Ông hoàng Bảo Đại, sinh ngày 22/10/ 1913 (năm Quý Sữu) tại Huế, tên thật là Nguyễn Vĩnh Thụy, con của vua Khải Định.
Năm 1922, Vĩnh Thụy được sách lập Đông cung Hoàng Thái tử và được cựu khâm sứ Trung kỳ Charle đưa sang Pháp học. Năm 1925 vua Khải Định tạ thế, Hoàng thái tử Vĩnh Thuỵ được tôn kế vị, lấy niên hiệu là Bảo Đại, là vua thứ 13 của triều Nguyễn khi đúng 13 tuổi.
Tháng 09/1932, Bảo Đại hồi loan trở về nước, chính thức làm vua.
Cách mạng tháng Tám thành công, Bảo Đại thóai vị trong một buổi lễ long trọng ở Ngọ Môn (Huế). Vua Bảo Đại trong sắc phục màu vàng quyền bính vương triều đã trao quốc ấn Hoàng đế Chi bửu do vua Minh Mạnh đúc vào năm 1823 và thanh kiếm bạc nạm ngọc do vua Khải Định đúc cho đại diện Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Trần Huy Liệu. Sau nầy, đài Truyền hình Pháp có cuộc phỏng vấn cựu hoàng Bảo Đại trước khi ông tạ thế: “Bây giờ đã có thời gian, điều kiện để biết đất nước Việt Nam phát triển như thế nào dưới chính thể do ông Hồ Chí Minh khia sinh, ông nghĩ gì về việc thoái vị. Ông hoàng Bảo Đại trả lời: Tôi vẫn làm như vậy vì hồi ấy, chẳng có lưj lượng chính trị nào tốt hơn việt Minh.
Tháng 9/1945, công dân Vĩnh Thụy ra Hà Nội nhận chức Cố vấn tối cao trong Chính phủ Lâm thời theo lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 06/01/1946, Cố vấn tối cao Vĩnh Thụy được bầu làm đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 16/03/1946, Đại biểu Quốc Hội Vĩnh Thụy cùng phái đòan nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm viếng Trung hoa, nhưng ông không trở về nước.
Ngày 08/1947, tại Hồng Kông, cựu trùm mật thám Pháp ở Đông dương là Cousseau ngỏ ý với Bảo Đại muốn ông trở về Việt Nam nắm quyền để cho Pháp có cớ trở lại Việt Nam. Sau đó, ông có nhiều chuyến đi Châu Âu, gặp một số yếu nhân của Anh và Pháp để thương thảo nhiều vấn đề về Việt Nam. Cuối cùng, ngày 24/04/1949, từ Pháp, Bảo Đại trở về Việt Nam. Hai tháng sau, vào ngày 14/06/1949, Bảo Đại tuyên bố tạm cầm quyền cho đến khi tổ chức được Tổng tuyển cử và tạm giữ danh hiệu Hòang đế để có một địa vị quốc tế hợp pháp. Ngày 1/7/1949, Chính phủ Lâm thời (thân Pháp) thành lập, tấn phong Bảo Đại là Quốc trưởng.
Ngày 2/7/1949, Bảo Đại chấp chính với danh nghĩa là Quốc trưởng Việt Nam. Ngày 23/10/1955, Bảo Đại bị phế truất, Ngô Đình Diệm lên làm quốc trưởng.
Ông hoàng Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam , tạ thế vào 31/07/1997 tại Pháp, hưởng thọ 84 tuổi.
Hoàng Hậu Nam Phương , khuê danh Nguyễn Hữu Thị Lan hay là Marie Thérèse, sinh năm 1914 tại Gò Công (Tiền Giang), con của đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào và là cháu ngoại của hào phú Lê Phát Đạt, tức huyện Sỹ, một trong những người giàu có nhất miền Nam, có thể sánh ngang hàng với gia đình Bạch công tử ở Bạc Liêu. Năm 12 tuổi, Nguyễn Hữu Thị Lan, , được gia đình cho sang Pháp học tại trường Couvent des Oiseaux, một trường nữ danh tiếng thuộc loại nhà giàu ở Paris do các nữ tu điều hành. Sau khi thi đậu Tú tài vào năm 1932, cô gái miền Nam trở về nước.
Một năm sau, nhân dịp vua Bảo Đại nghỉ mát tại Đà Lạt viên Đốc Lý Đà Lạt tổ chức một buổi dạ tiệc tại khách sạn Palace để tìm cách cho hai người gặp nhau. Tối hôm đó, trong chiếc áo lụa màu thiên thanh, Nguyễn Hữu Thị Lan đã quỳ gối và cúi đầu sát mặt đất để tỏ lòng tôn kính nhà Vua. Nữ lưu tràn trề hương sắc miền Nam ấy đã nhận lời cầu hôn của vị vua trẻ tuổi và hào hoa với những điều kiện:
Bà phải được tấn phong Hoàng hậu ngay trong ngày làm lễ cưới.
Được giữ nguyên đạo Thiên chúa, các con sinh ra đều được rửa tội và được giữ đạo.
Bảo Đại được tự do giữ đạo cũ là Phật giáo.
Phải được Tòa thánh La Mã cho phép đặc biệt hai người lấy nhau và giữ hai tôn giáo khác nhau.
Đám cưới của vị thiếu quân hào hoa đã diễn ra tại Huế ngày 20-3-1934. Ngay ngày hôm đó, Nguyễn Hữu Thị Lan vận triều phục màu vàng da cam, màu sắc cao quí chỉ dành cho các hoàng đế, đầu đội mũ cửu phượng, chân đi hia mũi nhọn được tấn phong làm Hoàng hậu với danh hiệu Nam Phương. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, có một phụ nữ tự mình tiến cung như vậy.
“... Cô ta có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương. Do vậy mà tôi đã chọn từ kép Nam Phương, tức hương thơm phương Nam để đặt danh hiệu cho nàng. Các vị Tiên Đế của tôi cũng thường hướng về người đàn bà miền Nam. Nếu tôi nhớ không sai thì trước Hoàng hậu Nam Phương, có đến bảy phụ nữ miền Nam đã từng là chủ nhân của Hoàng thành Huế. Khi chọn phụ nữ miền Nam làm vợ, hình như đức Tiên Đế và tôi đều nghĩ rằng trước kia đức Thế Tổ Cao Hoàng (tức vua Gia Long) đã được nhân dân miền Nam yểm trợ trong việc khôi phục giang sơn. Chính đó là sự ràng buộc tình cảm giữa Hoàng triều Huế với người dân miền Nam" (trích lời Bảo Đại trong sách CON RỒNG VIỆT NAM).
Sự kiện Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong Hoàng hậu ngay sau khi cưới là một biệt lệ mười hai đời vua Nguyễn trước kia, các bà Thái hậu chỉ được phong tước Hoàng hậu sau khi vị hoàng đế băng hà.
Thường ngày trong cấm cung, ngoài việc chăm sóc dạy dỗ con cái, thỉnh thoảng hoàng hậu Nam Phương phải cùng các quan ở Bộ Lễ bàn thảo các lễ lạc trong cung đình, lo việc cúng giỗ các Tiên đế và đi vấn an sức khỏe các bà Tiên cung và Hoàng thái hậu Từ Cung, tức mẹ vua Bảo Đại. Tóm lại, bà rất chu toàn bổn phận làm dâu.
Ngoài việc quản trị nội cung , hoàng hậu Nam Phương còn tham gia các việc xã hội và từ thiện. Bà thường tiếp xúc với các Giáo sư, nhắc nhở họ cố gắng làm tròn thiên chức của một nhà mô phạm.
Ngày nay, không ai còn lạ lùng khi trông thấy quý vị đệ nhất phu nhân xuất hiện nơi công cộng để giúp chồng trong việc ngoại giao, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ, Hoàng hậu Nam Phương giúp vua Bảo Đại trong việc tiếp kiến các nhà ngoại giao là một điều quý hiếm. Hoàng hậu Nam Phương, một người đàn bà tài sắc, đức hạnh và mẫu mực ấy đã đem lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên Chúa ở Việt Nam với Hoàng tộc nhà Nguyễn. Thời ấy, đạo Thiên Chúa với các vị vua triều Nguyễn vốn có những căng thẳng lịch sử thì Nam Phương hoàng hậu, như một làn gió mát, đã thoa dịu sự căng thẳng lịch sử tưởng chừng như không bao giờ thay đổi.
Đau lòng trước thảm cảnh mà đồng bào miền Nam, quê hương của bà đang trực tiếp gánh chịu, cựu Hoàng hậu Nam Phương đã gởi một Thông điệp cho bạn bè ở châu Âu yêu cầu họ lên tiếng tố cáo hành động xâm lăng của thực dân Pháp với lời lẽ như sau:
"Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mãnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ... Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.
Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do...”
Hoàng hậu Nam Phương là một người tiêu biểu trong các bà mệnh phụ nhiệt tình với “Tuần lễ Vàng” do Việt Minh phát động tại đất Thần kinh. Hôm ấy, ngày 17/09/1945, bà là người đầu tiên đến bên một cái bàn trải khăn đỏ rồi từ từ cởi hết số vàng, vòng đang trang sức. Rồi bà được gắn một huy hiệu in cờ đỏ sao vàng.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), thực dân Pháp trở lại chiếm đóng Huế. Ông Vĩnh Thụy về sau không còn cơ hội làm cố vấn cho chính phủ Cách mạng nữa và đã trở lại cộng tác với Pháp (1949), bà Nam Phương buộc lòng không còn ở cùng phía với những người cầm cây súng do chính bà góp phần sắm nên. Bà cùng các con sang Pháp.
Bà Hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn đã trút hơi thở cuối cùng tại làng Chabrignac, một vùng quê thuộc miền Bắc nước Pháp
Đám tang của bà cựu Hoàng hậu Viêt Nam lưu vong được tổ chức một cách sơ sài lặng lẽ như những năm tháng cuối đời của bà.
LLP
(biên soạn theo nhiều nguồn tư liệu khác nhau)