Người Đức đến thư viện đọc sách nhiều hơn đến sân vận động xem bóng đá.
Ở Đức hiện có gần 11.000 thư viện. Điều đặc biệt là người dân Đức đến thư viện nhiều hơn cả rạp chiếu bóng và sân vận động. Trong năm 2009, chỉ có 70 triệu lượt người Đức đến sân vận động, 146 triệu lượt người đi xem phim nhưng có đến 200 triệu lượt người đến thư viện đọc sách.
Ngân sách tăng chi cho thư viện
Trong thời đại internet, từ “thư viện” dường như đã bị quên lãng nhưng nay mọi người lại thường nhắc đến và người Đức bắt đầu đổ xô đến thư viện. Chính quyền nhiều thành phố cũng bắt đầu quan tâm hơn đến các thư viện. Họ trích từ ngân sách nhiều khoản tiền hơn để chi cho các thư viện.
Theo đài Deutsche Welle (Đức), cả các doanh nghiệp địa phương cũng sẵn lòng chi cho các thư viện. Chẳng hạn, thư viện khu vực Turing mỗi năm nhận được 380.000 euro từ ngân sách khu vực và dưới dạng đóng góp của một xí nghiệp lớn đóng trên địa bàn. Những ai đến đây thường xuyên tham khảo tài liệu chỉ phải trả 12 euro mỗi năm. Riêng đối với sinh viên - học sinh, thư viện phục vụ hoàn toàn miễn phí. Trong thư viện này ước tính có đến 65.000 đầu sách, CD và DVD.
Nói về các phương tiện điện tử, bà Monika Ziller, Chủ tịch Liên hiệp Thư viện Đức, khẳng định các CD và DVD không thể thay thế được sách in. Theo bà, internet cũng hoàn toàn không thể đe dọa đến mức độ phổ thông của thư viện.
Bà Ziller nói: “Người ta đến thư viện bởi vì nhiều người trong số họ thỏa mãn được nhu cầu về thông tin cần thiết. Đó là nhờ các quản thủ thư viện. Nếu không, đa số người đọc sẽ bị lạc giữa biển thông tin và mất phương hướng. Nhiệm vụ của các quản thủ thư viện là xây dựng thông tin điện tử, hướng dẫn mọi người phân biệt điều quan trọng với điều thứ yếu, đánh giá các nguồn tài liệu một cách đúng đắn”.
Tuy nhiên, hoạt động thư viện không phải đều diễn ra suôn sẻ. Trong năm 2009, khoảng 20 thư viện thị trấn đã phải đóng cửa, gần 300 thư viện buộc phải chấp nhận tình trạng giảm nguồn chi ngân sách.
Phục hưng từ đống tro tàn
Nói ra nghe có vẻ nghịch lý nhưng sự thực là tình trạng bùng nổ văn hóa đọc hiện nay khởi đầu từ một thảm họa đã xảy ra ở thư viện Anna Amalia tại thành phố Weimar thuộc bang Thuringen. Năm 2004, đã xảy ra một trận hỏa hoạn khủng khiếp tại nơi lưu trữ văn học cổ điển này. Nước Đức khi ấy hết sức bàng hoàng: 50.000 đầu sách và bản thảo bị thiêu rụi, 60.000 ấn phẩm quý hiếm khác bị hư hại nghiêm trọng và chính tòa nhà thư viện lịch sử này cũng bị tổn hại nặng nề.
Sau đó, thư viện nổi tiếng trên đã được phục hồi và trùng tu. Rất nhiều tiền đã được đổ vào việc phục hồi những cuốn sách bị hư hại, tìm những bản sao có thể thay thế được những nguyên bản đã bị thiêu rụi, sửa chữa và phục hồi gian phòng cổ xưa nhiều tầng theo phong cách kiến trúc rococo. Một phần kinh phí được trích từ ngân sách, phần còn lại – hơn 11 triệu euro – được huy động từ nhiều doanh nghiệp và hơn 20.000 cá nhân.
Ba năm sau trận hỏa hoạn kinh khủng đó, tòa nhà thư viện đã được khôi phục.
Theo NLD.