Năm 2003 thế giới bàng hoàng trải qua dịch bệnh Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS). 17 năm sau, đến lượt đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19)

Dù có những khác biệt nhưng cả SARS và COVID-19 có nhiều điểm tương đồng.

Cùng nguồn gốc virus, cùng điểm bùng phát

Ngày 5-7-2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tất cả các trường hợp lây nhiễm từ người sang người của SARS đã chấm dứt, tức dịch SARS đã được kiểm soát trên toàn cầu. 

Trước thời điểm đó, chỉ trong 8 tháng, căn bệnh này đã giết chết khoảng 775 người tại 29 quốc gia, đồng thời phơi bày ra những rủi ro đối với các hệ thống y tế công cộng trên toàn cầu. Tỉ lệ tử vong của SARS là khoảng 10%.

Theo thông tin trên trang web của WHO, các trường hợp nhiễm SARS đầu tiên, khi đó được cho là viêm phổi, nhiều khả năng là xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11-2002. Đến ngày 15-2-2003, Trung Quốc đã báo cáo 305 ca viêm phổi không điển hình, sau đó được phát hiện là SARS.

42 1 17 Nam Sau Dich Sars The Gioi Chat Vat Hon Vi Covid 19

Hành khách đeo khẩu trang khi xuống tàu tại Zurich, Thụy Sĩ vào ngày 6-7-2020 - Ảnh: REUTERS

SARS là một chứng bệnh hô hấp ở người do virus mang tên SARS-CoV gây ra. Đây là một chủng của virus corona và được xác định có nguồn gốc từ cầy hương. Theo một số nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trung Quốc, virus gây dịch SARS năm 2002-2003 có thể xuất phát từ một chợ động vật hoang dã của nước này.

Lần này, virus gây ra đại dịch COVID-19 cũng là một chủng virus corona, gọi là SARS-CoV-2, được cho là có nguồn gốc từ dơi. Các ca nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận vào tháng 12-2019 và có liên quan đến chợ hải sản Hoa Nam tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Các triệu chứng chính của SARS khá giống cúm, bao gồm sốt cao và ho khan. Trong một số trường hợp, người bệnh bị đau đầu, tiêu chảy, cứng khớp, phát ban, chóng mặt và nhạt miệng. Người bệnh bắt đầu khó thở từ hai đến mười ngày sau khi nhiễm bệnh. 

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn SARS lây truyền như thế nào nhưng tin rằng phải tiếp xúc gần với người bệnh mới có thể nhiễm bệnh.

Với COVID-19, theo thông tin từ WHO, người bệnh sẽ có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục mà không cần nhập viện. Các triệu chứng thường gặp nhất là sốt, ho khan và mệt mỏi. Các triệu chứng ít gặp hơn là đau nhức, đau họng, tiêu chảy, viêm kết mạc, đau đầu, mất vị giác hoặc khứu giác, da nổi mẩn hay ngón tay hoặc ngón chân bị tấy đỏ hoặc tím tái. 

Người bệnh nặng có các triệu chứng như khó thở, đau tức ngực, mất khả năng nói hoặc cử động. Thông thường các triệu chứng sẽ xuất hiện sau 5-6 ngày kể từ khi người bệnh nhiễm virus. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh có thể lên tới 14 ngày và bệnh cũng lây với điều kiện tiếp xúc gần với người bệnh.

SARS lây lan nhanh và diễn tiến bệnh cũng rất nhanh. Những bệnh nhân nhiễm virus SARS nếu không được điều trị kịp thời có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp, thậm chí tử vong. Trong khi đó, COVID-19 có thời gian ủ bệnh lên tới nửa tháng, và có những người nhiễm virus corona không thể hiện triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác.

42 2 17 Nam Sau Dich Sars The Gioi Chat Vat Hon Vi Covid 19

Nhân viên và thực khách đeo khẩu trang tại một nhà hàng ở bang Texas, Mỹ - Ảnh: AFP

WHO đưa ra cảnh báo y tế toàn cầu về SARS vào ngày 12-3-2003. Trung Quốc sau đó đã lên tiếng xin lỗi sau khi nhận nhiều chỉ trích vì đã không cảnh báo cho các cơ quan y tế thế giới về đợt bùng phát ban đầu của dịch SARS cũng như tiến hành các biện pháp phòng ngừa để ngăn căn bệnh này lan rộng.

SARS nhanh chóng lan ra các khu vực lân cận như Hong Kong và Việt Nam trước khi lây ra  khắp thế giới thông qua con đường du lịch hàng không. Nhìn chung cả thế giới đã ghi nhận hơn 8.000 người nhiễm SARS, trong đó hơn 700 người tử vong, riêng tại Trung Quốc là 350 người.

