98% nhà văn, nhà thơ Việt Nam hầu như chưa được biết đến ở nước Đức. 2% còn lại chủ yếu không sống ở Việt Nam” - GS, dịch giả Günter Giesenfeld, người vừa ra mắt cuốn “Thơ Nguyễn Đình Thi” bằng tiếng Đức tại Hà Nội, cho biết.

Văn học Việt Nam vẫn chưa được biết đến ở Đức

Dịch giả Günter Giesenfeld. 

- Thưa dịch giả, ông tiếp xúc với những bài thơ của Nguyễn Đình Thi từ khi nào và do đâu mà ông có ý tưởng dịch chúng ra tiếng Đức?

Chúng ta có thể nói Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ lớn của Việt Nam, nhưng chưa được biết đến ở Đức và châu Âu. Ông để lại một khối lượng tác phẩm lớn, sáng tác trong một thời gian dài, từ năm 1940 đến 2000, trong nhiều lĩnh vực.

Tôi may mắn đã được gặp nhà thơ Nguyễn Đình Thi lần đầu tiên vào năm 1992, khi đó tôi mới biết đến những bài thơ của ông qua bản tiếng Pháp. Sau đó tôi có nhiều dịp gần gũi, trò chuyện với ông. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi.

Khi tôi nói ý tưởng của mình về việc dịch thơ ông ra tiếng Đức, ông vui vẻ ủng hộ. Chính ông đã cùng với tôi thực hiện dự án này.

- Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã mất từ năm 2003, mà đến bây giờ tập thơ bằng tiếng Đức của ông mới ra mắt bạn đọc. Trong quá trình thực hiện dự án, ông gặp phải những khó khăn gì?

- Có rất nhiều khó khăn mà tôi gặp phải. Trước hết là vấn đề “phông văn hóa”. Có rất nhiều điểm chênh giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Đức trong việc cảm nhận các bài thơ. Nhưng cũng may mắn Nguyễn Đình Thi là người có tiếp cận và hiểu văn hóa phương Tây. Và tôi đã được ông giúp đỡ rất nhiều. Chúng tôi cùng nhau làm việc trong một thời gian dài, có lúc đã dành hàng giờ liền với từng câu, từng chữ. Ông ấy dịch thơ của mình ra tiếng Pháp, từ đó tôi dịch sang tiếng Đức. Chúng tôi trao đổi với nhau cho đến khi cả hai đều cảm thấy hài lòng. Rất may là tôi đã kịp hoàn thành bản dịch trước khi nhà thơ qua đời.

Còn những khó khăn nhỏ nữa, nhưng chính vì thế mà việc ra mắt cuốn sách đã phải chậm lại, đó là do chúng tôi gặp khó khăn về phông chữ cái Đức khi in ấn cuốn sách tại Việt Nam.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi và tôi đã thống nhất với nhau là phần minh hoạ sẽ là những bức tranh khắc gỗ, và sau đó tôi đã tìm nghệ nhân Lê Quốc Việt để thực hiện ý tưởng này. Việc này cũng đòi hỏi nhiều công phu.

- Trong tập thơ này, không thấy những bài thơ cách mạng - lãng mạn tiêu biểu cho tên tuổi Nguyễn Đình Thi, mà chủ yếu là những bài về tình yêu, về thế giới nội tâm, có phần bộc lộ một góc rất riêng tư của tác giả mà có lẽ còn ít người biết đến, ông có thể cho biết lý do?

- Đơn giản vì đó là những bài do chính tác giả tuyển chọn. Nguyễn Đình Thi là người rất cẩn thận trong việc chọn lựa, và ông nói rằng ông thích những bài thơ này hơn. Đây là những bài sáng tác trong giai đoạn từ sau 1975, có nhiều bài chính ông ấy vừa dịch cho tôi vừa sửa chữa. Phần lớn đó là những bài thơ giàu tính triết lý về tình yêu và thân phận con người, hé mở một phần nội tâm của người nghệ sĩ lớn, một người từng được coi là “của công chúng” trong một giai đoạn lịch sử khá dài.

Tôi cũng có đề nghị một số bài khác, chẳng hạn những bài trong thời kỳ mà thơ ông chịu nhiều ảnh hưởng của thơ ca lãng mạn Pháp, nhưng ông ấy từ chối.

- Không những nghiên cứu và dịch thơ Nguyễn Đình Thi, mà ông còn có nhiều dịp gặp gỡ và làm việc với tác giả. Vậy ấn tượng của ông về thơ, cũng như về con người Nguyễn Đình Thi là gì?

- Cá nhân tôi cho rằng, Nguyễn Đình Thi là một trong những nhà thơ lớn nhất của Việt Nam. Thơ ông có hơi thở của thời đại cũ, đồng thời cũng có cả tinh thần lãng mạn kiểu Appolinaire (1880-1918 - nhà thơ lãng mạn Pháp), có trộn lẫn giữa kinh điển và hiện đại. Những vấn đề của chiến tranh trong thơ ông đã được khái quát lên tầm tượng trưng, mang nhiều ý nghĩa triết lý.

Tiếp xúc với Nguyễn Đình Thi, tôi thấy ông là một người rất hào hoa, nhưng cũng giản dị. Là một nghệ sĩ, đồng thời Nguyễn Đình Thi cũng là một người cách mạng, một nhà chính trị, từng nắm giữ trọng trách hàng đầu trong Hội Nhà văn. Ông ấy là một con người đầy mâu thuẫn, nhưng ông ấy chưa bao giờ bức xúc.

Ông ấy có lần nói: "Tôi luôn luôn là một người lạc quan, nhưng tôi là nghệ sĩ, là một nhà thơ, tôi cũng có những nỗi buồn, và tôi cũng hiểu nỗi buồn của người khác. Vì thế, tôi là một người lạc quan buồn".
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi năm 1948.

- Ông cũng từng dịch thơ Chế Lan Viên, vậy ông có thể cho biết tập thơ đó được độc giả Đức đón nhận như thế nào?

- Theo tôi là rất tốt, chúng tôi đã bán hết 1.000 cuốn, sau đó tái bản thêm 1.000 cuốn nữa. Cũng như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên là một nhà thơ - trí thức lớn của Việt Nam, xuất hiện trong nhiều giai đoạn của văn học Việt Nam.

Đối với tôi, đây là hai tác giả có sức hấp dẫn, tôi rất thích những bài thơ sáng tác vào thời kỳ trước 1945 của họ, ở đó cá nhân người nghệ sĩ được bộc lộ rất mạnh. Hơn nữa, về kỹ thuật, họ chịu ảnh hưởng của thi ca phương Tây nên khá gần gũi với chúng tôi.

Tôi rất thích một câu thơ của Chế Lan Viên, đại ý rằng một dân tộc ngay cả khi không có cơm ăn áo mặc, thì vẫn cần phải có thơ. Nếu chúng ta đánh mất văn hoá nghệ thuật, đánh mất bản sắc thì có lẽ “cơm ăn áo mặc” cũng chẳng còn ý nghĩa.

- Ngoài Chế Lan Viên và Nguyễn Đình Thi, các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được giới thiệu như thế nào ở Đức và sắp tới ông có dự án nào với văn học Việt Nam?

- Có thể nói ngay rằng độc giả châu Âu nói chung và ở Đức nói riêng đều biết rất ít về văn học Việt Nam. 98% tác giả Việt Nam chưa được biết đến ở Đức, từ những tác giả kinh điển đến những người sáng tác trẻ, đều chưa hề được giới thiệu. Những người được biết đến thì chủ yếu không sống ở Việt Nam.

Hiện chúng tôi đang cố gắng để giới thiệu một phần trong 98% đó. Sắp tới tôi sẽ dịch một số truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp… Tạp chí của chúng tôi (Hội Hữu nghị Đức -Việt) đã giới thiệu tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư.

Chúng tôi cũng sẽ có buổi gặp gỡ một số tác giả trẻ để có thể hình dung đầy đủ hơn về những sáng tác của họ, từ đó sẽ có những dự án cụ thể.

Theo evan




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC