Tung cánh hoa vào cô dâu, chú rể (Ảnh: tác giả cung cấp).
Theo số liệu thống kê quốc gia của Cộng hòa liên bang Đức vào năm 2017: tuổi bình quân khi kết hôn của nam giới là 34,5 và của nữ giới là 32.
Thanh niên khi đã ngoài 18 tuổi, đã và đang học tập ở trường dạy nghề hoặc trường đại học, họ thường thuê phòng riêng để sống.
Khi các bạn trẻ chính thức có người yêu, họ thuê căn hộ để sống chung.
Theo luật hiện hành “con trong giá thú hoặc con ngoài giá thú đều có quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau”.
Do vậy nhiều đôi chung sống hàng chục năm, thậm chí đã có 1 hoặc 2 con, họ đã thực sự nhận thấy cuộc sống gia đình rất hòa hợp, hạnh phúc, lúc đó họ mới tổ chức cưới để được chính quyền sở tại công nhận là vợ chồng.
Hình thức tổ chức lễ cưới ở Đức
Khi nam và nữ muốn xây dựng gia đình, thủ tục đầu tiên là phải làm thủ tục đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân, nơi quản lý hộ khẩu của 1 trong 2 người.
Ai muốn xin đăng ký kết hôn, phải chứng minh được là người còn độc thân, góa bụa hoặc đã ly dị.
Đăng ký kết hôn
Theo luật hôn nhân của Đức, tại phòng kết hôn của Ủy ban nhân dân dưới sự điều hành của cán bộ phòng kết hôn, sau khi trao nhẫn cưới, cô dâu và chú rể cùng ký vào “Giấy chứng nhận kết hôn” có ngày, giờ và đóng dấu xác nhận của cán bộ phòng kết hôn.
Từ thời điểm này, họ chính thức được pháp luật công nhận là vợ và chồng. Vì vậy, ngày đăng ký kết hôn là một ngày rất quan trọng trong cuộc đời của mỗi người.
Tương tự như ở Việt Nam, khi mua ô tô, chủ xe thường chọn “số đẹp” cho biển xe, thì cặp hôn nhân ở Đức muốn chọn “ngày đẹp” để đăng ký kết hôn.
Ngày đẹp được yêu chuộng nhất ở Đức rất độc đáo, mang đặc thù “toán học” và thay đổi theo từng năm.
Ví dụ:
17/07/2017; 18/08/2018; 19/09/2019; 20/02/2020; 21/01/2021; 22/02/ 2022
23/03/2023; 24/04/2024; 25/05/2025; 26/06/2026; 27/07/2027; 28/08/2028 ...
Để nhận được “ngày đẹp” tại phòng kết hôn, cặp đôi phải có kế hoạch cưới và xin lịch hẹn ở phòng kết hôn thật sớm thì mới có thể nhận được ngày đẹp như mong muốn.
Tổ chức lễ cưới trong nhà thờ
Thông thường, sau khi đã đăng ký kết hôn, người Đức theo đạo Thiên chúa hoặc đạo Tin lành sẽ tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
Lễ cưới diễn ra rất thành kính dưới sự điều hành và công nhận của mục sư.
Họ hàng đôi bên và một vài bạn bè cực thân tham dự để chúc mừng cô dâu, chú rể.
Sau đó, các bạn gái và họ hàng là phụ nữ còn độc thân đứng dàn đều để chờ cô dâu đứng ngược chiều tung bó hoa cưới.
Tục truyền rằng: phụ nữ nào bắt được bó hoa cưới này, sẽ là người cưới chồng tiếp theo đó.
Lễ cưới ở Hội trường - Phòng tiệc cưới
Khi lễ cưới trong nhà thờ kết thúc, cô dâu và chú rể phải thực hiện “vượt qua chướng ngại vật” trước cổng chính của nhà thờ.
Chướng ngại vật này rất đa dạng, tùy theo việc tổ chức của từng đôi, ví dụ: cưa cây gỗ, cắt bức tường bằng vải, nhảy qua thanh gỗ chắn đường...
Sau đó cô dâu và chú rể diễu hành bằng ô tô, xe ngựa hoặc xe đạp từ nhà thờ, đi quanh trung tâm thành phố tới phòng tiệc cưới, dưới sự chứng kiến, reo hò cổ vũ và chúc tụng của mọi người...
Khác với lễ cưới ở Việt Nam, số lượng khách được mời dự cưới ở Đức không nhiều. Tùy thuộc vào số lượng anh chị em ruột thịt của gia đình của cô dâu và chú rể, lượng khách mời thường từ 25 đến 50 người.
Ngoài họ hàng ruột thịt, khách được mời còn có một vài người bạn rất thân. Chương trình liên hoan ẩm thực cũng như văn nghệ được chuẩn bị rất chu đáo, phong phú và vui nhộn.
Thực đơn trong bữa tiệc được cô dâu chú rể chọn, đặt trước và có người phục vụ chuyên nghiệp.
Trước khi đôi tân hôn diễu hành đến phòng tiệc cưới, mọi người đã chờ sẵn trước cửa hội trường để tung cánh hoa, chúc mừng hạnh phúc.
Chương trình khiêu vũ sau bữa tiệc
Cô dâu và chú rể là đôi nhảy đầu tiên khai mạc vũ hội với điệu Walzer.
Nhiều đôi trước khi cưới phải đến trường học nhảy điệu Walzer để chuẩn bị cho buổi khai mạc vũ hội cưới.
Kết thúc điệu Walzer của đôi tân hôn, tất cả khách tham dự, già cũng như trẻ cùng khiêu vũ theo các bản nhạc êm dịu.
Những ngày cưới kỷ niệm tiếp theo ở Đức
Truyền thống rất đẹp ở Đức là: tổ chức kỷ niệm ngày cưới theo những năm quan trọng như sau:
1) Đám cưới Gỗ (còn gọi là Đám cưới hoa hồng): kỷ niệm 10 năm ngày cưới
2) Đám cưới Pha lê: Kỷ niệm 15 năm ngày cưới
3) Đám cưới Bạc: Kỷ niệm 25 năm ngày cưới
4) Đám cưới Vàng: Kỷ niệm 50 năm ngày cưới
5) Đám cưới Kim cương: Kỷ niệm 60 năm ngày cưới
Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và thời gian cho phép, nhiều cặp vợ chồng thuê khách sạn, tổ chức các bữa tiệc long trọng kỷ niệm ngày cưới, mời họ hàng ruột thịt, bạn bè thân thiết đến chia vui và cùng khiêu vũ.
“Quà cưới“ của chồng tặng vợ không phải là nhẫn cưới nữa, mà là các đồ trang sức giá trị như chuỗi đeo cổ, khuyên tai, đồng hồ...
Khách tham dự cũng có quà tặng cho “đôi tân hôn” rất hài hước và đa dạng.
“Đôi tân hôn” giới thiệu với khách con cháu của họ và cùng nhau ôn lại những kỷ niệm êm đẹp cũng như từng bước trưởng thành của hai người từ ngày cưới đến nay...
Xu hướng kết hôn hiện nay ở các nước phát triển trên thế giới
Khi đôi nam và nữ đã kết hôn và sống chung: Vợ chồng họ không những chỉ gắn bó về tình cảm, trách nhiệm, quan hệ đối xử với gia đình đôi bên mà còn gắn bó, phụ thuộc nhau 100% về kinh tế gia đình...
Sau một thời gian sống chung, một số cặp vợ chồng nhận thấy nhiều điểm không hợp nhau như: cách giáo dục và trách nhiệm với con cái, sở thích văn hóa, thể thao, cách tiêu pha trong gia đình, quan hệ với họ hàng, bè bạn...
Theo thời gian, mâu thuẫn, tranh cãi của cặp đôi mỗi ngày một tăng lên và hậu quả là một số người buồn chán và đi ngoại tình.
Kết qủa của việc “không ai chịu nhường ai” sẽ là ly hôn.
Thủ tục xin ly hôn tương đối phức tạp, tổn thất về tinh thần, phải thuê luật sư ...
Chi phí cho cuộc ly hôn tương đương như chi phí cho một lễ cưới.
Vì vậy xu hướng hiện nay trên các nước phát triến có mức sống cao: Số lượng “Cặp đôi sống chung không cần đăng ký kết hôn” ngày một tăng.
Ưu thế của xu hướng này là: Khi thực sự chung sống như một gia đình, hai người thực sự nhận thấy nhiều mâu thuẫn từ nhỏ đến lớn càng ngày càng nhiều hơn, không thể dung hòa được.
Khi đó họ quyết định chia tay nhau đơn giản hơn và nhẹ nhàng cho tinh thần rất nhiều: Không cần thủ tục xin ly hôn, không cần luật sư phân xử, không phải tranh chấp phân chia tài sản...
Nguồn: Đinh Tuyết Mai/ Giaoduc.net.vn