Khoảnh khắc nước Đức biết đến Angela Merkel là hơn 20 năm trước.
Tháng 11/1999, đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Đức (CDU) rúng động vì bê bối liên quan đến những lãnh đạo cao nhất của đảng, trong đó có Helmut Kohl, người làm thủ tướng Đức và là lãnh đạo đảng cầm quyền CDU đến năm 1998. Họ bị cáo buộc đã nhận những khoản tiền bí mật từ một nhà sản xuất vũ khí của Đức liên quan đến thương vụ bán xe bọc thép cho Saudi Arabia.
Bản thân Chủ tịch đảng Wolfgang Schauble nhận 100.000 mark Đức trong vụ bê bối này. Trong khi đó, ông Helmut Kohl thừa nhận biết về việc này nhưng không có hành động gì để ngăn chặn. Tuy nhiên, với vị trí trụ cột của ông Kohl trong CDU, không ai dám đứng ra lên tiếng chỉ trích vị chính trị gia này.
Nhưng Angela Merkel nhìn thấy một cơ hội.
Angela Merkel, khi đó vẫn còn là một nhân vật tương đối mới mẻ ở CDU, viết một bài luận trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, kêu gọi đảng này cắt bỏ mối liên hệ với Helmut Kohl - chính trị gia lão luyện của họ.
“CDU phải học cách bước đi vào lúc này, và can đảm đương đầu với các cuộc chiến trong tương lai với đối thủ của họ, mà không có con ngựa chiến của mình”, bà Merkel viết. “Ngựa chiến” chính là từ mà ông Kohl thường dùng để mô tả bản thân.
Bà Merkel cho đăng bài luận này trên trang nhất của tờ báo mà không hề nói trước với Chủ tịch đảng Wolfgang Schauble. Theo bộ phim tài liệu The Making of Merkel with Andrew Marr trên BBC, đó là một quyết định có thể được giải thích bằng sự ngay thẳng trong đức tin Kháng cách của bà, hoặc là một sự quyết đoán đến mức lạnh lùng, hoặc có thể cả hai.
“Cô gái của Kohl” giờ đây kêu gọi CDU đoạn tuyệt với ông, với người đỡ đầu cho sự nghiệp chính trị của bà, và đánh cược sự nghiệp chính trị của mình trong một canh bạc nhằm trở thành lãnh đạo của đảng.
Và bà đã thành công. Cả ông Kohl và ông Schauble đều từ chức khỏi mọi vị trí trong CDU, và bà Merkel được bầu làm tân chủ tịch của đảng. Sáu năm sau đó, bà trở thành thủ tướng đầu tiên của nước Đức.
Sau 16 năm, hôm nay (8/12/2021) sẽ là ngày cuối cùng Angela Merkel làm thủ tướng Đức.
Đại quân lễ được tổ chức để vinh danh bà Merkel vào tối 2/12, trước khi bà chính thức chuyển giao quyền lực cho ông Olaf Scholz. Ảnh: Reuters.
Những ngày đầu ở Tây Đức
Con đường chính trị của Angela Merkel, một nhà khoa học trong nửa đầu sự nghiệp, bắt đầu ở tổ chức chính trị Democratic Awakening của nước Đức không còn Bức tường Berlin và đang tiến đến ngày thống nhất. Merkel khi đó 35 tuổi, đã bỏ công việc nghiên cứu và sống tại căn hộ ở Berlin, ngay cạnh văn phòng của Democratic Awakening.
Công việc ban đầu của Merkel chỉ đơn giản là giúp cài đặt máy tính cho văn phòng, những thiết bị khi đó được tài trợ bởi chính quyền Tây Đức. Angela Merkel hàng ngày có mặt ở trụ sở của Democratic Awakening để làm những công việc không tên. Bà trông không có gì nổi bật và không ai để ý đến bà.
Mọi chuyện cứ thế trôi đi cho đến tháng 3/1990, khi Democratic Awakening đối mặt một cuộc khủng hoảng truyền thông. Lãnh đạo của họ, ông Wolfgang Schnur bị phát hiện từng làm việc cho Stasi, cơ quan an ninh của Đông Đức. Phóng viên tập trung bên ngoài văn phòng Demcratic Awakening để chất vấn. Merkel được giao nhiệm vụ trả lời họ với tư cách người phát ngôn của tổ chức, vị trí bà vừa đảm nhiệm chưa đầy một tháng. Và những gì diễn ra sau đó được cho là một khoảnh khắc thay đổi cuộc đời bà.
Sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989, bà Merkel quyết định theo đuổi sự nghiệp chính trị. Bà tham gia những chiến dịch vận động cho đảng Democratic Awakening và trở thành người phát ngôn vào năm 1990. Ảnh: Getty
Theo ông Rainer Eppelmann, một lãnh đạo của tổ chức khi đó, bà Merkel đã trả lời các phóng viên với một sự bình tĩnh và điềm đạm ông chưa thấy ở một ai khác.
Màn thể hiện khiến cho ông Eppelmann ấn tượng và ngay sau cuộc bầu cử diễn ra ở Đông Đức vào tháng 3 đó, ông Eppelmann đề cử bà Merkel với Thủ tướng mới của Đông Đức, ông Lothar de Maiziere.
Ông de Maiziere đã có sẵn một người phát ngôn khi đó, và bà Merkel được đảm nhiệm vai trò người phát ngôn số 2. Trong khi người phát ngôn số 1 làm nhiệm vụ của mình, bà Merkel ở phía sau, chăm chỉ đọc tài liệu và chuẩn bị các thông tin.
“Bà ấy không bao giờ đặt mình ở trung tâm, bà ấy hiểu công việc của mình và biết rằng mình phải làm tốt công việc đó. Bà ấy biết mình không phải là thủ trưởng, và ở đây Lothar de Maiziere là thủ trưởng”, ông Eppelmann kể lại.
Bằng cách này, Angela Merkel nhanh chóng chiếm được niềm tin của Lothar de Maiziere và ông bắt đầu để bà đi cùng trong các chuyến công du nước ngoài.
Phong cách của bà Merkel khi đó cũng khiến bà trở nên khác biệt. Thay vì khả năng hùng biện lưu loát và vẻ ngoài bóng bẩy, Angela Merkel luôn bình tĩnh và giải thích tường tận mọi thứ, như một nhà khoa học.
“Bà ấy không quan tâm lắm với vẻ bề ngoài có phần vụng về của mình, bà ấy đi sandal, mặc quần áo rộng và tóc ngắn để mái bằng. Tôi nhớ rằng sau chuyến công du nước ngoài đầu tiên với Merkel, tôi đã đề nghị một phụ tá của mình đi mua quần áo cho bà ấy”, ông Lothar de Maiziere chia sẻ.
Đó là năm 1990 và cả hai phần của nước Đức đang tiến tới quá trình thống nhất. Vào thời điểm đó, một số nước châu Âu, đặc biệt là Anh và Pháp - dựa trên một lịch sử chưa xa - vẫn lo ngại về viễn cảnh một nước Đức thống nhất và tác động của điều đó với sự ổn định của châu Âu.
Và thế là Hiệp ước Maastricht ra đời. Để đảm bảo sự ràng buộc các lợi ích kinh tế và chính trị với phần còn lại của châu Âu, nước Đức thống nhất sẽ là một phần của Liên minh châu Âu, và sử dụng một đồng tiền chung trong khối. Sự kiện này góp phần định hình nên tầm nhìn của bà Merkel cho nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung.
Với viễn cảnh chính trị mới của nước Đức, bà Merkel đã bước ra một sân khấu lớn hơn nhiều. Bà trở thành thành viên của CDU - đảng chính trị lớn nhất đất nước, sau khi Democratic Awakening sáp nhập với đảng này. Trên lý thuyết, CDU là một thứ gì đó hoàn toàn khác với bà Merkel. Một người phụ nữ lớn lên ở Đông Đức, giờ đây sẽ đứng cùng hàng ngũ với các lãnh đạo nam giới quyền lực và bảo thủ xuất thân từ Tây Đức.
“Về mặt ý thức, bà ấy chưa bao giờ là một phần của CDU, bà ấy là người lạ đối với mọi thứ trong đảng. Tổ chức này chỉ là một công cụ trong tham vọng quyền lực của bà ấy, chứ không có lý do nào khác”, ông Karl Feldmeyer, phóng viên phân tích chính trị của tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, nhận định.
CDU khi đó được lãnh đạo bởi Thủ tướng Helmut Kohl, người đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự thống nhất của nước Đức. Ông Kohl vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên của nước Đức thống nhất, và đang cần một khuôn mặt mới để lấy lòng các cử tri ở phía đông. Và như một sự sắp đặt rất logic, dưới sự giới thiệu của Lothar de Maiziere, bà Merkel trở thành bộ trưởng các vấn đề phụ nữ và thanh thiếu niên trong chính phủ mới của ông Kohl.
Đây là quyết định bất ngờ với cả bà Merkel, người sau đó đã thú nhận với các phóng viên rằng bà không hề quan tâm đến vị trí này. Bà không phải là người đấu tranh cho nữ quyền, và cũng không đấu tranh đòi quyền lợi bình đẳng về mặt kinh tế cho Đông Đức. Vào thời điểm đó, Angela Merkel không có một chương trình nghị sự rõ ràng, và theo ông Feldmeyer, điều thôi thúc bà Merkel là “bản năng hoàn hảo để theo đuổi quyền lực”, thứ mà ông cho là đặc điểm quan trọng nhất của chính trị gia này.
Cả Helmut Kohl và Angela Merkel đều có những sự tương đồng đáng chú ý. Ở một đất nước mà khi đó những chính trị gia với sức hút cá nhân thường bị hoài nghi, vì một lý do lịch sử rõ ràng, Helmut Kohl là một bậc thầy trong việc xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo với vẻ ngoài giản dị và cách diễn đạt thẳng thắn, đôi khi vụng về.
Sau khi đảng Democratic Awakening sáp nhập với CDU, Thủ tướng Helmut Kohl bổ nhiệm bà Merkel vào vị trí Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh thiếu niên vào năm 1991. Ảnh: AFP
Ông Kohl, khi đó đang ở đỉnh cao sự nghiệp chính trị, thường giới thiệu bà Merkel với các chính khách nước ngoài bằng cụm từ mein Madchen - cô gái của tôi. Các cuộc họp nội các đều do ông Kohl chi phối và mặc dù luôn chuẩn bị kỹ lưỡng, bà Merkel hiếm khi phát biểu. Nhưng bên trong bộ phận của mình, bà Merkel được tôn trọng vì khả năng thu thập thông tin hiệu quả, cũng như tính cách bộc trực và đôi khi là nóng nảy của bà. Năm 1994, khi trở thành bộ trưởng Môi trường, bà Merkel nhanh chóng sa thải công chức hàng đầu của bộ sau khi ông này gợi ý rằng bà sẽ cần sự giúp đỡ của ông ấy để điều hành công việc.
Mối quan hệ chính trị của Kohl và Merkel bị cắt đứt vào năm 1999, trong một sự kiện mà chúng ta đều biết đã trở thành lịch sử.
Đông Đức
Angela Merkel khác biệt với tất cả nhà lãnh đạo trước đây của Đức, không chỉ bởi vì bà là một phụ nữ, mà vì bà lớn lên ở Đông Đức. Sinh ra ở Hamburg, thành phố cảng lớn nhất đất nước ở phía tây vào năm 1954, nhưng khi bà mới vài tháng tuổi, cha của bà - ông Horst Kasner - quyết định đưa cả gia đình chuyển đến Đông Đức.
Angela Kasner sinh ra tại thành phố Hamburg vào năm 1954. Cha của bà là ông Horst Kasner, một mục sư giáo hội Luther. Khi cô bé Angela mới được vài tháng tuổi, ông Kasner nhận trách nhiệm quản lý một nhà thờ ở Perleburg và đưa cả gia đình từ Tây Đức sang Đông Đức, vào thời điểm rất nhiều người di chuyển theo hướng ngược lại. Ảnh: Reuters
Cô bé Angela vụng về và ít nói, không hề hiếu động. Sau này, bà Merkel cũng chia sẻ rằng cho đến năm lên 5 tuổi, bà vẫn chưa thể đi bộ xuống dốc mà không bị ngã.
