, nhưng điều đó không có nghĩa, mỗi người dân đều là một độc giả. Một phần tư dân số nước này không bao giờ đọc thêm một cuốn sách nào nữa, sau khi đã biết chữ.

Người yêu sách sẽ cảm thấy thoải mái như ở nhà tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt đang diễn ra ở Đức. Giữa những tòa nhà trăm năm tuổi, những quán cà phê, những cửa hàng hoa, những hiệu thời trang, khách tham quan dễ dàng tìm thấy biển hiệu Authors' Bookstore. Được một nhóm nhà văn thành lập năm 1979, cửa hàng sách này trở thành điểm đến quen thuộc trong thành phố nổi tiếng với hội chợ sách quốc tế lâu đời nhất thế giới.

"Phạm vi chọn sách của chúng tôi rất rộng lớn, nhưng chúng tôi tập trung vào những tác phẩm mà chúng tôi cho là hay. Tất nhiên, thế nào là sách hay luôn là một câu hỏi gây tranh cãi. Quan điểm của mỗi người một khác. Một cuốn sách hay vào lúc 3h sáng lại có thể hoàn toàn khác nếu đọc nó vào 3h chiều", Barbara Determann - quản lý cửa hàng - cho biết.

Nhưng sự quan tâm của một cửa hàng đến sách, sự xuất hiện của đông đảo độc giả tại cửa hàng ấy không phản ánh tình trạng đọc chung của dân Đức.

Các nhà quản lý xã hội đã cảnh báo rằng, thế hệ trẻ ngày càng đánh mất hứng thú với việc đọc. Một thống kê năm 2008 cho thấy khoảng 25% dân số trên 14 tuổi của Đức không hề đọc một cuốn sách nào trong suốt phần đời còn lại. Khoảng 36% người dân đọc ít nhất một lần mỗi tuần. Chỉ 3% được coi là mọt sách với khả năng tiêu thụ mỗi tuần một cuốn sách.

Christoph Schaefer - một chuyên gia về văn hóa đọc cho rằng - thói quen đọc sách cần được rèn luyện từ thủa nhỏ. "Trẻ em sẽ trở thành những người lớn ham đọc nếu chúng được cha mẹ đọc sách cho nghe từ thủa nhỏ. Nhưng bây giờ các bậc phụ huynh người Đức có còn đọc sách cho con nghe không? Thật không may là không. 42% các bậc cha mẹ ở Đức không hề đọc sách cho con nghe".

Thêm vào đó, ngày nay, sách không còn được coi là một món quà tặng quý giá. 45% số người được khảo sát cho biết, họ không hề nhận được quà tặng là sách khi còn ở tuổi ăn, tuổi học.

Theo DW, mỗi năm, thị trường sách Đức có thêm khoảng 90.000 đầu sách mới nhưng người dân vẫn chỉ quan tâm hơn đến những gì có sẵn trên Internet. Một thống kê khác cho thấy, 95% các cậu bé từ 12 đến 19 tuổi thích Internet và các trò chơi công nghệ cao hơn là sách. Tỷ lệ này ở các bé gái nhỏ hơn một chút. Nhưng có một điều chắc chắn, gia đình nào mà bố mẹ đọc sách nhiều thì con cũng sẽ chăm đọc hơn.

Việc chọn sách đối với độc giả ngày nay cũng đã có nhiều thay đổi. Người đọc thích bìa mềm hơn bìa cứng, thích sách mỏng hơn sách dày, thích tác phẩm phi hư cấu, tự truyện… hơn là văn học tưởng tượng. Nếu đọc văn học, thì thể loại họ yêu thích là trinh thám và các tác phẩm kinh dị rùng rợn.

Trong bối cảnh đó, sự tồn tại và phát triển của các hiệu sách trở nên khó khăn và gặp nhiều thách thức hơn. Để thu hút được độc giả, họ đặc biệt phải nâng cao chất lượng phục vụ.

Determann chia sẻ: "Chúng tôi muốn gợi ý sách cho độc giả, vì thị trường quá xô bồ, không phải ai cũng biết chọn sách. Chúng tôi phải lướt qua hàng núi sách và chọn ra những cuốn nào hay nhất, hợp thị hiếu độc giả nhất hoặc được dịch tốt nhất để cung cấp cho người đọc".

Khoảng 20% lượng sách bán ra trên thị trường Đức chủ yếu thông qua Internet. Và con số này sẽ tăng lên hàng ngày. Nhưng vẫn có những người thích đến tận cửa hàng, chọn trong số những cuốn sách đã được những quản lý như Barbara Determann lựa sẵn.

Hữu Nguyên.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC