Trái ngược với chiến thắng của mình tại Mỹ, Motorola Mobility đã không thuyết phục được toà án Đức ra lệnh cấm bán Xbox của Microsoft.
Motorola Mobility từng ký một bản cam kết rằng nếu thua kiện Microsoft, hãng này sẽ chi trả cho mọi tổn thất có thể xảy ra đối với đối thủ. Trong khi đó, về phía "gã khổng lồ phần mềm", để tránh bị cấm bán Xbox tại Đức, ngoài cách cố gắng giành chiến thắng Microsoft còn thoả thuận để Motorola cấp bằng sáng chế cho mình với một khoản tiền nhất định.
Theo Bloomberg, Microsoft cáo buộc hệ điều hành Android sử dụng công nghệ của mình và yêu cầu đối thủ phải trả tiền cấp phép. Về phía Motorola, hãng này lại cho rằng máy chơi game Xbox của "gã khổng lồ phần mềm" sử dụng công nghệ nén video và Wi-Fi của hãng và cũng đưa ra yêu cầu tương tự với đối thủ.
Hiện tại, Motorola và Microsoft tranh chấp với nhau về bằng sáng chế dùng trên Xbox và phần mềm smartphone tại hai quốc gia là Mỹ và Đức. Hai vụ kiện này mặc dù diễn ra ở hai nơi khác nhau nhưng toà án Mỹ và Đức đều theo dõi các phán quyết của nhau bởi các bằng sáng chế được sử dụng để kiện cáo đều là tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp.
Trong vụ kiện tại Mỹ, Microsoft đã ngăn chặn thành công ý đồ của đối thủ khi thuyết phục được toà án bang Seattlle bác đơn kiện từ phía Motorola. James Robart, thẩm phán của vụ kiện này, cho biết toà án Mỹ sẽ dựa vào bản cam kết mà hai công ty này đã ký vào những ngày đầu kiện nhau để đưa ra phí cấp bằng sáng chế cho cả đôi bên. Do đó, ông cho rằng việc toà án Đức không đưa ra lệnh cấm bán là hoàn toàn hợp lý.
Một số nguồn tin cho biết Motorola từng "báo giá" cấp bằng sáng chế cho Microsoft trong email là 2,5% giá bán cuối của các sản phẩm Xbox và Windows. Con số này tương đương với khoảng 4 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, hãng phần mềm Mỹ đã phản bác lại rằng số tiền mà đối thủ đưa ra chưa đủ "công bằng, hợp lý và không phân biệt" theo như bộ luật FRAND. Do đó, Microsoft đã tiếp tục nộp đơn kháng cáo lên toà án Seattle. Theo dự kiến, phiên toà này sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới.
David Howard, đại diện của Microsoft, cho biết hãng này rất vui bởi "quyết định của thẩm phán Robart đã được toà phúc thẩm thông qua và ngăn được việc Motorola yêu cầu toà án Đức ra lệnh cấm bán cho đến khi các bằng sáng chế tiêu chuẩn được xem xét lại".
Theo VNE.