Vụ nổ xảy ra tại cảng Shahid Rajaee, miền nam Iran, khiến ít nhất 25 người chết, 1.000 người bị thương, nguyên nhân khả năng cao liên quan hóa chất.

Một số container phát nổ tại cảng Shahid Rajaee, nằm trong khu phức hợp cảng Bandar Abbas, tỉnh Hormozgan, miền nam Iran, vào 11h55 ngày 26/4. Vụ nổ phá hủy và làm hư hại một số công trình cùng phương tiện gần hiện trường,.

Hãng thông tấn nhà nước Iran chiều nay cập nhật rằng ít nhất 25 người chết, 1.000 người bị thương trong sự việc.

Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian bày tỏ đồng cảm với các nạn nhân. Ông đã chỉ đạo điều tra nguyên nhân và Bộ trưởng Nội vụ Iran Eskandar Momeni đến khu vực để đánh giá tình hình.

1 25 Nguoi Chet 1000 Nguoi Bi Thuong Trong Vu No Tai Cang Iran

Người dân di chuyển một nạn nhân trong vụ nổ ở cảng Shahid Rajaee, Bandar Abbas, tỉnh Hormozgan, miền nam Iran ngày 26/4. Ảnh: AFP

Mehrdad Hassanzadeh, lãnh đạo cơ quan ứng phó khủng hoảng Hormozgan, nói nguyên nhân thảm kịch "là một số container lưu trữ ở khu vực cầu tàu phát nổ". Thứ Bảy là ngày bắt đầu tuần làm việc ở Iran, đồng nghĩa có nhiều nhân viên tại cảng.

Phát ngôn viên chính phủ Iran nói các hóa chất có thể là nguyên nhân vụ nổ, nhưng giới chức chưa xác định được lý do chính xác.

Hossein Zafari, phát ngôn viên cơ quan ứng phó khủng hoảng Iran, cho rằng việc bảo quản hóa chất kém góp phần dẫn đến vụ nổ. Trả lời hãng tin ILNA, Zafari nói tổng giám đốc cơ quan này từng cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn với giới chức cảng Shahid Rajaee trong các chuyến làm việc.

Truyền thông Mỹ dẫn nguồn tin có liên hệ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết hóa chất phát nổ là natri perchlorat (NaClO4), nguyên liệu chính trong sản xuất nhiên liệu rắn dành cho tên lửa.

2 25 Nguoi Chet 1000 Nguoi Bi Thuong Trong Vu No Tai Cang Iran

Vị trí thành phố Bandar Abbas, thủ phủ tỉnh Hormozgan, Iran. Đồ họa: BBC

Như Tâm (Theo Reuters, AFP)

Nguồn: VNEXPRESS.NET




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC