Ông nói với tờ báo Đức rằng ông được tuyển mộ ở tuổi 17 ở một đơn vị xe tăng và phục vụ ở Dresden.
Trước đây, lý lịch chính thức chỉ cho biết ông từng là lính và bị thương rồi bị Mỹ bắt làm tù binh.
Phát biểu trước thời điểm xuất bản hồi ký chiến tranh của mình, ông nói sự im lặng suốt nhiều năm đã "đè nặng" ông.
"Sự im lặng trong nhiều năm qua là một trong các lý do tôi viết cuốn sách," ông nói với báo Frankfurter Allgemeine Zeitung.
Grass, sinh năm 1927, được xem là cây đại thụ trong văn chương Đức, với các tác phẩm thường viết về chủ đề chiến tranh.
Tiểu thuyết Cái Trống Thiếc của Guenter Grass đã được dịch sang tiếng Việt năm 2002 qua bản dịch của ông Dương Tường.
Gây sốc
Thừa nhận của Grass đang gây sốc cho dư luận tại Đức và Ba Lan.
Cựu Tổng thống Ba Lan Lech Walesa ngay lập tức tuyên bố ông Grass nên trả lại danh hiệu công dân danh dự thành phố Gdansk, quê hương của Grass và cũng là cái nôi của phong trào Đoàn kết của Walesa.
Lực lượng Waffen SS là cánh vũ trang của lực lượng SS gây khiếp hãi dưới thời Hitler.
Trong các tác phẩm của mình, Guenter Grass đã thể hiện ông như một quyền lực đạo đức cho người Đức thời hậu chiến.
Mang quan điểm cánh tả, ông công kích cái mà ông xem là sự hối lỗi giả tạo của đất nước đối với quá khứ Đức Quốc xã.
Với những người chỉ trích ở Đức hiện nay, vấn đề không phải là việc ông từng phục vụ trong Waffen SS, vì khi ông gia nhập năm 1944, đa số thành viên trong đó đều là các thanh niên trẻ.
Nhưng vấn đề là tại sao ông giấu giếm quá lâu và nay mới thừa nhận?
Người ta chỉ ra rằng nếu quá khứ này bị tiết lộ trước đây, có lẽ ông đã không thể nhận giải Nobel văn học, mặc dù văn chương của ông thì xứng đáng.
Thậm chí có người bảo cái # # tiết lộ # # hôm nay có khi chỉ là cú sốc tiếp thị nhằm quảng bá cho hồi ký xuất bản vào tháng Chín.
Hội Văn bút ở Czech đang xem xét liệu có rút lại giải thưởng Karel Capek từng trao cho ông năm 1994.
Bản thân Grass khẳng định ông chưa từng nổ súng và là một người lính tồi.
Việc Grass không khai hết về quá khứ của mình cũng là một sự trớ trêu bởi ông thường kêu gọi đồng bào của mình phải đánh giá lại quá khứ khủng khiếp.
Với nhiều người, vai trò rao giảng đạo đức của ông đã không còn nguyên vẹn.
Theo BBC