Người đánh thức "St Matthew Passion"200 năm sau ngày nhà soạn nhạc Đức Felix Mendelssohn ra đời, các nhà phê bình nghiên cứu âm nhạc đã nhận thấy rằng số lượng tác phẩm của Mendelssohn không thua kém Mozart hoặc Bramhs nhưng một phần ba các tác phẩm của ông (khoảng 270 trong số 750 tác phẩm) là chưa được công bố hoặc chưa được biểu diễn.

Theo các nhà nghiên cứu tiểu sử, Mendelssohn đã có buổi biểu diễn đầu tiên trước công chúng vào năm 9 tuổi. Năm 1821, mới 12 tuổi, Mendelssohn đã sáng tác 12 Fugues cho tứ tấu đàn dây. Cũng vào thời điểm này, qua sự giới thiệu của người thầy, Karl. F. Zelter, Mendelssohn đã gặp Johann Wolfgang von Goethe, một trong những bộ óc vĩ đại của thi ca Đức và được lưu lại trong ngôi nhà của nhà thơ vĩ đại 72 tuổi trong 2 tuần. Goethe đã bị tài năng của cậu bé Mendelssohn mê hoặc trong lần nghe bản tứ tấu pinao cung Si thứ do Mendelssohn sáng tác. Qua những đánh giá của Goethe, châu Âu hồ hởi đón nhận Mendelssohn- một thiên tài âm nhạc mới, người được Goethe dự báo có thể thay thế được sự mất mát lớn kể từ khi Mozart qua đời vào năm 1791. Ở tuổi 16, Mendelssohn viết bản Bát tấu cung Mi giáng trưởng, và một năm sau là overture lấy cảm hứng từ “Giấc mộng đêm hè” của Shakespeare. Những tác phẩm đầu tiên báo hiệu sức sáng tạo của thiên tài âm nhạc được cả châu Âu chào đón và luôn có mặt trong danh mục biểu diễn của các dàn nhạc lớn.

Khi lật lại tiểu sử của Mendelssohn, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, cả khi ông qua đời ở tuổi 38 ông vẫn là nạn nhân của chủ nghĩa bài Do Thái. Kẻ chủ mưu được xác định là Richard Wagner, nhà soạn nhạc có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống âm nhạc Đức nửa cuối thế kỷ 19. Wagner cố gắng sáng tạo ra cụm từ “chủ nghĩa Do Thái trong âm nhạc” để ám chỉ âm nhạc của Mendelssohn quá trau chuốt, và được đăng trên báo chuyên về âm nhạc ở Leipzig vào năm 1850 (3 năm sau khi Mendelssohn qua đời).

Đảng Đức quốc xã đã cấm không cho những cái tai Đức nghe âm nhạc của Mendelssohn cũng như của các nhà soạn nhạc Do Thái khác.
Khi ban hành lệnh cấm với âm nhạc của Mendelssohn, Đức quốc xã đã làm ngơ trước một sự thật, chính Mendelssohn chứ không phải ai khác đã làm sống lại Bach, một niềm tự hào của âm nhạc Đức, thông qua việc phát hiện và dàn dựng oratorio “St Matthew Passion”. Những người tôn sùng Bach có thể không bao giờ quên được ngày 11-3-1829, khi Felix Mendelssohn với những nỗ lực của mình, đã đưa tác phẩm này ra mắt công chúng, đồng thời đánh thức một huyền thoại âm nhạc.

Người đánh thức
Ngay cả khi lệnh cấm của Đức quốc xã ban hành vào năm 1936, thì những bức thư và các tác phẩm âm nhạc chưa được công bố của ông được ký gửi bí mật ở Prussian State Library tại Berlin. Người quản lý thư viện coi đó là một phần quan trọng của di sản âm nhạc Đức nên quyết định gửi chúng tới Ba Lan. Đây là điều may mắn với Mendelssohn bởi Đức quốc xã đã đốt khoảng 20.000 cuốn sách, phần lớn được lấy từ thư viện, bao gồm các tác phẩm của Thomas Mann, Erich Maria Remarque, Heinrich Heine, Karl Marx và nhiều nhà văn, nhà tư tưởng khác. Và khi Đức quốc xã tấn công Ba Lan, tác phẩm của Mendelssohn đã được vội vã đưa đi phân tán khắp thế giới.

Người đánh thức

Anne-Sophie Mutter- một trong những nghệ sĩ
biểu diễn thành công bản "Violon concerto giọng Mi thứ"
của Felix Mendelssohn-  "Viên ngọc của
trái tim" trong kho tàng âm nhạc Đức

Felix Mendelssohn sinh tại Hamburg, Đức vào ngày 3-2-1809, con trai của Leah Salomon và Abraham Mendelssohn, một chủ nhà băng giàu có và là cháu của một giáo sỹ  Do Thái và nhà triết học Moses Mendelssohn. Mendelssohn được hưởng một nền giáo dục hoàn hảo, điều đó để lại rất nhiều dấu ấn trong cuộc đời nhà soạn nhạc Lãng mạn này. Với sự hậu thuẫn của gia đình, Felix Mendelssohn và cô chị gái Fanny, được học nhạc từ nhỏ, và bộc lộ những năng khiếu khác thường về âm nhạc.

Gia đình Mendelssohn đưa con cái của mình du lịch khắp châu Âu, trong đó chuyến đi tới Berlin đóng một vai trò lớn với Felix trẻ tuổi khi được học piano với Ludwig Berger và học sáng tác với Karl. F. Zelter. Felix có tác phẩm đầu tay vào năm 1820, sau đó sáng tác nhiều sonatas, concertos, string symphonies, piano quartets và Singspiels (một thể loại ca kịch Đức) thể hiện ngày càng tăng sự làm chủ nghệ thuật đối âm và hình thức âm nhạc.

Bên cạnh những chuyến du lịch cùng gia đình và sự viếng thăm của những vị khách nổi tiếng tới salon của cha như Humboldt, Hegel, Klingemann, A.B. Marx, Devrient, Felix sớm chịu ảnh hưởng của thi hào Đức Goethe, và các tác phẩm của Shakespeare; điều đó có thể thấy trên chặng đường sáng tác của ông, bao gồm Bát tấu dây op.20 và bản overture chói lọi “Giấc mộng đêm hè” op.21. Tài năng của Mendelssohn còn được thể hiện ở lĩnh vực chỉ huy, ông cũng đạt tới thành công với việc phát hiện và trình diễn “St. Matthew Passion” của Bach tại Berlin Singakademie vào năm 1829, mở đầu cho sự phục hưng sự nghiệp của Bach.

Sau những chuyến đi, Mendelssohn đã giới thiệu nhiều tác phẩm xuất sắc như  Hebrides, Piano Concerto cung Son thứ, Italian Symphony… Âm nhạc của Mendelssohn chịu ảnh hưởng của Bach (kỹ thuật fuga), Handel (nhịp điệu, chuỗi hoà âm), Mozart (tính chất trữ tình, hình thức âm nhạc, kết cấu) và Beethoven (kỹ thuật khí nhạc), qua đó phát triển đặc điểm phong cách của ông, có nền móng từ văn học, lịch sử nghệ thuật, địa lý và cảm xúc kết nối; đó là những tác nhân góp phần nào tạo ra phong cách Lãng mạn.

Felix Mendelssohn hết sức gắn bó với gia đình. Sau cái chết của ông Abraham Mendelssohn vào năm 1835, Mendelssohn vô cùng đau đớn bởi mất đi người cha – người bạn lớn. 7 năm sau đó, người mẹ cũng qua đời và tiếp tục tới ngày 14-5-1847, chị gái Fanny gục ngã trong khi chuẩn bị cho một buổi concert.  Felix Mendelssohn đã nói rằng đó là tiếng thét buồn thảm nhất và tin buồn nhất mà ông phải nghe. Sau những cú đòn của số phận, Mendelssohn ra đi vĩnh viễn ở tuổi 38 vào ngày 4-11-1847.

Thanh Tùng (tổng hợp).




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC