Rất nhiều người Đức quan tâm đến văn hóa Trung Quốc. Nhưng điều đó không có nghĩa là văn học Trung Quốc được đọc nhiều ở đất nước này.
Hội chợ sách Frankfurt là cơ hội để những tác phẩm còn ít được biết đến của nền văn học xứ Vạn Lý Trường Thành được tỏa sáng tại Đức.
Văn hóa Trung Quốc giờ đây không còn là một cuốn sách đóng kín với người Đức. Số sinh viên Đức học tiếng Trung đang ngày càng tăng và ngày một nhiều người bày tỏ mối quan tâm tới đất nước rộng lớn ở phương Đông này.
Phim ảnh, cũng như võ thuật truyền thống và thức ăn Trung Quốc cũng phổ biến ở Đức. Vậy còn văn học thì sao? Những nhà văn Đức như Thomas Mann, Hermann Hesse và thậm chí Patrick Suesskind đều rất nổi tiếng ở Đức, nhưng thật khó tìm được một độc giả Đức có thể kể tên một nhà văn Trung Quốc.
DW đã mang câu hỏi này hỏi ngẫu nhiên một số người dân Đức. Và các câu trả lời thường là: "Một tác giả người Trung Quốc à? Tôi không biết". "Một nhà văn Trung Quốc ư? Tôi biết vài nhà châm biếm Nhật Bản, chỉ thế thôi" hoặc "Khổng Tử có phải là một nhà văn không?".
Ngay đến tiểu thuyết gia Cao Hành Kiện - một nhà văn người Trung Quốc từng đoạt giải Nobel năm 2000 - cũng là một cái tên rất xa lạ, chứ không hề được biết đến rộng rãi như những người đồng hương của ông là nữ diễn viên Củng Lợi và ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long.
Một tác giả nổi tiếng như Cao Hành Kiện cũng rất ít được biết đến ở Đức. |
"Văn học Trung Quốc, nói rộng ra là văn học châu Á, vẫn được coi là một miền đất xa lạ với người Đức", Hans-Peter Hoffmann, dịch giả tiếng Trung Quốc tại Đại học Tuebingen, cho biết. Sách Trung Quốc đầy rẫy trên thị trường Đức, từ sách dạy kinh doanh cho tới sách dạy nấu ăn. Tuy nhiên, tác phẩm văn chương lại rất hiếm.
Vấn đề không nằm ở sự khác biệt về ngôn ngữ, Hoffmann nói. Ông từng đọc "Linh sơn" của Cao Hành Kiện bằng tiếng Trung Quốc cho sinh viên nghe. "Nhưng sinh viên của tôi gặp phải rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu các điển tích và các vấn đề đương đại từ sau 1950", Hoffmann cho biết.
Vì vậy, tại Hội chợ sách quốc tế Frankfurt, với tư cách là khách mời, là tâm điểm của hội chợ, văn học Trung Quốc có cơ hội đến được với đông đảo độc giả Đức hơn. Rất nhiều đầu sách đã được dịch và xuất bản sang tiếng Đức trước khi diễn ra hội sách.
Có khoảng 120 nhà xuất bản Đức ấn hành những tác phẩm liên quan đến văn hóa và văn học Trung Quốc, trong đó có hơn 40 tiểu thuyết.
Tất nhiên, Hoffmann cho rằng, không vì thế mà văn học Trung Quốc tạo được cơn sốt với người dân Đức.
“Mới đây, tôi có nói chuyện với một người làm trong lĩnh vực xuất bản. Anh ấy đã quan tâm đến các đầu sách Trung Quốc trong 10 - 15 năm qua. Nhưng anh phàn nàn rằng, 20 năm qua, không có mấy người quan tâm đến nền văn học này. Rồi đột nhiên, người ta đồng loạt nói về nó. Tôi cho là, khi hội chợ sách kết thúc, thì sự quan tâm đến văn học Trung Quốc cũng theo đó mà nguội đi".
Theo Evan.