Sau khi loại bỏ Jose Sosa, Luca Toni, Alexander Baumjohan, Breno, Andreas Ottl, danh sách cầu thủ của Bayern Munich đã gọn nhẹ hẳn nhưng không đồng nghĩa với thiếu hụt.
Bayern hiện có 24 cầu thủ, vẫn đủ 2 người cho mỗi vị trí trong đội hình, có nhiều thủ môn (3) và nhiều cầu thủ trẻ.
Một đội có 3 thủ môn đã là nhiều. Khắp châu Âu, người ta thấy không ít đội có đến 4-5 thủ môn trong danh sách. Tình trạng ấy dẫn đến hệ quả tất yếu là sẽ có ít nhất 3 thủ môn chỉ “ngồi chơi xơi nước” và lĩnh lương đều đặn.
Ở Premiership, các đội như Liverpool hoặc M.U thường xuyên có hơn 50 cầu thủ. Trên 60 cầu thủ được ghi tên trong “đội Một” là điều không hiếm. Các đội trung bình cỡ Bolton đều có khoảng 40 cầu thủ thuộc “đội Một”. Nhiều năm nay, chưa thấy đội bóng nào ở Premiership, kể cả các đội nghèo nhất, có dưới 30 cầu thủ. Không phải ta thán về quỹ lương cồng kềnh trong thực trạng ấy mới là chuyện lạ. Tất nhiên, các đội có quá nhiều cầu thủ thường chọn giải pháp đẩy bớt quân số sang đội khác để giảm nhẹ phần nào quỹ lương, nhưng đấy thật sự là “hạ sách”. Chưa kể, việc đẩy bớt cầu thủ với mục tiêu trên thì khi nào cũng phải chịu thiệt. Chuyện các cầu thủ “thừa” thi đấu ở đội bóng khác trong khi đội cũ vẫn trả lương đều đặn là chuyện bình thường.
So về khả năng mua sắm ngôi sao, bóng đá Đức thua hẳn các đội bóng lớn ở TBN hoặc Anh. Nhưng nhờ cơ chế quản lý gọn nhẹ, quỹ lương không hề ám ảnh các đội bóng ở Bundesliga. Mặt khác, sự gọn nhẹ dẫn đến những con tính rất rõ ràng, giúp giới điều hành CLB tính toán rất nhanh và có thể đưa ra những quyết định chính xác trong khoảnh khắc cần quyết đoán.
Chưa ai nói Hamburg là đội nhà giàu nhưng họ luôn nắm rõ mình còn bao nhiêu tiền, có khả năng kiếm thêm bao nhiêu, phải thanh toán bao nhiêu trong một tương lai cụ thể. Họ lập tức ký bản hợp đồng 2 năm với Ze Roberto, lão tướng có thể trở thành “cục nợ” nếu chơi không thành công. Kết quả, Ze Roberto tỏa sáng sau khi gia nhập Hamburg. Cũng nhờ sổ lương gọn nhẹ và hệ thống tài chính luôn được quản lý chặt chẽ, Hamburg thấy ngay họ có khả năng chi cho van Nistelrooy mức lương mà ngôi sao này yêu cầu. Hợp đồng với van Nistelrooy được ký rất nhanh. Ngược lại, Tottenham tính mãi không ra cách nào để họ chi được mức lương tương tự cho van Nistelrooy, đành cay đắng nhìn ngôi sao Hà Lan gia nhập Hamburg.
Mùa trước, Felix Magath là HLV trưởng kiêm giám đốc kỹ thuật và tổng giám đốc ở Wolfsburg. Và ông đem về cho đội bóng nhỏ này chức vô địch mang tính lịch sử. Bây giờ, Magath là HLV Schalke. Ông vẫn kiêm nhiệm giám đốc kỹ thuật, tổng giám đốc, thậm chí giữ luôn một chân trong ban điều hành (chỉ “chừa” lại phần tài chính cho người khác đảm nhiệm). Và Schalke cũng vẫn thành công. Trong khi đó, nhìn vào hệ thống “tay chân” của Abramovich ở Chelsea, chúng ta khó có thể biết ai là “sếp” của ai. Đấy là sự phức tạp không đáng có, hơn là đặc điểm chuyên nghiệp!
Từ tin đồn đến hợp đồng
Bundesliga không lộng ngôn
Khác với các đội bóng Anh thường thích “nổ” trên các phương tiện truyền thông, người Đức tỏ ra dứt khoát hơn nhiều khi các CLB Đức lên tiếng cũng đồng nghĩa là khả năng thành công của thương vụ nào đó là 90%.
Mới đây nhất là bản hợp đồng chớp nhoáng với van Nistelrooy. Trong suốt một thời gian dài (từ tận kì chuyển nhượng mùa Hè) tiền đạo người Hà Lan được đồn đoán là mục tiêu theo đuổi của một loạt đội bóng Anh như Tottenham, West Ham… Thậm chí, chỉ cách đây vài ngày, West Ham vẫn còn bóng gió trên báo chí là CLB này đã sẵn sàng chiêu mộ cầu thủ có mức lương trên 100 nghìn bảng/tuần. Nhưng chỉ 24 giờ sau khi xuất hiện tin đồn van Nistelrooy sẽ gia nhập Hamburg, người ta đã thấy tiền đạo này có mặt ở Đức để kiểm tra y tế, cũng như chính thức hoàn tất hợp đồng. Vậy đâu là sự khác biệt?
Đấy là nhờ nền tảng tài chính vững chắc nên Hamburg có thể ngay lập tức đồng ý với khoản thu nhập lên tới 4 triệu euro/năm mà cựu tiền đạo của Real đưa ra. Điều mà Tottenham đã không thể đáp ứng sau khi đã cố gồng mình chạy đua vũ trang ở vài mùa giải gần đây. Trong khi, West Ham với sự bấp bênh từ thượng tầng (đã 2 lần đổi chủ chỉ riêng trong mùa này) rõ ràng không thể là điểm đến lý tưởng cho 1 cầu thủ muốn tìm lại sự nghiệp như van Nistelrooy.
Sự quyết đoán, sẵn sàng chi tiền (và quan trọng hơn là có đủ lực để làm điều này khi cần thiết) có thể coi là điểm đặc trưng của các đội bóng Đức. Điển hình như việc Bayern từng hớt tay trên Ribery trước mũi nhiều đội bóng lớn cách đây 3 mùa. Hay chuyện Wolfsburg đã đánh bại các CLB Serie A như Fiorentina, Juventus… để kéo trung vệ của ĐT Italia Andrea Barzagli sang Đức hồi năm 2008. Tất nhiên, nguyên nhân chiến thắng rất đơn giản khi Wolfsburg đồng ý trả cho Barzagli mức lương 2.5 triệu bảng/mùa, gấp đôi lời đề nghị của các CLB Italia!
Thanh Tùng.