Một đoạn video duy nhất từng được biết tới về Anne Frank, cô bé người Đức gốc Do Thái - tác giả một cuốn nhật ký nổi tiếng thế giới, đã được tải lên mạng và nhanh chóng tạo thành cơn sốt trên internet.
Anne sinh năm 1929 tại Frankfurt am Main, Đức trong một gia đình gốc Do Thái. Sau khi Adolf Hitler lên nắm quyền năm 1933, gia đình Anne Frank rời khỏi Frankfurt am Main đi Amsterdam, Hà Lan cuối năm 1933 để thoát khỏi sự truy đuổi của Đức quốc xã.
Từ tháng 7/1942, gia đình Anne phải sống bí mật tại căn gác áp mái của một toà nhà cũ ở Amsterdam để tránh bị bắt vào trại tập trung. Nhưng đến năm 1944, gia đình Anne đã bị chỉ điểm và bị đưa tới trại tập trung của Đức quốc xã. Đến tháng 3/1945, Anne đã qua đời trong trại tập trung Bergen-Belsen.
Ông Otto Frank, bố Anne, là người duy nhất trong gia đình còn sống sau chiến tranh. Xúc động trước cuốn nhật ký của con gái, ông đã quyết định cho xuất bản cuốn nhật ký bằng tiếng Hà Lan năm 1947, ghi lại chi tiết sự ngược đãi của Đức quốc xã đối với người Do Thái thời Thế chiến 2. Kể từ đó, cuốn nhật ký đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ, trở thành một trong những cuốn sách được tìm đọc nhiều nhất trên thế giới.
Bức ảnh duy nhất được biết tới về Peter Schiff, người mà Anne nhắc tới với tình cảm trìu mến trong cuốn nhật ký.
Đoạn phim đen trắng cực hiếm dài 20 giây quay cảnh một tòa nhà chung cư nơi gia đình Anne từng sống vào ngày 22/7/1941 tại Amsterdam (Hà Lan), khoảng 1 năm trước khi gia đình em phải ẩn náu trong một căn phòng bí mật.
Trong video, Anne đứng ở cửa sổ tầng 2, mỉm cười và nghiêng người ra bên ngoài lan can để xem một cặp cô dâu chú rể trong ngày cưới. Cô dâu là một người hàng xóm của Anne sống ở số nhà 37 trên đường Merwedeplein, còn gia đình cô bé sống ở ngôi nhà kế bên, số 39.
Video được Bảo tàng Anne Frank House tại Amsterdam tải lên Kênh Anne Frank trên Youtube hôm 30/12 và kể từ đó đã nhận được hơn 440.000 lượt truy cập từ khắp nơi trên thế giới.
“Đây là lần duy nhất Anne Frank lọt vào ống kính máy quay”, bảo tàng Anne Frank House cho biết.
Anne chết trong trại tập trung Đức Bergen-Belsen năm 1945, khi cô bé 15 tuổi.
Một phiên bản ngắn hơn về video này đã được những người hàng xóm chuyển cho cha của Anne là ông Otto Frank vào những năm 1950, sau khi họ nhận ra cô bé trong cuốn nhật ký được phát hành.
Vào những năm 1990, bảo tàng Anne Frank House đã liên lạc với cặp đôi kết hôn trong video để xem liệu họ có một video dài hơn về cô bé hay không. Và cặp vợ chồng này - vẫn còn sống và hiện đang ở Hà Lan - đã cung cấp đoạn phim dài 20 giây.
Căn phòng bí mật nơi Anne và gia đình từng ẩn náu giờ đây là bảo tàng Anne Frank House.
Ngoài đoạn video trên, Anne Frank House cũng đăng tải trên Youtube các clip ghi lại những cuộc phỏng vấn với cha cô bé, người qua đời năm 1980.
Bà Miep Gies, người từng giúp đỡ Anne và gia đình cô thoát khỏi Đức Quốc xã, vừa mừng sinh nhật 100 tuổi hồi tháng 2 năm nay.
Theo Fox.