“Điều mà một đứa trẻ bình thường tự động biết cách làm, thì tôi phải chuẩn bị về mặt tinh thần và sau đó là một quãng thời gian dài tập luyện để có thể làm được”, thủ tướng Đức nói.
“Bà ấy rất trầm tính, không phải là kiểu người cởi mở nhưng luôn đối xử tốt với mọi người, và thường luôn nói thẳng. Đặc biệt, bà ấy cực kỳ thông minh”, ông Hartmut Hossense, một bạn học của bà Merkel thời thơ ấu, kể lại.
Điều đó cũng được khẳng định bởi thầy giáo của bà.
“Trong trí nhớ của tôi, chẳng có lúc nào mà Angela chấp nhận đầu hàng trước một câu hỏi hóc búa. Tất nhiên là có lúc mà cô ấy không thể đưa ra lời giải, nhưng nếu gặp một bài toán khó, Angela sẽ dành thời gian và tìm cách tính ngược từ cuối”, ông Hans-Ulrich Beskow, giáo viên dạy toán của bà Merkel, chia sẻ.
Ở trường, Angela đạt điểm xuất sắc ở cả môn toán và tiếng Nga, thậm chí đã đạt giải trong kỳ thi Olympic tiếng Nga ở cả ba vòng, trường học, thị trấn Templin và cả Đông Đức.
Cô gái trẻ Angela rời quê nhà Templin để đến Leipzig học đại học. Sau 4 năm học ngành vật lý, Angela làm đám cưới với người chồng đầu tiên Ulrich Merkel ở tuổi 23 và cả hai chuyển đến Đông Berlin, nơi bà tiếp tục học thạc sĩ. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ vật lý, bà Merkel tiếp tục nghiên cứu về hóa lượng tử.
Khoảnh khắc Merkel nhìn thấy nước Đức mới là tối muộn ngày 9/11/1989.
Đó là một ngày thứ năm, và cho đến 21h, hàng chục nghìn người ở phía đông đã tiến về phía bức tường Berlin, yêu cầu được phép đi sang phía bên kia. Trước đó chỉ vài tiếng, người phát ngôn của chính quyền Đông Đức, ông Gunter Schabowski bất ngờ phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày rằng từ nay, người dân Đông Đức sẽ được phép tự do di chuyển sang Tây Đức trên khắp các chốt kiểm soát dọc biên giới.
Nhưng đối với Merkel, người khi đó là một nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành vật lý, hôm đó vẫn là một ngày thứ năm. Thứ năm hàng tuần là ngày bà sẽ đi tắm hơi cùng một người bạn.
“Tôi nghĩ rằng một khi bức tường đã mở thì rất khó có khả năng nó sẽ đóng lại, vì vậy tôi quyết định chờ”, bà Merkel nói với Guardian sau này.
Sự bình tĩnh đến đáng ngạc nhiên này chính là một trong những phẩm chất đặc biệt nhất của Angela Merkel. Và điều đó không chỉ diễn ra trong ngày bức tường Berlin sụp đổ, mà còn được bà Merkel thể hiện trong nhiều thời khắc biến động dữ dội khác sau này.
Trong thế giới chính trị của những người đàn ông Đông Đức, việc xuất thân từ phía Đông đã vô tình mang lại những lợi thế cho Angela Merkel. Bà học được tính kỷ luật, sức mạnh ý chí và sự im lặng như là một công cụ thiết yếu.
“Đông Đức đã định hình bà ấy một cách mạnh mẽ, thứ mà không ai lớn lên ở Tây Đức có được. Mọi thứ đều là một câu hỏi sống còn, và không thể có sai sót nếu bạn muốn thành công”, ông Feldmeyer giải thích.
Vào đầu những năm 1990, chính trị vẫn là trò chơi của người Tây Đức, nhưng bà Merkel học nhanh tới mức một số đồng nghiệp xuất thân từ Đông Đức cảm thấy nể. Bà Petra Pau, người lớn lên ở Đông Berlin và là chính trị gia lâu năm trong quốc hội Đức, nhớ rằng có lần bà Merkel dùng từ “chúng ta những người Tây Đức”, mặc dù bản thân bà xuất thân từ phía đông.
Sau cuộc bầu cử căng thẳng vào năm 2005, liên minh CDU/CSU của bà Merkel đạt được thỏa thuận với đảng đối lập SPD để thành lập chính phủ. Trong khi SPD giữ 8 trên 16 ghế ở nội các, bà Merkel trở thành nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử nước Đức. Ảnh: Getty
Khủng hoảng
Những nhiệm kỳ của bà Merkel đều được đánh dấu bằng những cuộc khủng hoảng mà cả châu Âu, thay vì chỉ nước Đức, phải trải qua. Merkel trở thành người lãnh đạo của châu Âu với việc lèo lái khối vượt qua cuộc khủng hoảng eurozone, nợ Hy Lạp, và nhập cư. Mỗi cuộc khủng hoảng đều được gọi là "thách thức lớn nhất châu Âu phải đối mặt trong thế kỷ 21", nhưng đó là chưa kể đến Covid-19.
Đại dịch Covid-19 xảy ra đúng thời điểm mà nền kinh tế Đức ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng eurozone. dù không phải là một người thích phát biểu trước dân chúng, và mỗi năm bà Merkel chỉ lên truyền hình một lần để làm điều này với người dân vào dịp năm mới, nhưng đến tháng 3/2020, bà Merkel đã phá lệ và gửi đi một thông điệp rõ ràng với những chứng cứ khoa học về sự nguy hiểm của virus corona.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng - và chúng ta phải nghiêm túc với nó”, bà Merkel nói với người dân Đức. “Kể từ khi nước Đức thống nhất, không, kể từ Thế chiến II, không có thách thức nào đối với đất nước mà việc đoàn kết với nhau lại có ý nghĩa quan trọng như vậy”.
Trên thực tế, trong giai đoạn đầu của đại dịch, với việc tăng tốc xét nghiệm, Đức đã làm tốt hơn nhiều các nước khác trong việc kiểm soát đại dịch. Các bệnh viện ở Đức thậm chí còn tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 từ Pháp, nơi khi đó phải đối mặt với tình trạng quá tải hệ thống y tế.
Sau một bài phát biểu trước quốc hội vào năm 2020 về các biện pháp phòng dịch, thủ tướng Đức quên đeo lại khẩu trang và đã phải vội vã trở lại bục phát biểu để lấy khẩu trang. Ảnh: Getty.
Trái ngược với sự chậm trễ trong việc đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp một thập kỷ trước, bà Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhanh chóng chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo châu Âu để tung ra một gói kích thích kinh tế trị giá 500 tỷ euro để phục hồi EU sau đại dịch.
“Angela Merkel đi lên trước và cho rằng châu Âu là một ‘cộng đồng được xây dựng bởi niềm tin’ và thay đổi quan điểm trước đây của bà về một chính sách tài khóa liên bang. Ông Macron cho rằng nếu EU không nhanh chóng đưa ra giải pháp - nếu như EU tiếp tục chậm trễ như đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, thì tương lai của khối sẽ bị ảnh hưởng trước làn sóng dân túy”, ông Neil Ferguson, sử gia chuyên nghiên cứu về Đức và châu Âu của Đại học Standford, nhận định. "Điều quan trọng bà Merkel của năm 2020 đã chấp nhận điều đó, và theo tôi thì bà ấy đã rút ra được một bài học".
Giữa đại dịch Covid-19, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà Merkel ở Đức trở lại ở mức trên 70%, và bà vẫn làm lu mờ phần còn lại trong chính phủ liên minh của mình. Di sản của bà dường như đã được bảo toàn.
“Bà ấy sẽ được nhớ đến như một nhà quản lý khủng hoảng thực sự. Thật không thể tin nổi, bất cứ khi nào có khủng hoảng, bà ấy đều làm tốt nhất có thể”, bà Andrea Rommele, giáo sư truyền thông chính trị và xã hội dân sự tại Đại học Hertie ở Berlin, nhận định.
Trở lại năm 1989, sau khi cuộc hôn nhân đầu tiên kết thúc, bà chuyển đến một căn hộ ở phía bắc Đông Berlin. Hàng ngày, bà và đồng nghiệp Schidhelm lên tàu điện S-Bahn để đi tới viện nghiên cứu ở phía nam thành phố. Đường tàu đi dọc Bức tường Berlin và hành khách hoàn toàn có thể nhìn sang phía bên kia, Tây Berlin, khi đó được quản lý bởi Mỹ và đồng minh.
“Chúng tôi phải đi dọc thành phố hàng ngày, và có nhiều lúc, chúng tôi không chỉ nhìn thấy bức tường chia cắt Berlin mà còn xa hơn thế. Và bạn luôn có thể thấy phía bên kia, khi đó đối với chúng tôi là nơi không được đặt chân đến”, ông Schindhelm kể lại.
Những bức tường đã định hình cuộc đời Merkel. Sự nghiệp chính trị của bà Merkel bắt đầu khi Bức tường Berlin đã đổ xuống. Bà sẽ kết thúc sự nghiệp vào ngày hôm nay, trong một thế giới vẫn còn là không tưởng cách đây 2 năm, nơi những "bức tường" được dựng lên lại để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Trong bài phát biểu vào tháng 3/2020, bà Merkel cũng nhắc lại quá khứ lớn lên ở Đông Đức, nơi việc di chuyển tự do bị hạn chế để giải thích rằng bà hiểu sự ức chế của người dân với các biện pháp phong tỏa, nhưng đó là điều cần thiết vào lúc này để giúp cứu những mạng sống.
Khi bà Merkel rời khỏi cương vị thủ tướng sau 16 năm cầm quyền, nước Đức đã trải qua một giai đoạn thịnh vượng và ổn định chưa từng thấy kể từ Thế chiến II. GDP đã tăng 34% kể từ thời điểm bà nhậm chức vào năm 2005. Không có nước nào khác trong EU đạt được một con số ấn tượng như vậy trong cùng thời gian. Pháp tăng trưởng 19%, Tây Ban Nha 11%, Anh 7% và Italy chỉ 2%. Cũng trong thời kỳ lãnh đạo của bà Merkel, số người thất nghiệp ở Đức giảm hơn 3 triệu.
Tuy nhiên, thật khó để xác định kết quả của một số chính sách gây tranh cãi được gắn với bà Merkel trong thời gian này. Việc ép các nước Nam Âu phải cắt giảm chi tiêu sau cuộc khủng hoảng eurozone đã cứu lấy sự tồn tại của đồng euro, nhưng không giải quyết được những điểm yếu thực sự trong kiến trúc kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tính đến thời điểm này, mức nợ công của các quốc gia nói trên vẫn ở mức rất cao. Hy Lạp vẫn đứng đầu danh sách với tỷ lệ nợ công trên GDP là 205%, sau đó là Italy (155%), Bồ Đào Nha (133%) và Tây Ban Nha (120%).
Gần đây, những lãnh đạo của đảng Xanh với quan điểm đề cao việc bảo vệ môi trường cũng chỉ trích bà Merkel vì đã không làm đủ để giảm phát thải nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, trong bối cảnh một số vùng miền Tây nước Đức hứng chịu đợt lũ lụt lịch sử khiến gần 200 người thiệt mạng. Trên trường quốc tế, bà Merkel cũng bị phê phán vì không mạnh mẽ hơn với Nga và Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích kinh tế cho Đức.
Thế giới không tưởng của ngày hôm nay sẽ phán xét di sản của Merkel, nhưng trong thế kỷ 21, chưa có nhà lãnh đạo nào khác đạt đến gần tầm vóc của bà Merkel. Chắc chắn trong nhiều năm tới, người ta sẽ nhớ sự hiện diện ổn định và mang tính xây dựng của bà trong nền chính trị của phương Tây.
Những chiếc áo và cử chỉ tay đặc trưng của bà Merkel trong 16 năm cầm quyền. Ảnh: Reuters.
Quốc Thăng
Nguồn: zingnews.vn