Bác sỹ phẫu thuật Georgi Sinhiakov làm Trưởng phòng phẫu thuật Bệnh viện Cheliabinsk (Ural - Nga) hơn 20 năm.

Hầu như không ai biết người bác sỹ khiêm tốn, ít nói và giàu lòng trắc ẩn này khi ở trong trại tù binh của Phát xít Đức đã giúp hàng trăm tù binh Xô Viết trốn thoát và đã cứu sống hàng nghìn tù binh bị thương khác.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 0

Georgi Sinhiakov. Ảnh từ Album gia đình

 

1. Phù thủy bay

Năm 1961, trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ phi công, anh hùng Liên Xô Anna Egorova - Timofeeva kể lại: “Tôi nợ bác sỹ Nga xuất chúng Georgi Fedorovich Sinhiakov rất nhiều. Ông ấy đã cứu sống tôi tại trại tập trung Kostrzyn.

Sau cuộc phỏng vấn này, thông tin về người bác sỹ phẫu thuật Cheliabinsk tài năng nhưng khiêm tốn Georgi Sinhiakov đã mạo hiểm cuộc sống của mình giúp đỡ hàng nghìn tù binh được lan truyền đi khắp thế giới.

Các cựu binh Xô Viết đã từng biết về chiến công của nữ phi công dũng cảm Egorova và biết là bà đã được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô.

Nhưng không một ai biết là nữ phi công Xô Viết với hơn 300 chuyến xuất kích tác chiến đã bị bắt làm tù binh và đã sống sót để 20 năm sau đó kể lại chiến công của bác sỹ Georgi Sinhiakov.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 1

Trước khi nữ phi công Egorova kể về mình, Sinhiakov không nói với ai một lời về chiến tranh. Ảnh: АiF/Nadezda Uvarova

 

Có rất, rất nhiều bức thư từ khắp nơi trên thế giới với tên và địa chỉ người nhận: Thành phố Cheliabinsk, Bác sỹ Georgi Sinhiakov. Và rất may, những bức thư đó đã đến đúng địa chỉ!

Mấy trăm người xúc động viết những lời cảm ơn người bác sỹ đã cứu sống mình, họ khóc khi nhớ lại những ngày trong trại tù bình và cười khi kể lại chuyện bác sỹ Sinhiakov đã lừa lính phát xít, tổ chức các cuộc chạy trốn cho tù binh.

Còn bác sỹ phẫu thuật Sinhiakov, người đã được phong danh hiệu “bác sỹ Nga tuyệt vời” ngay từ khi còn trong trại tù binh chỉ nói rằng ông thực hiện bổn phận của mình và: “người ta không làm nên chiến thắng trong trại tù binh”.

2. Kỳ kiểm tra trình độ trong trại tù binh

Ngay ngày thứ hai sau khi Chiến tranh vệ quốc bắt đầu, vừa tốt nghiệp Trường đại học y khoa Voronhez, bác sỹ trẻ Georgi Sinhiakov đã ra Mặt trận Tây - Nam.

Trong các trận chiến đấu tại Kiev, người bác sỹ này đã chữa chạy cho những lính Xô Viết bị thương trong vòng vây cho đến những giây cuối cùng trước khi bị bắt.

Sau khi bị bắt làm tù binh, vị bác sỹ trẻ này đã phải qua hai trại tập trung, Borispol và Darnytsia (Ucraina), và sau cùng là trại tập trung Kostrzyn cách Berlin 90 km.

Trong trại này có các tù bình từ tất cả các nước Châu Âu. Nhưng tù binh Nga là những người bị đối xử tàn tệ nhất và không một ai chữa chạy cho họ. Họ chết vì đói, vì kiệt sức, cảm cúm và vì vết thương.

Thông tin về việc trong trại tù có một bác sỹ ngay lập tức dến tai người Đức. Chỉ huy trại quyết định tổ chức một “kỳ thi kiểm tra trình độ” người bác sỹ trẻ người Nga này. Sinhiakov với bụng đói và chân đất đã mổ cắt dạ dày cho một bệnh nhân trong suốt mấy tiếng đồng hồ liên tục.

Tham gia “kiểm tra” bác sỹ Nga có một số bác sỹ tù binh đến từ các nước Châu Âu.

Sau ca mổ thành công này, người Đức không còn có ý định “thử thách” ông thêm nữa. Mặc dù trước đó đã từng có người tuyên bố là trình độ của bác sỹ giỏi nhất Liên Xô không bằng một nhân viên cứu thương Đức.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 2

Ảnh của những người lính Nga được Georgi Sinhiakov cứu sống trong trại tù binh (tại bảo tàng lịch sử y học Cheliabinsk. Ảnh: АiF/Nadezda Uvarova). 

 

3. Hãy chết để được sống

G. Sinhiakov hầu như không lúc nào rời khỏi bàn phẫu thuật. Ông mổ cho những tù binh bị thương suốt mây ngày đêm liền.

Tin về người bác sỹ trẻ tài năng và vượt ra ngoài trại tập trung.

Sỹ quan và binh lính Đức cũng đưa người thân và bạn bè đến để ông chữa trị. Có một lần Sinhiakov đã mổ cho một cậu bé Đức bị gãy xương.

Sau khi cậu bé tỉnh lại, người mẹ Đức đã khóc, hôn tay ông và quỳ xuống trước mặt ông để cảm ơn.

Sau lần mổ cho cậu bé Đức, G. Sinhiakov được tăng khẩu phần ăn và hưởng một số ưu đãi như được tự do đi lại trong trại.

Nhưng ngay sau khi được tăng khẩu phần ăn, ông đã chia khẩu phần ăn bổ sung này cho bệnh nhân tù binh: đổi thịt mỡ muối lấy bánh mỳ và khoai tây để có thể chia cho nhiều tù binh hơn.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 3

Trong bảo tàng Lịch sử y học có khu dành để tưởng niệm G.Sinhiakov. Chính quyền thành phố nơi ông đã làm việc sau chiến tranh quyết định vinh danh ông. Ảnh: АiF/Nadezda Uvarova.

 

Sau đó Georgi lãnh đạo Ủy ban bí mật trong nhà tù. Vị bác sỹ trẻ này giúp tổ chức các vụ trốn trại tù binh Kostrynz.

Ông bí mật rải truyền đơn nói về các chiến thắng của Quân đội Xô Viết, khích lệ tinh thần của tù binh và Sinhiakov cho rằng đây cũng là một trong những phương pháp chữa bệnh.

Ông cũng chế ra những loại thuốc làm lành vết thương cho người bệnh , nhưng nhìn bên ngoài thì có vẻ như vết thương vẫn còn mới.

Chính đây là loại thuốc mà Sinhiakov đã dùng cho nữ phi công Anna Egorova sau bị tra tấn. Lính phát xít chờ đến khi nữ phi công bình phục để hành hình công khai, nhưng Anna Egorva vẫn ngày càng “xỉu đi”.

Sau đó, Anna bình phục và nhờ có Sinhiakov giúp đã trốn thoát khỏi trại tù binh.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 4

Những người thân của người anh hùng này đã trao cho Bảo tàng những kỷ vật của Geoogi Sinhiakov. Ảnh: AiF/Nadezda Uvarova.

 Các phương pháp cứu tù binh của Sinhiakov tuy có khác nhau, nhưng thường ông dạy họ cách giả chết y như thật.

Còn ông thì xác nhận với lính canh tù binh là người tù binh đó đã chết.

“Xác chết” được đưa ra khỏi trại cùng với những tử thi thật và được ném xuống một cái hào cách không xa trại tập trung, khi áp giải vừa đi khỏi thì “xác chết đó” sống lại và tìm cách về với quân mình.

4. Những tù binh phi công được cứu sống

Có một ngày, Quân Đức đưa vào trại một lúc 10 phi công Xô Viết. Georgi Sinhiakov đã cứu sông được cả 10 người và vẫn bằng phương pháp truyền thống – dạy họ giả chết.

Sau này, khi Anna Egorova kể về chiến công của “người bác sỹ Nga”, những phi công đó đã tìm được Georgi Sinhiakov và mời ông đến Matxcova. Tham gia cuộc họp mặt đầy xúc động này có hàng trăm người tù binh được cứu nhờ vào lòng dũng cảm và sự nhanh trí của ông.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 5

Ilia Erenbur

 

Để cứu sống người lính Xô Viết gốc Do thái 18 tuổi Ilia Erenburg, Georgi Sinhiakov đã buộc phải hoàn thiện “phương pháp tái sinh” của mình.

Lính canh tù hỏi Sinhiakov khi chỉ tay vào Erenburg “Do thái à?”. “Không, người Nga” – Bác sỹ trả lời. Ông biết rằng với cái tên Do thái như vậy thì Erenburg không có bất cứ một cơ hội sống sót nào.

Bác sỹ Sinhiakov giấu giấy tờ của Erenburg, cũng như đã từng giấu huy hiệu của nữ phi công Egorova, và nghĩ cho người lính trẻ bị thương này một cái tên mới là Belousov (tên họ Nga).

Ông cũng hiểu rằng, “cái chết” của chàng trai đang bình phục này có thể làm lính canh Đức nghi ngờ nên suốt một tháng liên ông suy nghĩ tìm cách cứu anh ta.

Lấy lý do là sức khỏe Erenbur đột nhiên xấu đi, Sinhiakov chuyển anh này đến khu truyền nhiễm, nơi lính Đức hầu như không bao giờ xuất hiện vì sợ nhiễm bệnh. “Chàng trai Do thái “chết” tại đây.

Erenburg “sống lại”, vượt qua chiến tuyến và kết thúc chiến tranh tại Berlin với quân hàm sỹ quan Xô Viết.

Đúng một năm sau khi Chiến tranh kết thúc, vị bác sỹ này tìm chàng trai trẻ đó. Cũng rất may là đến bây giờ vẫn còn giữ được bức bưu ảnh mà Ilia Erenburg đã gửi cho “bác sỹ Nga” với dòng chữ (xem ảnh)

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 6

Đúng một năm sau khi kết thúc chiến tranh, người được Sinhiakov cứu sống là Ilia Erenburg đã gửi bức bưu ảnh cho ông. (dòng chữ ghi trên bưu ảnh - để mãi mãi nhớ Georg Fedorovich yêu quý nhất, người đối với tôi là cha, là anh trai và là người bạn trong những ngày tháng nặng nề khủng khiếp nhất. - Ilia Erenburg Ngày 8.5.1946 ). Ảnh: АiF/Nadezda Uvarova

 

5. Không một phát súng

Trước khi xe tăng Nga tiến vào trại Kostrzyn những tù binh còn khỏe mạnh bị lính Đức dồn lên các toa tàu, những người còn lại sẽ bị bắn ngay trong trại.

Có tới 3.000 tù binh ốm yếu đối mặt với có chết không tránh khỏi.

“Bác sỹ Nga” tình cờ biết được quyết định này của chỉ huy trại tù binh và tuy lính Đức nói với ông: “Bác sỹ, ông đừng sợ, chúng tôi sẽ không bắn ông” nhưng Georgi không thể bỏ mặc các tù binh bị thương và đã có một quyết định rất dũng cảm.

Ông thuyết phục người phiên dịch cùng đến gặp chỉ huy trại và đề nghị họ hãy tha cho những người tù binh này, không gây thêm tội lỗi nữa. Người phiên dịch tuy hoảng sợ những cũng đã dịch lại những lời của Sinhiakov. Lính Đức đã rời trại và không nổ một phát súng nào. Ngay sau đó, cụm quân xe tăng Nga của thiếu tá Ilin đã tiến vào trại tù binh.

Sau khi về với quân Nga, bác sỹ lại tiếp tục phẫu thuật. Ngay trong mấy ngày đầu tiên, ông đã cứu sống 70 lính xe tăng bị thương. Năm 1945, Sinhiakov ký tên mình trên tòa nhà Quốc hội Đức.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 7

Sinhiakov biết cách “hồi sinh” người chết

 

6. Một cốc bia mững chiến thắng

Con nuôi của Georgi Fedorovich lad Xergey Miriushenko kể lại: G. Sinhiakov không bao giờ thích bia rượu.

Nhưng có một lần trong trại tù binh ông được chứng kiến cuộc tranh cãi giữa một bác sỹ tù binh Xô Viết với một viên sỹ quan Đức.

Vị bác sỹ này nói với viên sỹ quan Đức là chúng ta sẽ còn gặp nhau ở Đức, ở Berlin và uống cạn một cốc bia mừng chiến thắng của nhân dân Xô Viết.

Viên sỹ quan Đức cười lớn: bọn tao đang tấn công, đang đánh chiếm các thành phố của Liên Xô, chúng mày có hàng trăm nghìn người chết, mày nói về chiến thắng nào vậy?

G. Sinhiakov không biết số phận sau này của người tù binh bác sỹ nọ, nên khi đến Berlin tháng 5/1945 quyết định rẽ vào một quán bia và uống một cốc để tường nhớ vị bác sỹ này và mừng chiến thắng.

Sau chiến tranh, Georgi Fedorovich chuyển về Cheliabinsk. Ông làm trường phòng phẫu thuật của đơn vị quân y nổi tiếng, sau đó giảng dạy tại trường đại học Y khoa. Không một lời nào về chiến tranh.

Thần y trong trại tù binh phát xít Đức - 8

Chân dung Sinhiakov do đồng nghiệp – bác sỹ phẫu thuật Uschiuxzanhin vẽ. Ảnh: АiF/Nadezda Uvarova

 

Sau lần trả lời phỏng vấn của Egoreva như đã nói ở phần đấu, G. Sinhiakov đã được đề nghị tặng thưởng huân huy chương, nhưng “quá khứ tù binh” không được đánh giá cao trong những năm ngay sau chiến tranh.

Trong một thời gian rất dài chiến công của người Bác sỹ Nga này đã bị lãng quên.

Trong cuộc đời mình ông không có danh hiệu gì to tát, không được tặng thưởng huân huy chương.

Mãi đến trước dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng Phát Xít cộng đồng dân cư Nam Ural mới sực nhớ đến người bác sỹ phẫu thuật anh hùng này, mở phòng trưng bày hiện vật về ông trong bảo tàng y khoa của Bệnh viện Cheliabinsk.

Chính quyền Nam Ural cũng quyết định vinh danh người đồng hương huyền thoại của mình và dự định sẽ đặt tên ông cho một đường phố hoặc lập một quỹ học bổngcho các sinh viên y khoa mang tên Georgi Sinhiakov.

Lê Hùng

 

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC