Sau một thời gian định cư ở thành phố München miền Nam nước Đức, sau bao nhiêu lần trì hoãn, tôi cũng có ba ngày trọn vẹn tới thăm Thủ đô đất nước mình đang sống vào đầu mùa thu tháng Chín Berlin hiện hữu với quy mô rộng lớn đến kinh ngạc.
Những ai thích đọc về lịch sử cũng biết từ những năm đầu thập niên Hai mươi của Thế kỉ trước,Berlin là thành phố lớn thứ hai Châu âu chỉ sau London.
Nhưng dù biết trước vẫn thật sự choáng ngợp từ lúc trên bầu trời nhìn xuống cho đến khi đôi chân đi trên những con đường của thành phố này. Vẫn thường nghe những lời nhận xét không mấy tích cực về thành phố thủ đô, rằng sự lôi thôi,nhếch nhác hay an ninh không đảm bảo...
Ảnh: Tác giả Đoàn Nhật Lệ
Nhưng như người xưa vẫn nói "Trăm nghe không bằng một thấy", Berlin trong tôi hoàn toàn khác xa những lời nhận xét ấy. Cảm nhận đầu tiên là nét đa sắc màu, đa sắc tộc.
Người ngoại quốc trên các thành phố khác đã nhiều,nhưng xin thưa, chưa là gì nếu so sánh với số lượng người nhập cư sinh sống ,đi lại trên Berlin.
Từ quán xá, từ màu sắc, hay cách trang trí nhà cửa. Tất cả đều rất đa sắc màu nhưng không lộn xộn. Nó có những quy củ riêng của nó. Những con đường sầm uất, những con phố không ngủ chỉ có thể ở Berlin bời những thành phố phía Nam luôn quy định ngặt nghèo về giờ giấc mở cửa.
Hai ba giờ sáng,rất dễ để tìm thấy một gian hàng ,cửa hàng tạp hoá sáng đèn, những tiệm ăn củ Thổ, của Ý hay Á châu vẫn phục vụ.
Trong lòng các con phố ,người đi bộ vẫn tấp nập , xe cộ vẫn đi lại làm việc. Điều thú vị nhất ở Berlin là nét cổ kính.
San sát nhau là những ngôi nhà mang kiến trúc lâu đời, tất nhiên vẫn có những khu phố mới hiện đại. Nhưng rong ruổi trong lòng thành phố chúng ta đôi khi không thể dời mắt khỏi những cây cầu sắt màu xanh dương được xây dựng từ thế kỉ trước ,hay hệ thống tàu điện ngầm từ trước những năm ba mươi ,trước thế chiến hai vẫn hoạt động hay thậm chí những thùng rác,cái đèn đường đều mang nét xưa cũ.
Những lâu đài cổ,những công trình cổ xưa nay được sửa sang để trở thành những Bảo tàng đón khách du lịch, nơi làm việc của chính phủ.
Phải kể đến như "Cổng Brandenburg chứng nhân lịch sử vĩ đại của nước Đức,tòa nhà chính phủ Reichstag, điểm đến không thể bỏ qua khi tới Berlin, nhà thờ Berlin, điểm du lịch nổi tiếng hay bảo tàng lịch sử Bode... và còn rất,rất nhiều nơi đáng để ghé qua trong lòng thành phố lâu đời này.
Tuy nhiên, điều lắng đọng, tạo nên cảm xúc yêu quý nhất thành phố này lại nằm ở những hiện vật và tư liệu cho thấy một thời kỳ lịch sử của Bức tường ngăn cách hai vùng Đông Tây với những bộ phim, hình ảnh, đồ tạo tác và những câu chuyện cá nhân thời đó với nhiều đau đớn và nước mắt.
Các cuộc triển lãm cảm động khéo léo thể hiện những gì đã diễn ra trong lịch sử rất ấn tượng.
Thậm chí trên mọi nẻo đường,mỗi góc phố, rất dễ để chúng ta tìm thấy một di vật, đôi khi là bức tưởng niệm, đôi khi là tấm hình bằng đá hay thâm chị là những mảng bê tông lớn nhỏ cũ kĩ được gắn chặt vào tường nhà ... Đó là những mảnh còn lại của Bức Tường Berlin, hiện thân của nỗi đau chia cắt vì nền chính trị,vì chiến tranh đầy rẫy đau thương.
Tác giả bên bức tường Berlin
Người Đức nói chung và Berlin nói riêng cho ta thấy sự dũng cảm đối diện, họ vươn lên trong mọi mặt từ khoa học kĩ thuật,đến kinh tế chính trị...
Nhưng họ cũng không ngần ngại đối diện với quá khứ đau thương. Vẫn còn đó bức tường, vẫn còn đó những hình ảnh về trùm phát xít Hitler và nhữn cuộc hành quyết... để người đời xem lại, đọc và cảm nhận thời kì đen tối.
Vẫn còn đó bức hình lớn giữa đại lộ của một thanh niên đầu tiên tử nạn vì muốn vượt qua bức tường ngăn cách để sang Tây đức, vẫn còn đó nhứng hiện vật,những chiếc xe ô tô mà người ta trốn dưới gầm ,trong cốp xe để vượt qua chốt kiểm soát sang vùng bên kia của đất nước.
Vẫn còn đó mô hình giữa đại lộ là một chốt kiểm tra của lực lượng an ninh các phe phái chiếm đóng Berlin sau thế chiến....
Rất khó để kể hết nhưng chỉ có ghé thăm và rảo bộ thật nhiều trên các con phố Thủ đô, mới thêm phần nể phục,xúc động trước dân tộc này, đất nước này.
Bởi chỉ ba -bốn thập kỉ trước thôi,nơi đây chỉ còn là đống đỏ nát, sự xâm chiếm của nước ngoài, chia năm sẻ bảy, sự chia rẽ trong đất nước về chính trị... mới đây thôi thành phố này trong những bức hình chỉ toàn Boongke, lô cốt quân sự, đống đổ náy của bom đạn. Nhưng hôm nay, Berlin ở đâu, nước Đức xinh đẹp giàu có này ở đâu, cả thế giới đều biết.
Từ kinh tế,vị trí chính trị... thế giới không thể không nhắc tới đất nước này. Một phép màu, hay đột phá? Dù sao đi nữa, dân tộc này đã cho ta thấy sự ngưỡng mộ họ vượt lên nỗi đau và khó khăn khi dám đối diện với lich sử đau thương.
Berlin bây giờ là thành phố yên bình, nhộn nhịp và cũng đầy sống động.
Họ đã dang đôi tay đón nhận hàng trăm ngàn người con từ hàng trăm đất nước khác trên thế giới về đây sinh sống. Có bước lên chuyến tàu điện, xe bus mới thấy rõ, con người họ, những Berliner đã bao dung đến cỡ nào. Họ bây giờ sống chung, đi chung với những người thập phương xa lạ, họ vẫn hàng ngày phải chen chúc trong sự đông đúc ,cái lộn xộn mà làm sóng nhập cư mang lại.
Nhưng họ chấp nhận, họ đón nhận điều đó như một lẽ tất yếu. Bởi trong lòng họ đã chất chứa nỗi đau của quá khứ, họ hiểu được nỗi đau của chiến tranh chia cắt là gì.
Để có cuộc sống tốt đẹp,chúng ta cần hiểu nơi mình đang sống,sẽ sống. Để hiểu được một đất nước tất nhiên cần thời gian và sự hoà nhập. Để hiểu thêm về lịch sử,văn hoá đất nước xinh đẹp,giàu có này ,hãy ghé qua Berlin thủ đô.
Một vài hình ảnh về thủ đô Berlin dưới góc ảnh của tác giả
Ga tầu điện ngầm tại thủ đô Berlin
Tác giả chụp trước cổng thành Brandenburg (Brandenburger Tor) - Biểu tượng của thủ đô Berlin
Bài & ảnh của Tác Giả: Đoàn Nhật Lệ
(Gửi riêng cho Báo TINTUCVIETDUC)