Tối 11-3-2020 (giờ Việt Nam), gần đúng 17 năm sau ngày đưa ra cảnh báo y tế toàn cầu về SARS, WHO chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới.

Cho đến nay, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng 7-7-2020, toàn cầu có hơn 11.756.000 người nhiễm COVID-19, hơn 541.000 người chết, theo trang worldometers.info . 

Hiện đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đang ghi nhận số ca nhiễm mới bùng phát trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội.

Tương tự lúc dịch SARS bùng phát, chính phủ Trung Quốc không phải là nơi đầu tiên thông báo về những ca viêm phổi "lạ" ở Vũ Hán cho cộng đồng y tế thế giới. WHO ngày 4-7-2020 cho biết họ được báo cáo thông tin đầu tiên về các trường hợp này từ văn phòng của WHO tại Trung Quốc vào tháng 12-2019, chứ không phải từ chính quyền sở tại.

Đến ngày 5-1-2020, trong một thông báo trên Twitter, WHO cho biết Trung Quốc đã báo cáo với tổ chức này về một cụm các trường hợp viêm phổi "lạ", chưa có ca tử vong nào tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ngày 10-1, WHO ban hành hướng dẫn đầu tiên về virus corona chủng mới.

Từ giữa tháng 1-2020, virus corona bắt đầu lan nhanh ra các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… trước khi lan rộng ra thế giới qua ngỏ du lịch. Ngày 14-2, Pháp ghi nhận người đầu tiên chết vì COVID-19, đây cũng là ca tử vong đầu tiên bên ngoài châu Á. Mỹ có ca tử vong đầu tiên vào ngày 29-2.

42 3 17 Nam Sau Dich Sars The Gioi Chat Vat Hon Vi Covid 19

Bảng thông tin về các chuyến bay bị hủy tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 3-6-2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành trên thế giới - Ảnh: REUTERS

Tác động và thiệt hại to lớn hơn

Có nhiều điểm tương đồng với SARS nhưng COVID-19 có quy mô của một đại dịch, gây ra ảnh hưởng và thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với sự kiện năm 2003.

Sau cảnh báo toàn cầu tháng 3-2003 của WHO, nhiều người đã hủy các chuyến du lịch tới những khu vực bị ảnh hưởng. Hầu như tất cả các giải thi đấu quốc tế, từ bóng đá đến cầu lông, đua xe... đều bị hoãn hoặc hủy. Ngay cả sự kiện thể thao Olympic Tokyo 2020 cũng phải dời sang năm 2021 khi Nhật chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh.

Những hạn chế đi lại cũng như sự sụt giảm nhu cầu của khách du lịch đã giáng đòn mạnh vào ngành hàng không lẫn du lịch. Tháng 3-2020, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính ngành này có thể mất từ 63 - 113 tỉ USD doanh thu. 

Để tránh rơi vào suy thoái khi hàng triệu việc làm mất đi trong đại dịch, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở cửa lại nền kinh tế bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn chưa lắng xuống...

Mất 8 tháng để WHO tuyên bố thế giới đã kiểm soát được dịch SARS. Nay đại dịch COVID-19 đã kéo dài hơn 6 tháng nhưng diễn tiến vẫn còn nhiều phức tạp. WHO và nhiều chuyên gia y tế thế giới cũng cảnh báo về làn sóng COVID-19 thứ hai trước khi có văcxin, dự kiến xảy ra vào mùa đông 2020.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 29-6 cho rằng việc tất cả các quốc gia sống chung với COVID-19 sẽ là "bình thường mới" trong những tháng tới.

Cho đến nay, đã 17 năm kể từ lần đầu tiên thế giới biết đến SARS nhưng vẫn chưa có văcxin ngừa virus này. Đối với COVID-19, rất nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia đang chạy đua để phát triển văcxin. WHO cuối tháng 6 cho biết các nhà nghiên cứu trên thế giới đang phát triển khoảng 200 loại văcxin COVID-19, trong đó khoảng 10 loại đang được thử nghiệm trên người. WHO hi vọng thế giới có thể sản xuất hàng trăm triệu liều văcxin COVID-19 trong năm nay và sẽ ưu tiên những nhóm người dễ nhiễm bệnh.

Đầu tháng 7-2020 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ lạc quan rằng Mỹ sẽ sớm có văcxin COVID-19. Bác sĩ Francis Collins, giám đốc Viện Y tế quốc gia Mỹ, cũng tin tưởng chương trình văcxin của chính phủ Mỹ có thể phát triển thành công một loại văcxin phòng ngừa COVID-19 trước cuối năm nay và nước Mỹ sẽ có thể đạt mục tiêu nắm trong tay 300 triệu liều văcxin này vào đầu năm 2021, theo Reuters.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC